Tuyên dương 145 bông hoa tươi thắm góp phần làm bừng sáng bản làng

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/12/2020 | 10:33:33 AM

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, các học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2020 thực sự là những bông hoa tươi thắm, thành tích của các em góp phần làm bừng sáng bản làng, tạo khí thế mới trong các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trao Bằng khen tặng các học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trao Bằng khen tặng các học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu

Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và năm mới 2021, tối 29/12 tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức chương trình "Đường đến ước mơ" tuyên dương học sinh, sinh viên và thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu lần thứ 8. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã đến dự.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, đây là sự kiện được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học, hăng say lao động, sản xuất phát triển kinh tế - xã hội của dân tộc Việt Nam nói chung và của các dân tộc thiểu số Việt Nam nói riêng; biểu dương, khích lệ tinh thần nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn để đạt được thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội của học sinh, sinh viên và thanh niên người dân tộc thiểu số. 

Năm nay có 145 em thuộc 50 dân tộc đến từ 47 tỉnh, thành phố được tuyên dương với tiêu chí lựa chọn học sinh, sinh viên, thanh niên tuyên dương cao hơn các năm trước (năm 2019 lựa chọn các học sinh trúng tuyển vào đại học có số điểm từ 26 điểm trở lên; năm 2020 là 27 điểm trở lên; kết quả học tập 3 năm đạt khá, giỏi, đạo đức tốt).

Mỗi địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và mỗi dân tộc đều có ít nhất 1 học sinh, sinh viên hoặc thanh niên được tuyên dương (trừ 3 dân tộc không có học sinh, sinh viên, thanh niên được tuyên dương là: Chơ Ro, Phù Lá, Bố Y). Trong 16 dân tộc thiểu số ít người (dưới 10.000 người) có 18 học sinh, sinh viên, thanh niên thuộc 15 dân tộc ít người được tuyên dương. 

Số lượng học sinh, sinh viên đoạt giải Nhất, Nhì, huy chương Vàng, Bạc trong các cuộc thi nghệ thuật, thể thao toàn quốc, khu vực và quốc tế tăng cao so với các năm trước (7 em).

Phát biểu tại lễ tuyên dương, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đánh giá, đây là một hoạt động đã tạo ra sức lan tỏa sâu rộng, động viên, khích lệ thế hệ trẻ cả nước, đặc biệt là thế hệ trẻ dân tộc thiểu số nỗ lực vươn lên trong học tập, rèn luyện; sáng tạo trong lao động, sản xuất, tạo dựng hành trang cần thiết để trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Lễ tuyên dương càng thêm phần ý nghĩa khi vừa qua, chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020 – sự kiện có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, một biểu tượng đặc biệt sinh động nhất về sự đoàn kết các dân tộc; "như cây một cội, như con một nhà". 

Vui mừng khi thành tích học tập của học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2020 được tuyên dương tăng hơn năm trước cả về số lượng và chất lượng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, các em thực sự là những bông hoa tươi thắm, là niềm tự hào của gia đình, dòng họ, dân tộc và bản làng, địa phương mình. Thành tích của các em góp phần làm bừng sáng bản làng, tạo khí thế mới trong các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. 

Phó Thủ tướng cảm ơn tinh thần trách nhiệm, "tất cả vì học sinh thân yêu” của các thầy cô giáo, các cấp chính quyền, đoàn thể và các bậc phụ huynh đã động viên, chăm lo cho các em trong suốt quá trình học tập để đạt được thành tích rất đáng tự hào; đồng thời biểu dương Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách dân tộc, trong đó có chính sách phát triển giáo dục, đào tạo.

Thời gian tới, để khắc phục những tồn tại, hạn chế và thúc đẩy phát triển giáo dục đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 65 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, trong đó có vấn đề phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Triển khai thực hiện hiệu quả Dự án phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030. 

 
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao học bổng 500 triệu đồng tặng học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu 

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục đào tạo, về quyền học tập và tiếp cận bình đẳng của trẻ em, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các chính sách phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; tạo điều kiện tốt nhất cho các em được học tập tốt, tích cực tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo khởi nghiệp.

Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới và đầu tư phát triển hệ thống trường, lớp, cơ sở giáo dục, các trung tâm tạo việc làm phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên.

Phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy; tổ chức tốt việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình mong muốn các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tiếp tục quan tâm, chăm lo về vật chất và tinh thần; vận động các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm chung tay cùng nhà trường, gia đình hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các em học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số và cho phát triển giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi; gắn đào tạo với nhu cầu xã hội, tạo việc làm; phối hợp xây dựng các chương trình huấn luyện đào tạo hướng nghiệp, tổ chức sản xuất, tạo việc làm, khuyến khích thanh niên dân tộc khởi nghiệp và đặc biệt là trang bị cho các em những kiến thức cần thiết như tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống để thích nghi với cuộc sống hiện đại và một nền sản xuất lớn mà chúng ta đang hướng tới.

Tại lễ tuyên dương, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã trao học bổng 500 triệu đồng tặng học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu. Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cũng tặng mỗi em một máy tính bảng. 

Ngoài ra, 145 cá nhân còn được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc kèm phần thưởng 3-4 triệu đồng/em. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng có các phần quà dành tặng các em.

(Theo dangcongsan.vn)

Các tin khác
Sau khi thực hiện Đề án, năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 162 trường mầm non và 245 điểm trường. Trong ảnh: Thầy và trò Trường mầm non xã Chế Tạo trong giờ học. (Ảnh: Thanh Chi)

Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020, sau 4 năm thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực.

Ảnh minh họa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang ban hành dự thảo sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Giáo viên Trường Mầm non Tân Phượng chăm lo giữ ấm cho trẻ trong giờ ngủ trưa.

Các nhà trường chủ động theo sát tình hình thời tiết và yêu cầu giáo viên thực hiện nghiêm các biện pháp giữ ấm cho học sinh như: tổ chức các hoạt động học tập ở ngay trong phòng học, chỉ ra ngoài khi thời tiết nắng ấm; nhiệt độ từ 10 độ C trở xuống cho học sinh nghỉ học...

Thầy và trò Trường PTDTBT TH&THCS xã Bản Công trong giờ học.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), ngay từ đầu năm học, ngành giáo dục huyện Trạm Tấu đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua do ngành, địa phương phát động, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục