Để có một môi "trường hạnh phúc và thân thiện” trong nhà trường và trong lớp học, trước hết chúng ta phải tự nhận thức được giá trị, thiết thực của môi trường sư phạm trong nhà trường để xây dựng bầu không khí thân thiện hướng tới "Trường học hạnh phúc”.
Trân trọng giới thiệu với bạn đọc đôi lời chia sẻ, góp phần phát triển toàn diện nền giáo dục Việt Nam của Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Oanh- Hiệu trưởng trường THCS Yên Ninh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
Tác giả Nguyễn Ngọc Oanh viết: "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc của mỗi nhà trường, đây cũng là mục tiêu mà ngành Giáo dục hướng tới trong quá trình xây dựng "trường học hạnh phúc”. Trong rất nhiều yếu tố tạo nên niềm vui của mỗi ngày đến trường có lẽ sự thân thiện của thầy và trò là điều quan trọng.
Sự thân thiện là yếu tố khởi đầu cho mọi mối quan hệ khác. Thân thiện được hiểu là có những tình cảm, thân mật và gần gũi, thấm đượm tình yêu thương, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau.
Trong nhà trường "Thân thiện” bắt nguồn từ sứ mệnh của nhà trường và thiên chức của nhà giáo đối với học trò và xã hội. Để xây dựng bầu không khí thân thiện ở trường trước hết tập thể sư phạm phải yêu thương, đoàn kết, tôn trọng.
Thầy cô giáo tâm huyết với nghề, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với người học sinh và đồng nghiệp.
Đối với học sinh, thầy, cô phải là người công tâm trong quan hệ ứng xử, công bằng trong nhận xét và đánh giá. Một ánh nhìn, một nụ cười rạng rỡ, một lời hỏi thăm, nhắn nhủ, động viên chân tình, một lời phê bình, nhận xét chính xác, … sẽ giúp cho học sinh cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương mà thầy cô mang lại.
Mỗi tiết học, thầy cô "bước vào lớp với nụ cười”, không khí lớp học thật vui vẻ, không áp lực sẽ hình thành những năng lượng tích cực cho cả thầy và trò. Với phương pháp dạy học phù hợp sẽ giúp học sinh phát huy được các năng lực cốt lõi, phát hiện được các năng lực đặc biệt hình thành và phát triển những phẩm chất cơ bản.
Việc tổ chức dạy học hợp tác trong và ngoài lớp học, sinh hoạt dưới cờ, tham gia câu lạc bộ… sẽ giúp cho học sinh có điều kiện gắn kết nhau và gần gũi thầy cô giáo nhiều hơn. Mỗi buổi sinh hoạt dưới cờ, thay vì những lời giáo huấn, báo cáo nhận xét cứng nhắc, thậm chí phê bình kiểm điểm là những câu chuyện, những trò chơi, những bài hát, điệu múa có sự tham gia của cà thầy và trò sẽ tạo nên nhiều giá trị đạo đức và nhân văn khiến học trò hứng thú.
Cùng tham gia một trò chơi dân gian, một hoạt động thể dục, thể thao, một chương trình thiện nguyện chung tay giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn…sẽ giúp cho thầy trò hòa đồng thân thiện. Thông qua đó giáo dục cho học sinh lòng yêu thương nhân ái, các kĩ năng giao tiếp, ứng xử góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho người học.
Thầy cô lắng nghe và tôn trọng ý kiến của học trò. Chỉ là một lời xưng hô thân thiện, một hành động đơn giản, quan sát và lắng nghe và tiếp thu ý kiến của học sinh khi các em cần…đủ để học sinh cảm nhận được thầy cô quan tâm đến chúng như thế nào. Đó cũng là một cách để tạo niềm tin và sự đồng cảm giữa thầy và trò.
Hộp thư "Điều em muốn nói” trong nhà trường sẽ là nơi tiếp nhận ý kiến và tâm tư sâu kín của mỗi học sinh và là nhịp cầu gắn kết tình cảm thầy trò, góp phần xây dựng môi trường giáo dục ngày càng thân thiện.
(Theo vietgiaitri.com)