Kỷ niệm 50 năm thành lập Trường THPT Chu Văn An (1970 - 2020)

THPT Chu Văn An: Xứng danh ngôi trường mang tên người thầy mẫu mực

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/11/2020 | 7:53:14 AM

YênBái - Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên (tiền thân là Trường Phổ thông cấp 3 Văn Yên) được thành lập từ tháng 8/1970. Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh của nhà trường luôn tích cực phấn đấu xây dựng Trường thành điểm sáng về chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện.

Trường THPT Chu Văn An đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
Trường THPT Chu Văn An đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành; đồng thời, dưới sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Văn Yên; cùng với sự chăm lo đóng góp xây dựng của nhân dân địa phương, từ một ngôi trường khi mới thành lập chỉ có 6 thầy cô giáo và 99 học sinh, địa điểm học phải mượn tạm với các phòng học được dựng từ tranh tre, nứa lá, đến nay, Trường THPT Chu Văn An có 76 cán bộ, giáo viên, nhân viên và gần 1.300 học sinh/30 lớp. 

Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng khang trang với 4 dãy nhà 2 tầng, trong đó có 12 phòng học thông minh, 18 phòng học tiên tiến và đầy đủ các phòng học bộ môn, đáp ứng yêu cầu dạy và học theo quy định. 

Những năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, coi nâng cao chất lượng dạy và học là nhiệm vụ trọng tâm, có tính chiến lược lâu dài. 

Nhà giáo Nguyễn Mạnh Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Với phương châm muốn trò giỏi cần phải có thầy giỏi, Ban Giám hiệu nhà trường đã đổi mới công tác quản lý, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục như: coi trọng, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, củng cố chất lượng đội ngũ giáo viên, giữ vững truyền thống đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, dạy tốt - học tốt. 

Cùng với đó, nhà trường đã chú trọng nâng cao chất lượng theo phương pháp dạy học tích cực, tổ chức dạy học phân hóa phù hợp với các đối tượng học sinh khác nhau, đổi mới phương pháp dạy định hướng phát huy phẩm chất và năng lực của học sinh; tăng cường thăm lớp, dự giờ, rút kinh nghiệm chuyên môn; quan tâm dạy văn hóa kết hợp với việc giáo dục ý thức đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh...”. 

Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên tổ chức kiểm tra chuyên môn định kỳ, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các tổ chuyên môn, khuyến khích và đẩy mạnh phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm trong giáo viên. 5 năm qua, nhà trường đã có gần 60 sáng kiến được Hội đồng Sáng kiến ngành giáo dục và đào tạo tỉnh xếp từ loại khá trở lên.

Trong đó, 3 mô hình mới được các đơn vị trong khối thi đua của tỉnh và một số tỉnh bạn đến tham quan, học tập. Các sáng kiến kinh nghiệm đã có tác dụng thúc đẩy việc nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, đưa các hoạt động giáo dục trong trường vào nề nếp khoa học và hiệu quả.

Một trong những biện pháp để nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục là coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản lý cũng như giảng dạy, giáo dục và biên soạn giáo án, tìm hiểu nguồn tư liệu hỗ trợ bài giảng trên lớp; sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học; đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn lẫn đại trà nhằm đáp ứng yêu cầu thời đại mới. 

Trong công tác quản lý, nhà trường đã ứng dụng hiệu quả nhiều phần mềm quản lý như: quản lý nhân sự, quản lý học sinh, quản lý tài chính; sử dụng hệ thống sổ điểm điện tử; xây dựng kỷ yếu điện tử trên website nhà trường; xây dựng ngân hàng đề thi nhằm đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá; xây dựng diễn đàn dạy và học trên website giới thiệu phương pháp học tập các bộ môn, cập nhật đề thi, đáp án các kỳ thi. 

Đặc biệt, thông qua triển khai mô hình "Ứng dụng các thiết bị công nghệ cao vào đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá”, "Đổi mới phương pháp quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn”, 100% giáo viên và hầu hết học sinh đều sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ cao vào dạy học và kiểm tra đánh giá.

Song song với đó, Trường THPT Chu Văn An cũng thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên theo hướng chuyên sâu, đảm bảo chất lượng dạy học môn chuyên và bồi dưỡng học sinh giỏi. Lựa chọn giáo viên có tay nghề, trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm phụ trách bồi dưỡng học sinh giỏi ở các khối lớp. Cùng với quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy là quá trình cải tiến phương pháp học tập của học sinh. 

Bên cạnh trang bị cho học sinh các kiến thức cơ bản, bổ sung kiến thức chuyên sâu, các giáo viên của nhà trường đều chú trọng hướng dẫn học sinh kỹ năng tự học, tự nghiên cứu thông qua bài học thực tế.   

Cùng với đó, để giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, nhà trường đã đa dạng các hình thức học tập như trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục kỹ năng giao tiếp, ứng xử, rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh, thông qua các cuộc thi, các buổi ngoại khóa, hoạt động nhóm lồng ghép trong các môn học, giờ sinh hoạt lớp... 

Đồng thời, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, góp phần giúp các em chủ động, sáng suốt trong việc lựa chọn nghề nghiệp, việc làm, nhằm thực hiện tốt chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

 Đồng hành cùng với việc dạy và học, các phong trào "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã và đang được nhà trường phát huy có hiệu quả, nâng cao chất và lượng trong sự nghiệp "trồng người”. 

Nhờ đó, chất lượng giáo dục của nhà trường trong những năm qua tăng vượt bậc. Tỷ lệ học sinh khá giỏi hàng năm duy trì từ 55 đến 68%, học sinh đỗ vào các trường đại học chiếm tỷ lệ trên 50%. Giáo dục mũi nhọn được đầu tư và đạt hiệu quả: số học sinh đạt giải các môn văn hóa, thi giải Toán, tiếng Anh trên Internet cấp tỉnh, cấp quốc gia tăng cả về số lượng và chất lượng, luôn đứng ở vị trí thứ hai, thứ ba trong tỉnh. 

Trong 50 năm qua, nhà trường có 750 học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa; 26 giải quốc gia các môn văn hóa. Đặc biệt, năm học 2019 - 2020, nhà trường có 2 học sinh giỏi đạt giải Ba quốc gia môn Sinh học và Lịch sử. Năm học 2020 - 2021, nhà trường có 39 giải học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa, có 2 học sinh vào đội tuyển quốc gia. Trong Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên tỉnh Yên Bái lần thứ I năm 2020, Trường THPT Chu Văn An đạt 2 giải Nhì, 1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. 

Nhà giáo Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao về chất lượng giáo dục của Trường THPT Chu Văn An những năm học qua. Nhà trường đã thực hiện đầy đủ các nội dung quy định, các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; gắn việc điều chỉnh nội dung dạy học với tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém. Từ đó, chất lượng giáo dục hàng năm được nâng lên, khẳng định qua kết quả thi tốt nghiệp và số lượng học sinh đạt giải qua các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. 

So với các trường trong tỉnh, Trường THPT Chu Văn An là một trường có thứ hạng cao trong tỉnh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên đoàn kết, nhất trí, luôn trau dồi năng lực chuyên môn để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Nhiều thầy cô giáo đã rèn luyện, trưởng thành giữ các cương vị lãnh đạo của huyện, nhiều thầy cô giáo được Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành lựa chọn về giảng dạy”. 

Ghi nhận sự phấn đấu toàn diện các mặt hoạt động, Trường THPT Chu Văn An đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1997, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2015. Nhiều tập thể và cá nhân đã được Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Văn Yên tặng bằng khen, giấy khen, cờ thi đua, chiến sĩ thi đua các cấp, danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Đặc biệt, năm học 2020 - 2021 này, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường, tập thể nhà trường vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và 1 cán bộ quản lý được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Với những thành tích đã đạt được, Trường THPT Chu Văn An xứng đáng là một địa chỉ tin cậy trong sự nghiệp "trồng người” của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hồng Vân

Tags Yên Bái Văn Yên Trường THPT Chu Văn An giáo viên học sinh

Các tin khác

Ngày 10/11, Báo Nông nghiệp Việt Nam cùng Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn Vingroup) đã tổ chức chương trình "Cùng em tới lớp" năm học 2020 - 2021 tại huyện Trấn Yên.

Trước mắt, các nguồn ủng hộ sẽ tập trung ưu tiên tặng sách, vở cho học sinh vùng lũ. (Ảnh minh họa).

Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) vừa có công văn gửi các đơn vị trực thuộc Bộ; các đại học (ĐH), trường ĐH, cao đẳng (CĐ); các cơ quan, doanh nghiệp (DN); Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố kêu gọi hỗ trợ ngành giáo dục miền Trung.

Lãnh đạo Agribank Yên Bái và huyện Mù Cang Chải thăm phòng đọc sách của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lao Chải.

Thực hiện Chương trình tặng tủ sách thiết bị trường học với chủ đề “Thêm con chữ, bớt đói nghèo”, vừa qua, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã trao phần quà trị giá 150 triệu đồng, gồm tủ sách, bàn ghế, quạt và 5 bộ máy vi tính cho Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lao Chải, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Huyện Trạm Tấu hiện có 11 trường phổ thông dân tộc bán trú TH & THCS với 6.818 học sinh, trong đó, có 5.522 học sinh được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định 116/NĐ-CP và 1.296 học sinh được hưởng chế độ theo Nghị định 57/NĐ-CP. Nhiều năm qua, các trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực trung bình trở lên đạt 93,7%, trong đó tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt 31%, tăng 3% so với năm 2016.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục