Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2020. Trong đó tăng cường tính tự chủ, tự trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học; từng bước tiếp cận xu hướng tuyển sinh của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, chủ động tiếp cận những thành tựu khoa học công nghệ trong giáo dục (đặc biệt là về đo lường, đánh giá).
Theo Bộ GD&ĐT, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm những năm gần đây đã chất lượng hơn, giảm nhiều áp lực, tốn kém cho thí sinh và các trường so với trước đây.
Các trường đại học, cao đẳng sư phạm đã phát huy tốt tinh thần tự chủ, mở rộng các phương thức tuyển sinh ngoài phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, như xét học bạ, xét tuyển thẳng, thi đánh giá năng lực... qua đó góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của các trường.
Việc cho phép thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, được sự hỗ trợ của công nghệ "lọc ảo”, là việc làm nhân văn giúp thí sinh giảm nỗi lo điểm cao vẫn trượt đại học như trước đây. Bên cạnh đó, các trường đã chủ động, linh hoạt thay đổi phương án tuyển sinh để phù hợp với tình hình dịch Covid-19, thể hiện trách nhiệm xã hội, đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết.
Năm nay, cả nước có 528.038 chỉ tiêu tuyển sinh, tăng 7,84% so với năm 2019. Số thí sinh đăng ký xét tuyển là 642.945, giảm 1,46% so với năm 2019. Tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển là 2.494.210, giảm 3,14% so với năm 2019. Cập nhật đến hết ngày 27/9, có tổng số 275.530 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, tỷ lệ điều chỉnh đạt 42,49%.
Bộ GDĐT tiếp tục xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với một số ngành đào tạo đặc thù. Việc quy định "điểm sàn” đối với 02 nhóm ngành này là để kiểm soát chất lượng đầu vào, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sư phạm và y tế. Đến thời điểm này, công tác tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm cơ bản ổn định, chất lượng được đảm bảo.
Phương thức xét tuyển đại học, thi tốt nghiệp ổn định đến năm 2025 - 2Nhấn để phóng to ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Chưa thể giao thi tốt nghiệp THPT cho địa phương
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 vừa tổ chức, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh những thành quả trong đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THTP 6 năm qua (khởi đầu được gọi là kỳ thi THTP quốc gia).
Theo Phó thủ tướng, năm nay là năm cuối cùng của lộ trình 6 năm đổi mới kỳ thi một cách chủ động. Hằng năm, ngành giáo dục đổi mới từng bước, chưa năm nào tốt như năm nay bởi đây là năm cuối cùng của lộ trình. Đến năm nay là hoàn thành lộ trình đó.
"Một nước đang phát triển như Việt Nam thì khó mà đòi hỏi các vấn đề phải được như các nước phát triển. Câu chuyện thiếu cơ sở vật chất, thiếu biên chế, luơng giáo viên sẽ vẫn là những câu chuyện bị kêu ca hàng năm. Rồi các tiêu cực trong giáo dục, năm nào cũng có.
Rồi chuyện thi, năm nào cũng có chuyện (đó là nguyên cớ để có nhiều ý kiến cho rằng cần phải bỏ đi), nhưng chúng ta vẫn kiên trì, để rồi sau 6 năm chúng ta mới thấy thành quả. Chúng ta đã hoàn thành một chặng đường. Tới đây, chúng ta sẽ đổi mới, bởi với giáo dục, đổi mới là một hành trình liên tục. Nên rất cần sự bình tĩnh nhìn nhận”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, tất cả những thứ mà chúng ta vật vã, khổ sở về đổi mới thi cử, chưa thể giao về cho các địa phương như mong muốn. Bởi thi chặt như thế còn "ăn gian", còn xin điểm, còn đủ thứ. Cái đó chúng ta phải chấn chỉnh, với một tinh thần xây dựng để tất cả các cơ sở giáo dục phải là một thiết chế biểu tượng cho văn hóa. Tới đây chúng ta phải tập trung làm được.
Phó thủ tướng cho rằng, kỳ thi tới đây như thế nào là một chủ đề rất sâu, phải đáp ứng nhiều yêu cầu, kể cả hội nhập quốc tế, và phải đáp ứng mặt bằng chung của đất nước, gắn liền với lộ trình đổi mới giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH-CĐ.
Chúng ta chỉ nói đến thi nhưng quên mất nó chỉ là một phần trong nội dung kiểm định - đánh giá từ phổ thông đến đại học mà chúng ta đã đổi mới được nhiều trong 6 năm qua. một giải pháp là chìa khóa cho đổi mới chính là xây dựng được một văn hóa giáo dục lành mạnh. Phải làm sao để từng trường học phải là biểu tượng cho văn hóa.
(Theo Dân Trí)