P.V: Thưa ông! Có thể nhìn nhận thế nào về sự đổi mới của giáo viên ngành GD&ĐT Yên Bái thời gian qua, kết quả đem lại trong công tác giáo dục như thế nào?
Ông Đào Anh Tuấn: Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) khẳng định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD&ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Xác định rõ trách nhiệm của mình, những năm qua, ngành đã tích cực thực hiện đổi mới, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển GD&ĐT. Ngành đã triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn ngành.
Gần 14.000 giáo viên từ vùng cao khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tới vùng thấp, thành thị đang từng ngày nỗ lực, tâm huyết, dẫn dắt trên 200.000 học sinh với mong muốn các em có kiến thức, kỹ năng, phát huy năng lực, sở trường của bản thân để trở thành những người có ích cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Hầu hết các thầy cô đều thích ứng nhanh và tâm huyết với những đổi mới. Nhiều thầy cô rất sáng tạo trong công tác quản lý và giảng dạy. Từ năm 2017 đến nay, có 194 mô hình sáng tạo trong đổi mới dạy và học của các thầy cô; 367 điển hình tiên tiến cấp cơ sở; 97 mô hình, 125 điển hình tiên tiến cấp tỉnh.
Một số mô hình tiêu biểu như: "Đổi mới dạy và học Tiếng Anh, tạo hứng thú, động lực cuốn hút học sinh yêu thích môn học và phát triển môi trường dạy học, sử dụng Tiếng Anh” của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, thành phố Yên Bái; "Dạy học gắn với thực tiễn” của Trường THCS Quang Trung, thành phố Yên Bái; "Ứng dụng các thiết bị công nghệ cao vào đổi mới phương pháp dạy và học” của Trường THPT Chu Văn An (Văn Yên); "Phòng ở vệ sinh, văn minh” của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (PTDTNT) THCS Mù Cang Chải; "Thư viện xanh” của Trường PTDTNT THCS huyện Văn Chấn; "Đổi mới, sáng tạo trong công tác nghiên cứu khoa học” của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành…
Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như các thầy, cô giáo: Phạm Thị Hải Linh, Lục Thị Thu Hoài - giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành; Hoàng Thị Mận - giáo viên Trường TH&THCS xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình; Đoàn Thị Thúy - Hiệu trưởng Trường THCS Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn; Bùi Hoàng Hà - giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ; Nguyễn Hùng Tân - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Khao Mang, huyện Mù Cang Chải; Phùng Thị Nhâm - giáo viên Trường Mầm non Mỏ Vàng, huyện Văn Yên...
Ông Đào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, trong 5 năm, từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 2.859 lượt học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa THCS, THPT cấp tỉnh, quốc gia.
Đặc biệt, em Nguyễn Đình Hoàng - Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành 3 lần đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 2 lần đoạt giải Nhất; năm 2019, em đoạt Huy chương Bạc trong Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế.
Năm học 2019-2020, có 27 học sinh đoạt giải... Những con số ấn tượng này đã đánh dấu bước tiến của ngành GD&ĐT tỉnh, trong đó có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
P.V: Yêu cầu đặt ra với giáo dục hiện nay là chuyển từ dạy học tiếp cận nội dung là chủ yếu sang dạy học phát triển năng lực. Đó có phải là một áp lực lớn với giáo viên và các thầy, cô giáo cần có sự thay đổi như thế nào? Thưa ông!
Ông Đào Anh Tuấn: Bên cạnh vai trò, trách nhiệm của những người quản lý, cơ sở đào tạo, mỗi thầy, cô giáo là người đóng vai trò trực tiếp trong quá trình đổi mới giáo dục. Theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018, nền giáo dục Việt Nam sẽ chuyển đổi từ dạy học tiếp cận nội dung là chủ yếu sang dạy học phát triển năng lực. Điều này có nghĩa, mọi giáo viên phải thay đổi cả về nhận thức và hành động.
Trong quá trình giảng dạy, người giáo viên cần vận dụng các nhóm kỹ năng như: tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, ra quyết định và học tập suốt đời; nhóm kỹ năng làm việc như khả năng giao tiếp và hợp tác làm việc theo nhóm; sử dụng các công cụ làm việc; các kỹ năng mềm khác để sống và làm việc, thực hiện trách nhiệm cá nhân và xã hội.
Song song với đó, thầy cô giáo cũng cần được trang bị các phương pháp và kỹ thuật đánh giá tích cực, khách quan theo hướng mở. Bởi đây là yếu tố góp phần quyết định trong việc kích thích sự thành công của các em học sinh. Qua đó, khuyến khích học sinh tiếp tục rèn luyện và phấn đấu.
Tôi tin rằng, với một tình yêu nghề, với mong muốn có thể dẫn dắt, hỗ trợ các em học sinh thực hiện ước mơ, các thầy cô không bao giờ thấy áp lực mà chỉ thấy cần tìm tòi, đổi mới nhiều hơn nữa những bài giảng, cách khơi dậy ham muốn được học tập, được sáng tạo của học trò.
