Thiếu nguồn tuyển
Trên thực tế, môn Tin học ở Chương trình 2006 là môn học tự chọn đối với HS lớp 4, 5 hiện nay tuy nhiên thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho thấy, tỷ lệ HS được học môn Tin học tự chọn không đồng đều giữa các địa phương. Nhiều tỉnh có tỷ lệ trường lớp, HS được tổ chức dạy học môn Tin học tự chọn rất thấp, có nơi chưa đạt tỷ lệ 50% trường, lớp, HS được tổ chức dạy môn Tin học tự chọn theo Chương trình 2006.
Số liệu mới nhất do Bộ GDĐT công bố cho thấy cả nước cần thêm 3.684 GV của môn học này (tính tối thiểu 1 GV/trường). Hiện đội ngũ GV môn Tin học của cả nước là 11.026 người, trong đó chỉ có gần 73% GV biên chế, còn lại là GV hợp đồng. Đơn cử, toàn tỉnh Hà Giang đang thiếu 77 GV môn Tin học, hiện chỉ có 30,9% tổng số HS từ lớp 3 đến lớp 5 được học tự chọn môn tin học.
Sở GDĐT Yên Bái cho hay năm học 2024-2025, toàn tỉnh cần 434 GV để dạy Tin học từ lớp 3 đến lớp 9; so với số hiện có thì thiếu 285 GV. Tại Thanh Hóa, năm học này hơn 400 trên tổng số 600 trường tiểu học không có GV Tin học. Phương án trước mắt đó là dạy liên trường, GV của bậc THCS của trường nào sẽ dạy liên trường của trường đó.
Tại nhiều địa phương như Lai Châu, Cao Bằng, bên cạnh việc thiếu GV so với biên chế dạy học 2 buổi/ngày, thì vấn đề thiếu GV dạy các môn học mới là bài toán khó giải. Nguyên nhân được chỉ ra là do nguồn tuyển dụng hàng năm không đủ theo kế hoạch, đặc biệt là nguồn tuyển dụng GV các môn học mới.
Ngay tại thành phố lớn như TPHCM cũng lâm vào tình trạng thiếu GV tiếng Anh, Tin học và 2 môn thuộc nhóm môn nghệ thuật theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, tình hình thiếu GV tiếng Anh, Tin học diễn ra cục bộ, chủ yếu thuộc các khu vực các huyện ngoại thành.
Giải pháp Sở GDĐT TPHCM đưa ra đó là thực hiện điều động GV dạy liên trường trong cùng cấp học, biệt phái, điều động GV môn Tin học cấp THCS theo thẩm quyền quản lý tham gia giảng dạy tại các trường tiểu học sau khi đã được tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, chương trình, SGK môn học của cấp tiểu học.
Giải pháp lâu dài
Theo ông Tạ Hồng Lựu - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa, về lâu dài, Sở đã tham mưu cho tỉnh giao đặt hàng cho Trường Đại học (ĐH) Hồng Đức và các trường ĐH trên cả nước để đào tạo GV Tin học mới cho giai đoạn tới. Sở cũng đang rà soát GV dạy khoa học tự nhiên của THCS còn dôi dư sẽ đề xuất hoặc văn bằng 2 đào tạo Tin học.
Ông Tống Thanh Sơn - Trưởng phòng GDĐT huyện Mường Tè (Điện Biên) cho biết, địa phương này đang thiếu hơn 10 GV tiểu học nhưng lại rơi vào những môn chuyên ngành như tiếng Anh, Tin học và Âm nhạc. Trước mắt ngành đã điều chuyển, biệt phái một số GV từ những đơn vị trường đủ bổ sung cho những đơn vị thiếu nhiều GV. Ngành cũng đã phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu cho UBND huyện tổ chức tuyển dụng viên chức thuộc ngành giáo dục; tiếp tục ra văn bản hợp đồng GV bổ sung cho những đơn vị thiếu và ưu tiên cho đối tượng là con em người địa phương để sau này các cháu tham gia thi tuyển. Nhưng tất cả chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, rất cần những chính sách đặc thù về mức lương, như vậy mới có thể thu hút được GV từ miền xuôi lên, để các thầy cô có điều kiện sống tốt hơn để bám trường, bám lớp.
Trong khi đó, tại các thành phố lớn, dù nguồn tuyển không thiếu nhưng cũng vẫn thiếu người ứng tuyển. Lý do là vì theo quy định, để được đứng lớp dạy môn Tin học, GV phải tốt nghiệp trình độ cử nhân. Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia, những người công nghệ thông tin trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0 hiện nay có thể làm nhiều công việc khác nhau mức thu nhập tốt hơn rất nhiều mức lương của GV. Đơn cử, làm kỹ thuật viên cho một công ty, hoặc thậm chí là một cửa hàng sửa máy tính cũng có mức lương cao hơn lương GV.
Trước đó, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 11, 12/2021 về chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành GV. Theo đó, với chuyên ngành phù hợp, người có bằng cử nhân, đủ kiến thức chuyên môn sau khi được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm có thể giảng dạy các môn bậc tiểu học gồm: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ giáo dục thể chất và ngoại ngữ.
Như vậy, nguồn tuyển GV Tin học khá rộng mở nhưng để người giỏi đầu quân vào ngành giáo dục, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng, về lâu về dài cần phải có những chính sách và chiến lược mang tính tổng thể, trong đó yếu tố thu nhập và đảm bảo đời sống cho nhà giáo phải là mục tiêu quan tâm lớn nhất.
(Theo Đại đoàn kết)