Trong những năm học gần đây, tuy còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên còn thiếu; khu tiểu học (TH) và THCS cách xa nhau; một bộ phận học sinh chưa có ý thức nỗ lực trong học tập, có nguy cơ bỏ học cao… nhưng Trường TH&THCS thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình đã đề ra nhiều giải pháp nhằm duy trì, giữ vững thành tích đã đạt được, từng bước nâng cao chất lượng hai mặt giáo dục, hoàn thành các chỉ tiêu, đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018.
Thầy Trần Duy Hưng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trước những khó khăn trên, Ban Giám hiệu nhà trường đã họp và đề ra một số giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính dài hơi. Như, đối với việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy học, nhà trường đã làm tốt công tác tham mưu với cấp trên để được đầu tư đủ các phòng học bộ môn và thiết bị còn thiếu; quan tâm đầu tư thiết bị cho những lớp thực hiện CTGDPT 2018. Về đội ngũ, hàng năm, chúng tôi rà soát nhu cầu để đảm bảo có đủ giáo viên dạy các môn học. Có kế hoạch cử giáo viên đi học bồi dưỡng các môn có nội dung tích hợp nhiều môn học để nắm vững kiến thức trong dạy môn học Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý”.
Cùng với việc quan tâm về cơ sở vật chất, thì hoạt động chuyên môn luôn được Trường TH&THCS thị trấn Thác Bà chú trọng hàng đầu. Trong các năm học, nhà trường luôn đổi mới công tác quản lý, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, coi trọng việc dự giờ thăm lớp để nắm bắt tình hình dạy và học. Kiểm tra, khảo sát chất lượng học sinh cũng như công tác chấm, chữa bài của giáo viên đối với học sinh. Tích cực đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Trong đó, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn tăng cường việc thực hiện chuyên đề với các nội dung khó và quan tâm thực hiện chuyên đề ở các khối, lớp thực hiện CTGDPT 2018.
Thầy Trần Duy Hưng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: "Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường đã phối hợp tổ chức sinh hoạt chuyên đề theo cụm trường đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6, nội dung là nghiên cứu tài liệu, xem video, dạy thử nghiệm để thực hiện tốt chương trình mới. Đối với các khối, lớp thực hiện CTGDPT 2018 hiện hành, chúng tôi khuyến khích giáo viên từng bước soạn giảng theo hướng tổ chức các hoạt động, đổi mới kiểm tra, đánh giá với nhiều hình thức để học sinh tiếp cận và nắm vững chương trình mới”.
Xác định học sinh giỏi là nhân tố chính để nâng cao uy tín, vị thế của nhà trường nên cùng với nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, Trường luôn quan tâm đổi mới giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi các khối lớp.
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu này, nhà trường đã xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi toàn diện, phân công chuyên môn phù hợp với năng lực của từng người; khuyến khích, động viên giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Đồng thời, giao lưu trao đổi chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm về phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi với các trường bạn.
Cô Đồng Thị Huế - giáo viên dạy môn Địa lý chia sẻ: "Để giúp các em đạt thành tích cao nhất trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, bản thân tôi đã chủ động sưu tầm tài liệu bồi dưỡng hay, tích luỹ các đề thi học sinh giỏi để cùng trao đổi trong các buổi sinh hoạt chuyên môn hoặc chuyên đề; tôi luôn sáng tạo trong cách dạy học, gần gũi với học sinh, tìm các phương pháp để học sinh tiếp cận với môn Địa lý đơn giản, hiệu quả, giúp học sinh dễ tiếp thu và nhớ lâu”.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, sát với thực tế được đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh tích cực hưởng ứng nên kết thúc năm học 2021- 2022, Trường đã đạt thành tích nổi bật.
Giáo dục đại trà ở cả hai cấp học đều đạt và vượt so kế hoạch đề ra; toàn trường có 31 học sinh đạt giải cấp huyện, 7 giải cấp tỉnh; số học sinh thi đỗ vào lớp 10 THPT cao hơn năm học trước, đặc biệt nhà trường là 1 trong những đơn vị được tặng giấy khen vì có nhiều học sinh được lọt vào vòng thi đặc biệt Cuộc thi "Vì một Yên Bái giỏi tiếng Anh”. Đó là những dấu ấn quan trọng để Trường TH&THCS thị trấn Thác Bà tiếp tục phát huy, khẳng định uy tín và thương hiệu về chất lượng giáo dục.
Văn Tuấn - Trần Thị Du