P.V: Ngành có những giải pháp gì để giúp giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng dẫn dắt - một trong những yêu cầu cần thiết trong đổi mới hiện nay khi mà giáo dục chuyển từ cách học thụ động sang cách học chủ động chiếm lĩnh kiến thức?
Ông Đào Anh Tuấn: Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ xuyên suốt của ngành giáo dục. Bởi, giáo viên là nhân tố quyết định thành công của quá trình đổi mới giáo dục, của sự nghiệp giáo dục. Những năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Trước yêu cầu của đổi mới giáo dục, ngành GD&ĐT đã triển khai các giải pháp sau đây:
Một là, tham mưu với tỉnh ban hành Đề án đổi mới giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2025, trong đó xác định từ năm 2021 - 2025 tổ chức cho 100% số cán bộ quản lý, giáo viên tham gia bồi dưỡng trực tiếp và trực tuyến về chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chương trình bồi dưỡng sẽ đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời của mỗi giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục phổ thông trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; tham gia quá trình bồi dưỡng, giáo viên sẽ được trang bị phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, xây dựng kế hoạch dạy học theo định hướng dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh - một yêu cầu cơ bản trong triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Hai là, chỉ đạo đổi mới sinh hoạt chuyên môn ở nhà trường; tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, sinh hoạt chuyên đề; tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên trường, cụm trường.
Qua sinh hoạt chuyên môn, giáo viên thường xuyên được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, giải pháp nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục qua việc tham gia các hoạt động thực tế; tạo sự gắn kết giữa các nhà trường, giữa các giáo viên cùng chuyên môn trên địa bàn.
Ba là, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo quy định, đặc biệt là ngành đã tham mưu với tỉnh đầu tư các thiết bị dạy học hiện đại, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin và dạy học qua Internet, dạy học kết nối; mở các lớp bồi dưỡng tập huấn về sử dụng thiết bị dạy học công nghệ cao, về ứng dụng công nghệ và Internet trong triển khai mô hình lớp học kết nối, lớp học không biên giới... tạo điều kiện cho giáo viên được tiếp cận với phương pháp dạy học hiện đại, hướng tới "mô hình lớp học không biên giới” mà ở đó giáo viên có thể tổ chức cho học sinh tham quan, gặp gỡ, giao lưu với các lớp học, giáo viên và chuyên gia trên khắp thế giới.
Học sinh khi được tham quan, giao lưu với các bạn bè cùng trang lứa ở những quốc gia khác sẽ có điều kiện để tìm hiểu, mở mang hiểu biết về văn hóa nước bạn đồng thời hình thành động lực mạnh mẽ để trau dồi ngoại ngữ – những tố chất cần thiết để trở thành công dân toàn cầu trong tương lai.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Ba (thực hiện)
Em Vũ Diệu Linh - Lớp 8E, Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Yên Bái:
Người có sự ảnh hưởng rất lớn với em đó là cô giáo Phạm Thị Mỹ Lan. Cô vừa là Phó Hiệu trưởng nhà trường vừa là cô giáo dạy tiếng Anh của em.
Cô là người truyền cho em cảm hứng học môn Tiếng Anh. Cô quan tâm đến học sinh, chỉ bảo từng chỗ sai. Những lúc chúng em sai, cô nhẹ nhàng chỉ bảo chứ không bao giờ quát mắng. Cách dạy của cô rất dễ hiểu.
Từ ngày học cô, trình độ tiếng Anh của em đã tốt lên rất nhiều. Mỗi giờ học của cô đều vui nhộn và thu hút. Với em, cô Lan rất tuyệt vời - dịu dàng và thân thiện.
Em Bùi Thị Thu Huyền – Lớp 10A2, Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái:
Tuy mới học cô Nguyễn Thị Phượng – giáo viên môn Ngữ văn hơn một năm nay nhưng em rất yêu quý cô. Cô giảng bài rất hay, truyền cảm hứng cho chúng em. Cô lại rất tận tụy.
Như đợt dự thi Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh vừa qua, do em mới vào trường chưa biết nhiều kiến thức, chưa có kinh nghiệm dự thi nên thiếu tự tin. Cô động viên, hướng dẫn tận tình nên em đã đạt được giải Ba môn Ngữ văn.
Em Hoàng Mai Phương - Lớp 11A3, Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên:
Cô giáo Lê Thị Bích Liên là người truyền cảm hứng cho em với Ngữ văn và năng lượng tích cực trong cuộc sống. Những giờ giảng cô luôn khơi gợi cho chúng em niềm yêu thích. Cô giúp em cảm nhận được các tác phẩm văn học một cách rất nhẹ nhàng, tinh tế.
Dưới sự hướng dẫn của cô, em cũng đã đạt được giải Ba trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh vừa qua. Với em, cô tuyệt vời lắm ạ! |