Tranh thủ những ngày nắng ấm hiếm hoi của mùa đông, các thầy cô giáo Trường TH&THCS Võ Thị Sáu, thị xã Nghĩa Lộ cho học sinh khối 4, 5 của nhà trường tham gia hoạt động trải nghiệm thu hoạch rau màu vụ đông và các trò chơi dân gian truyền thống.
Đọng lại trong những cô cậu học trò nhỏ đó là sự trân trọng thành quả lao động, là niềm hạnh phúc khi lần đầu chúng được tự tay thu hoạch rau củ quả từ đồng ruộng rồi mang đi bán. Chúng còn kể mãi về những giờ chơi bên nhau vui vẻ, về cách mà các bà, các cô hướng dẫn làm vườn, thu hoạch rau màu.
Cô giáo Trịnh Quỳnh Anh - Chủ nhiệm lớp 5A chia sẻ: "Cả học sinh và phụ huynh đều rất vui và hưởng ứng hoạt động trải nghiệm nhà trường tổ chức. Sau buổi trải nghiệm thu hoạch rau màu vụ đông, trên các nhóm zalo của lớp, phụ huynh phản hồi rất tích cực, nhiều người còn nhắn cảm ơn nhà trường, cảm ơn thầy cô đã cho các con những giờ học ngoài nhà trường bổ ích”.
Trong những năm gần đây, các trường học trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ rất tích cực triển khai các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, hướng tới giáo dục kỹ năng sống và sự thoải mái trong tiếp cận kiến thức của học sinh.
Thầy giáo Nguyễn Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Võ Thị Sáu chia sẻ: "Nhà trường rất chú trọng các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, các hoạt động tập thể, hướng học sinh vào các hoạt động trải nghiệm, để các em được làm quen với mọi hoạt động của xã hội. Quan điểm của nhà trường là cung cấp lý thuyết phải vận dụng vào cuộc sống hằng ngày, để xử lý các tình huống trong đời sống. Với mô hình trường học mới, học sinh chủ động, giáo viên hỗ trợ, rèn cho các em nhiều phẩm chất, năng lực tự học, tự giải quyết vấn đề, đoàn kết yêu thương, giúp đỡ nhau”.
Đối với học sinh THCS, nhà trường hướng về tìm hiểu các hoạt động văn hóa truyền thống của địa phương, vận dụng vào bài học, tham gia các hoạt động về nguồn về quê hương cách mạng… Các hoạt động của nhà trường tạo thành chuỗi các hoạt động, giáo dục truyền thống văn hóa địa phương, giáo dục kỹ năng sống. Qua đó chất lượng giáo dục cũng được nâng lên.
Đầu năm học 2020 - 2021, nhà trường tiến hành khảo sát thông qua các phiếu khảo sát như: "Em thấy nhà trường thay đổi như thế nào?”, "Lớp học cần thay đổi gì?”, "Em thích học môn nào?”, "Em muốn thầy cô thay đổi ra sao?”. Hay "Em muốn gia đình mình như thế nào?”, "Em mong muốn gì ở bố mẹ, thầy cô?”... Tất cả các phiếu này không đề tên.
Và từ câu trả lời, có khi là tâm sự của học sinh, nhà trường có một bức tranh toàn cảnh về mong muốn và nguyện vọng của học sinh về một ngôi trường mà ở đó các em thấy vui vẻ, thoải mái trong việc tiếp cận kiến thức.
Cách làm này đã được nhiều trường trong thị xã áp dụng. Cùng với đó là việc đổi mới các hoạt động giáo dục của các nhà trường từ đổi mới hình thức sinh hoạt chuyên môn của giáo viên, tới các cuộc họp phụ huynh, giờ sinh hoạt lớp, giờ chào cờ, cùng với các hoạt động ngoài giờ lên lớp khác.
Ở Trường THCS Tô Hiệu, từ đầu năm đến nay, có nhiều đổi mới trong công tác giáo dục, trong đó, những buổi sinh hoạt chuyên môn được cởi mở, không mang tính nghị sự như trước, thay vào đó là những chia sẻ hết sức gần gũi giữa các thầy cô.
Chẳng hạn, giờ sinh hoạt lớp được các thầy cô giáo chủ nhiệm xây dựng theo từng chủ đề cho từng tuần, học sinh được thảo luận, nói lên những ý kiến cá nhân dưới sự dẫn dắt của giáo viên để mỗi học sinh tự nhận thức được những điều đúng đắn cho riêng mình.
Hay tại buổi họp phụ huynh, không còn là những nhận xét của thầy cô về từng học trò mà tại đó phụ huynh tự cảm nhận được ưu điểm, nhược điểm của con em họ, được lắng nghe những mong muốn của con em mình về sự thay đổi của gia đình, của bố mẹ, từ đó có sự phối hợp với nhà trường trong giáo dục con em.
Thầy Đoàn Kim Chung - Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hiệu chia sẻ: "Những đổi mới trong các hoạt động của nhà trường được các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh ủng hộ. Những thay đổi trước mắt trong giáo viên và học sinh nhìn thấy rất rõ đó là sự tích cực. Trong cách sinh hoạt giao tiếp giữa đồng nghiệp hay giữa thầy và trò nhẹ nhàng, thân thiện hơn, có sự gần gũi chia sẻ với nhau. Học sinh hào hứng đến lớp, hào hứng trong học tập, cũng như trong các hoạt động ngoại khóa.
Đặc biệt, các giáo viên có sự thay đổi nhiều hình thức đánh giá, cách chấm bài của giáo viên cũng thay đổi không chỉ là những điểm số mà bao giờ cũng kèm thêm câu động viên như: "Em làm tốt lắm, cần phát huy nhé!”, hay "Em cần cố gắng, sẽ tốt hơn thôi” đó là những câu đơn giản nhưng động viên được học sinh rất nhiều”. Đúng vậy! Trường học hạnh phúc bắt nguồn từ những việc làm cụ thể tuy giản đơn, nhưng hiệu quả mang lại vô cùng to lớn.
Hoạt động trải nghiệm thu hoạch cây vụ đông của thầy và trò Trường TH&THCS Võ Thị Sáu góp phần giúp học sinh trân trọng thành quả lao động.
Em Ngô Minh Đạt - học sinh lớp 8A, Trường THCS Tô Hiệu chia sẻ: "Năm nay, nhà trường tổ chức nhiều các hoạt động ngoại khóa hơn những năm trước. Từ đó, giúp cho việc học tập của chúng em bớt căng thẳng. Các nội dung học tập được bổ sung nhiều hoạt động khá thú vị và khác lạ so với những năm trước. Các thầy cô gần gũi với học sinh hơn rất nhiều, khi chúng em muốn chia sẻ về học tập hay những băn khoăn trong cuộc sống thì thầy cô có thái độ và sử dụng ngôn ngữ gần gũi với học trò, khiến chúng em cảm thấy được lắng nghe và chia sẻ”.
Với nhiều hoạt động đổi mới giáo dục, trong những năm qua, các trường học ở Nghĩa Lộ đã rất gần với mô hình "Trường học hạnh phúc”. Nhà trường đã hướng đến cách giáo dục thân thiện và nhiều hoạt động trải nghiệm mang tới quá trình học tập trao đổi giữa thầy và trò thực sự thoải mái. Đặc biệt là có sự tham gia của lực lượng giáo dục ngoài nhà trường - đó là các bậc phụ huynh và người dân, các đoàn thể của địa phương.
Thực hiện chủ trương xây dựng "Trường học hạnh phúc”, ngành GD-ĐT thị xã đã chỉ đạo các đơn vị tập trung đẩy mạnh việc thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học, tuyệt đối không để xảy ra các hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường trong đơn vị. Tích cực đổi mới các hoạt động của nhà trường không mang tính cứng nhắc, tạo mối quan hệ mật thiết trong nhà trường giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh và giáo viên với phụ huynh.
Tiếp tục thành lập và duy trì các câu lạc bộ sở thích, câu lạc bộ bảo tồn giá trị văn hóa của địa phương. Tổ chức các hoạt động rèn kỹ năng sống cho học sinh gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch của thị xã như: cho học sinh tham gia giao lưu tại các Homestay để quảng bá bản sắc dân tộc, đồng thời trau dồi kiến thức ngoại ngữ; thực hiện trang trí khuôn viên nhà trường, các lớp học theo hướng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...
Giáo viên các nhà trường không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học, chủ động trong mọi tình huống. Tích cực lắng nghe, tôn trọng ý kiến của học sinh để từ đó vừa điều chỉnh bản thân, vừa phối hợp với phụ huynh giúp học sinh ngày càng tiến bộ.
Bà Lò Thị Tuyết Dung - Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Trong thời gian tới, ngành GD-ĐT thị xã tiếp tục tham mưu với UBND các xã, phường chỉ đạo các tổ dân phố, thôn, bản đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến toàn thể nhân dân về việc thực hiện xây dựng trường học hạnh phúc.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ bám sát bộ tiêu chí tạm thời về "Trường học hạnh phúc” do UBND tỉnh Yên Bái ban hành. Trong đó, tập trung vào việc tu sửa cơ sở vật chất của nhà trường tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp; xây dựng không khí trường học phấn khởi, vui vẻ; mọi cán bộ, giáo viên, học sinh đều được phát huy tối đa năng lực, sự sáng tạo của bản thân; tiếp tục nâng cao công tác phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình học sinh; đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm cho học sinh…
Thanh Ba