Mù Cang Chải tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/11/2020 | 2:05:48 PM

YênBái - Các cơ sở giáo dục xây dựng và làm mới góc thư viện cho trẻ, thư viện ngoài trời, thư viện lớp học; xây dựng góc dân gian (góc cộng đồng), chợ quê, góc tuyên truyền mang bản sắc văn hóa… dán nhãn tiếng Việt. Các thầy, cô tích cực sưu tầm các bài hát, câu chuyện, trò chơi truyền thống của người địa phương, biên tập thành tuyển tập thơ, truyện, trò chơi, câu đố...

Các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ được tổ chức thường xuyên trong các nhà trường ở MÙ Cang Chải. (Trong ảnh: Một giờ học nội quy của cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Khao Mang).
Các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ được tổ chức thường xuyên trong các nhà trường ở MÙ Cang Chải. (Trong ảnh: Một giờ học nội quy của cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Khao Mang).

Những năm qua, chất lượng giáo dục ở huyện Mù Cang Chải đã có những bước tiến đáng kể, giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn có nhiều chuyển biến rõ nét. Để đạt được kết quả đó là nhờ sự đầu tư đồng bộ của Nhà nước về cơ sở vật chất, những giải pháp hữu hiệu cho giáo dục dân tộc. Trong đó, phải kể đến Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) bởi ngôn ngữ giữ vai trò hết sức quan trọng giúp trẻ phát triển trí tuệ và tham gia học tập ở trường phổ thông.

Đến nay, 100% trẻ DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học được tăng cường tiếng Việt. Kỹ năng sử dụng tiếng Việt trong học tập và trong giao tiếp của các em có nhiều tiến bộ. Thông qua đánh giá trẻ cuối độ tuổi hàng năm, đến nay, trẻ 5 - 6 tuổi có từ 90 - 95% trẻ có khả năng nghe và hiểu tiếng Việt; 85 - 90% trẻ nói được các câu giao tiếp hàng ngày, biết đọc thuộc thơ và hát thuộc bài hát; 70 - 75% trẻ biết sử dụng tiếng Việt để biểu đạt ý muốn của bản thân; 75 - 80% trẻ biết sử dụng câu tiếng Việt đơn giản để giao tiếp với cô giáo và với bạn. 

Đối với bậc tiểu học, tỷ lệ học sinh được đánh giá "Hoàn thành và hoàn thành tốt môn tiếng Việt” luôn đạt trên 99%, tăng 1,5% so với năm học 2015 - 2016. Để có được kết quả đó, những năm qua, thực hiện Đề án trên địa bàn huyện, ngành giáo dục và đào tạo (GD &ĐT) huyện đã tham mưu nhiều giải pháp hay, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. 

Bên cạnh công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền, ngành đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng DTTS. Với lực lượng giáo viên đa phần không phải là người Mông, hàng năm, ngành tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng tiếng Mông, các lớp học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong các dịp hè. 

Đến nay, có 256 giáo viên mầm non tham gia học lớp tiếng Mông; 355 giáo viên tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ; 309 giáo viên tiểu học tham gia học lớp tiếng Mông; 116 giáo viên tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ. 

100% cán bộ quản lý và giáo viên tham gia tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực tăng cường tiếng Việt thông qua các môn học và các hoạt động giáo dục trong hè. Ngành tổ chức nhiều chuyên đề, đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường về kỹ năng, phương pháp cho giáo viên dạy trẻ DTTS trong các năm học; lựa chọn các thành tố tích cực của mô hình trường học mới VNEN, của Dự án KOICA (Tổ chức các câu lạc bộ học sinh - trại đọc, câu lạc bộ cha mẹ, các thẻ hoạt động cho giáo viên mầm non, tiểu học nhằm tăng cường kỹ năng đọc viết cho trẻ) để triển khai nhân rộng trong toàn huyện.

Ngành GD&ĐT Mù Cang Chải đã chỉ đạo các trường xây dựng chương trình nội dung tăng cường tiếng Việt cho trẻ; tăng thời lượng tập nói tiếng Việt, nhất là với những học sinh mới ra lớp; thực hiện lồng ghép vào các hoạt động giáo dục trong ngày. Đối với cấp học mầm non, giáo viên căn cứ vào thực tế, số lượng trẻ còn hạn chế tiếng Việt để xem xét thời lượng tăng cường tiếng Việt trong ngày; linh hoạt sử dụng các tình huống. 

Đối với cấp tiểu học, tổ chức dạy học môn tiếng Việt lớp 1 theo phương án điều chỉnh kế hoạch dạy học từ 350 tiết lên 500 tiết, thực hiện tích hợp dạy học tiếng Việt vào các môn học và hoạt động giáo dục ở tất cả các khối lớp học.

Các cơ sở giáo dục xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ như xây dựng và làm mới góc thư viện cho trẻ, thư viện ngoài trời, thư viện lớp học; xây dựng góc dân gian (góc cộng đồng), chợ quê, góc tuyên truyền mang bản sắc văn hóa các DTTS ở địa phương… được dán nhãn bằng tiếng Việt.

Các thầy, cô giáo tích cực sưu tầm các bài hát, câu chuyện, trò chơi truyền thống của người địa phương, biên tập thành tuyển tập thơ, truyện, trò chơi, câu đố; hướng dẫn các trường tổ chức tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 1 theo bộ sách mới "Em nói tiếng Việt" do Bộ GD&ĐT ban hành. 

Xác định ngoài thời gian ở trường, thời gian tại gia đình, cộng đồng chiếm đa số, ngành đã chỉ đạo các đơn vị trường học phối hợp với các già làng, trưởng bản kết hợp với cha mẹ trẻ và cộng đồng để tăng cường tiếng Việt cho trẻ. 

Các nhà trường tích cực tuyên truyền, vận động phụ huynh dạy tiếng phổ thông cho trẻ tại gia đình, truyên truyền vận động phụ huynh tham gia vào các hoạt động của trường lớp; sưu tầm, ghi chép và sắp xếp từ vựng thành một hệ thống, biên soạn tài liệu nhằm cung cấp vốn từ vựng của từng dân tộc cho giáo viên, từ đó, giáo viên có cơ sở hướng dẫn học sinh dân tộc tập nói tiếng Việt.  

Với quan điểm tăng cường tiếng Việt cho học sinh người DTTS là một trong những giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng giáo dục địa phương, ngành GD&ĐT của huyện xác định tiếp tục triển khai thực hiện Đề án trong năm học 2020 - 2021 và các năm học tiếp theo, góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ em người DTTS thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng do hạn chế tiếng Việt, tạo tiền đề để học sinh lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục vùng cao.

Thanh Vy

Tags Mù Cang Chải tiếng Việt trẻ em dân tộc thiểu số

Các tin khác
Ảnh minh họa

Học sinh trung học cơ sở ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo kể từ năm học 2021-2022 được miễn học phí.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chung khảo Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2020 phát biểu.

Chiều 12-11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức họp báo tổng kết Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2020.

Một giờ học của học sinh Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ.

Các phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học", "Dạy tốt, học tốt", "Giỏi việc trường, đảm việc nhà”... đã tạo ra khí thế thi đua sôi nổi.

Ảnh minh họa

Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT) cho biết có 40/46 cuốn sách giáo khoa (SGK) lớp 6 được tiếp tục thẩm định ở vòng 2. Đây là bộ SGK biên soạn theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục