Non cao bừng sáng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/9/2022 | 7:01:38 AM

Một trong những bước tiến quan trọng mang tính then chốt đối với công tác giáo dục dân tộc ở Yên Bái là việc phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú của tỉnh với Nghị quyết số 22 ngày 16/12/2009 của HĐND tỉnh về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú giai đoạn 2010-2015. Yên Bái là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện việc chuyển đổi các trường sang mô hình này.

Tỷ lệ học sinh ra lớp, đến trường ở vùng cao đang ngày càng tăng.
Tỷ lệ học sinh ra lớp, đến trường ở vùng cao đang ngày càng tăng.


"Khi mình quyết định học lên cao học, dù gia đình vẫn còn nhiều khó khăn, bản thân cũng phải đi làm thêm để trang trải chi phí nhưng bố mẹ mình hết sức ủng hộ, luôn động viên và cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để mình được đi học” - đó là chia sẻ của Thào Thanh Dung, sinh năm 1995, hiện là công chức văn hóa thị trấn Mù Cang Chải, đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. Dung là một trong số ít những thạc sĩ ở huyện nghèo Mù Cang Chải. 

Những người như Dung, như bố mẹ Dung với tư tưởng đổi mới đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tư tưởng ấy đã đưa nhiều thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa ở dưới tán rừng già, quanh năm mây bao phủ hôm nay như bừng sáng.

Dưới chế độ thực dân, phong kiến trước đây, hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa quanh năm suốt tháng chỉ quẩn quanh nơi rừng sâu núi thẳm, sống tự cung tự cấp, không đến trường, đến lớp nên rơi vào cảnh mù chữ, ít có kiến thức, hiểu biết về mọi mặt của đời sống xã hội. 

Từ khi độc lập, giáo dục vùng cao được quan tâm đặc biệt, đưa đồng bào DTTS từng bước được tiếp cận với ánh sáng tri thức, văn hóa của dân tộc và nhân loại. Rõ ràng tư tưởng về giáo dục ở vùng đồng bào DTTS đã và đang đổi mới theo hướng tiến bộ. 

Những đứa trẻ ý thức được tầm quan trọng của tri thức để nỗ lực học tập. Những cha mẹ người DTTS quan tâm, đầu tư cho con cái học tập dù cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả. "Gia đình học tập”, "Dòng họ hiếu học” ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương được cộng đồng dân tộc noi theo. 

Gia đình anh Vàng Sáy Tùng ở thôn Ba Cầu, xã Suối Bu (Văn Chấn) là một trong số đó. Ngay từ bé, anh Tùng đã định hướng rõ ràng cho 3 người con của mình về việc học: "Học để xóa bỏ cái đói, cái nghèo” - đó là tâm niệm và cũng là động lực để 3 anh em họ Vàng khát vọng theo đuổi con chữ và đều tốt nghiệp các trường đại học lớn, hệ chính quy. 

Người anh cả Vàng A Súa bộc bạch: "Tôi và em trai út đã từng cùng nhau đi làm thêm đủ nghề từ trông xe, bảo vệ cho đến xe ôm để tự trang trải chi phí sinh hoạt hay mua những cuốn sách mà mình thích. Khó khăn là vậy nhưng chưa bao giờ anh em chúng tôi nản chí hay buồn rầu. Người Mông chúng tôi chỉ biết rằng học là con đường ngắn nhất để thay đổi cuộc sống của mình để rồi tự động viên nhau cố gắng vượt qua”. 

Một bức tranh giáo dục vùng cao với những gam màu tươi sáng đang hiện hữu. Đó không chỉ là sự thay đổi tư tưởng của đồng bào mà còn là sự nhiệt huyết của các thầy, cô giáo ngày đêm bám bản, vừa là người thầy vừa là cha mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa trẻ còn vô vàn thiếu thốn. Đó còn là sự đầu tư, quan tâm của tỉnh với những quyết sách đúng đắn, phù hợp, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho trẻ em vùng cao học tập. 

Một trong những bước tiến quan trọng mang tính then chốt đối với công tác giáo dục dân tộc là việc phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) của tỉnh với Nghị quyết số 22 ngày 16/12/2009 của HĐND tỉnh về xây dựng trường PTDTBT giai đoạn 2010-2015. 

Khi ấy, Yên Bái là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện việc chuyển đổi các trường trên địa bàn sang mô hình này. Mặc dù hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) khi ấy đã được đầu tư nhưng chưa thể đáp ứng được nhu cầu về ăn, ở, học tập cho đa số học sinh các dân tộc của tỉnh. 

Còn rất nhiều học sinh là con em đồng bào DTTS đến trường trong điều kiện rất khó khăn không thể trở về nhà trong ngày, từ đó mô hình trường bán trú dân nuôi được hình thành. Nhiều trường đã bố trí tận dụng các lớp học, nhà ở giáo viên hoặc làm nhà tạm trong khuôn viên trường để học sinh đến ở; liên hệ với các gia đình xung quanh khu vực trường học để học sinh ở trọ; nhiều gia đình người dân chủ động làm lán, mượn đất để làm nhà gần trường cho con em ở để thuận lợi đi học, rồi thì trồng rau, góp gạo nấu cơm chung cho các em… 

Những bữa ăn cho học sinh vùng cao được Ban giám hiệu các nhà trường thường xuyên kiểm tra về dinh dưỡng.

Hình thức đó thể hiện sự chuyển đổi tiến bộ trong nhận thức của đồng bào về nhu cầu cho con em được học tập để nâng cao trình độ. Đây là tiền đề để tỉnh xây dựng hệ thống trường PTDTBT, góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học bậc tiểu học xuống còn 0,04%, bậc THCS duy trì mức 1%; tỷ lệ học sinh nữ người DTTS ra lớp tăng nhanh ở các cấp học. 

Để việc chỉ đạo công tác giáo dục dân tộc bài bản hơn, chuyên sâu hơn, năm 2011, Phòng Giáo dục dân tộc và Công tác học sinh sinh viên (Sở Giáo dục và Đào tạo) được thành lập với chức năng tham mưu trong công tác tuyên truyền và phổ biến kinh nghiệm, kiến thức khoa học về công tác chăm sóc, giáo dục học sinh dân tộc; đề xuất các chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh sinh viên người DTTS, vùng đồng bào DTTS… 

Cũng từ đó, công tác chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện nhiệm vụ giáo dục dân tộc được chú trọng quan tâm. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ đối với công tác giáo dục dân tộc, tổ chức các lớp tập huấn, thực hiện tốt các chế độ chính sách, công tác giáo dục nuôi dưỡng, chăm sóc… 

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng quan tâm tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS, đảm bảo cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học là người DTTS có đủ kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục, tạo tiền đề để các em học tập, tiếp thu kiến thức ở các cấp học tiếp theo. 

Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học cũng được tỉnh thường xuyên quan tâm triển khai mạnh mẽ, đồng bộ. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh là khoảng 3.130 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa trên 1.900 tỷ đồng. Đến nay, từ những mô hình bán trú dân nuôi, toàn tỉnh đã xây dựng được 9 trường PTDTNT, 51 trường PTDTBT, 28 trường có học sinh bán trú, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn tỉnh đạt 85,6%. 

Học sinh vùng cao, vùng đồng bào DTTS đã được tiếp cận giáo dục hiện đại, đặt nền móng cho công cuộc thu hẹp dần khoảng cách giữa giáo dục vùng cao với vùng thấp. Ngoài ra, ngành giáo dục tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên vùng cao. 

Các trường đã tích cực bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nâng cao tay nghề cho đội ngũ giáo viên, trên cơ sở phân tích những nội dung còn hạn chế của đội ngũ để có kế hoạch, phương pháp bồi dưỡng phù hợp; đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người DTTS; thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút giáo viên, nhân viên người DTTS giỏi về phục vụ cho ngành và địa phương… 

Có thể khẳng định, với sự quan tâm đặc biệt, chất lượng giáo dục vùng cao đã và đang được nâng lên rõ rệt, góp phần cùng ngành giáo dục đạt được nhiều kết quả xứng đáng. Đến nay, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 của tỉnh đạt 99,94%; gần 100% trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học; 99,15% trẻ 11-14 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục THCS; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 25%; vào học THPT đạt 57,7%; vào học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT đạt 15%. 

Chỉ tính riêng năm học 2021-2022, kết quả học tập từ khá trở lên của học sinh lớp 6 tại các trường PTDTNT chiếm 66%; lớp 7, 8, 9 là 75% và cấp THPT là 82%. Tại các trường PTDTBT, 99% học sinh ở cấp tiểu học xếp loại môn tiếng Việt, Toán từ hoàn thành trở lên; kết quả học tập đạt từ khá trở lên ở lớp 6 chiếm 66% và lớp 7, 8, 9 chiếm 29%. Tất cả những kết quả ấy đã vẽ nên bức tranh giáo dục vùng cao bừng sáng. 

Hoài Anh

Tags Yên Bái giáo dục trường nội trú trường phổ thông dân tộc bán trú

Các tin khác

Chuẩn bị năm học mới, ngành giáo dục và đào tạo huyện đã chỉ đạo các nhà trường rà soát toàn bộ các điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất để đầu tư sửa chữa; bám sát kế hoạch của ngành để triển khai mua sắm đồ dùng, trang thiết bị dạy học; tích cực tuyên truyền phụ huynh và học sinh đưa con em ra lớp theo đúng kế hoạch đề ra.

Lãnh đạo huyện Yên Bình khen thưởng cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong năm học 2021 - 2022.

Kết thúc năm học 2021 - 2022, toàn huyện Yên Bình có 56 học sinh đạt giải học sinh giỏi (HSG) cấp tỉnh, 1 giải Nhất HSG cấp quốc gia; HSG cấp huyện, tăng 20 giải so với năm học trước.

Ngày 31/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 – 2023 với 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Hôm nay (31/8), là ngày cuối cùng thí sinh nộp lệ phí xét tuyển đại học năm 2022. Những thí sinh đã nhập nguyện vọng lên hệ thống của Bộ GD&ĐT cần hoàn thành công việc này trước 17h00.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục