Niềm vui nơi trường học hạnh phúc

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/12/2022 | 1:46:19 PM

YênBái - Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc” từ năm 2019. Đến nay, 100% trường học ở Nghĩa Lộ đã xây dựng mô hình, tùy theo điều kiện thực tế có các tiêu chí khác nhau nhưng đều hướng tới sự yêu thương, an toàn, tôn trọng, góp phần thay đổi tích cực chất lượng dạy và học.

Học sinh Trường THCS Phúc Sơn, xã Phúc Sơn luyện tập Xòe Thái.
Học sinh Trường THCS Phúc Sơn, xã Phúc Sơn luyện tập Xòe Thái.

Thực hiện mô hình này, 100% trường học đều có sự thay đổi về môi trường sư phạm, chất lượng giáo dục, quy tắc ứng xử trong trường học. Cô giáo Phu Minh Diệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Phúc Sơn cho biết: "Nhà trường xác định rằng mô hình sẽ giúp thầy cô thay đổi, phụ huynh thay đổi, học sinh thay đổi. Từ thay đổi nhỏ trong trang trí lớp học, trong phòng chờ của giáo viên đã tạo ra những giây phút thư giãn, thoải mái cho thầy cô và học sinh. Đặc biệt, cứ mỗi tuần một lần, nhà trường tổ chức hoạt động trải nghiệm văn hóa xòe, các trò chơi dân gian cho học sinh”. 

Cô giáo Chu Thị Tú Liên - Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hoàng Văn Thụ chia sẻ, nhà trường có đông học sinh dân tộc Thái nên khi triển khai mô hình đã chú trọng phát huy giá trị truyền thống văn hóa Mường Lò. Nhà trường tiếp tục thành lập, duy trì các câu lạc bộ sở thích, câu lạc bộ bảo tồn giá trị văn hóa của địa phương; tổ chức các hoạt động rèn kỹ năng sống cho học sinh gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch của thị xã như trang trí khuôn viên nhà trường, lớp học theo hướng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. 

Em Lò Mạnh Thảo, học sinh lớp 6A, Trường TH&THCS Hoàng Văn Thụ nói rằng từ khi nhà trường triển khai mô hình, em và các bạn rất thích đến trường vì ngoài học tập còn được tham gia Câu lạc bộ Khắp Thái, Câu lạc bộ Xòe Thái, giao lưu tại các homestay. 

"Khi triển khai mô hình, điều dễ nhận thấy nhất là sự thay đổi môi trường giáo dục” - cô giáo Nguyễn Thị Bích Phương - Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Lý Tự Trọng nhận xét. Nhà trường đã chủ động xây dựng, thiết kế thay đổi môi trường giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục, tích hợp với việc xây dựng không gian trải nghiệm, đặc biệt là phát huy bảo tồn văn hóa dân gian, văn hóa địa phương; thực hiện chương trình lồng ghép văn hóa địa phương vào chương trình giáo dục. 

Mô hình cũng góp phần đổi mới người dạy, giáo viên tự làm mới mình, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học, chủ động trong mọi tình huống giáo dục cũng như tích cực lắng nghe, tôn trọng ý kiến của học sinh để tự điều chỉnh bản thân, phối hợp với phụ huynh giúp học sinh ngày càng tiến bộ. 

Triển khai mô hình "Trường học hạnh phúc”, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã áp dụng hiệu quả những giải pháp thực hiện các tiêu chí cụ thể cho từng bậc học; tích cực xây dựng, tu bổ, trang trí "Phòng chờ hạnh phúc”. 

Hiện nay, 100% đơn vị trường đã xây dựng "Phòng chờ hạnh phúc” - nơi cán bộ, giáo viên, nhân viên nghỉ ngơi sau giờ lên lớp, chia sẻ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, góp phần xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, đổi mới tích cực phương pháp và hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong các trường học. Bên cạnh đó, mô hình đã tích cực đổi mới các hoạt động trong nhà trường, tạo mối quan hệ mật thiết giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh, giáo viên với phụ huynh. 

Thay đổi hình thức tổ chức hội nghị cán bộ viên chức, chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp, họp phụ huynh, hoạt động ngoài giờ lên lớp, tổ chức cho học sinh tham gia trải nghiệm, đặc biệt đã tổ chức diễn đàn "Thay đổi để tạo nên một ngôi trường hạnh phúc” ở bậc học mầm non, diễn đàn "Lắng nghe học sinh nói” của bậc trung học cơ sở… đã thiết thực tạo nên nhiều niềm vui nơi trường học hạnh phúc.

Hương Nguyễn

Tags Thị xã Nghĩa Lộ trường học hạnh phúc yêu thương an toàn bảo tồn giá trị văn hóa

Các tin khác
Quang cảnh Trường THCS Quang Trung, thành phố Yên Bái

Theo Quyết định số 854 của UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành về điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh đối với Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành có nội dung điều chuyển chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 cấp THCS của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (2 lớp với 80 học sinh) sang Trường THCS Quang Trung (thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo).

Năm 2030, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu có 97% số thanh niên, thiếu niên độ tuổi 15 đến 18 tuổi có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. (Giờ học của các em học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái)

Yên Bái phấn đấu tối thiểu 60% tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông; 30% vào học giáo dục nghề nghiệp. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học đại học đạt 35%, vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 45%.

Giờ ôn tập của học sinh lớp 12 Trường THPT Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội).

Từ ngày 11 đến hết ngày 17/5, các sở giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) cùng các đơn vị đăng ký dự thi trên cả nước triển khai rà soát, kiểm tra, chỉnh sửa hoàn thiện thông tin đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của thí sinh. Với 1.067.391 thí sinh đăng ký, Bộ GD và ÐT có nhiều lưu ý trong triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Ảnh minh hoạ.

Chiều 10/5, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) có báo cáo về công tác đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. 1.067.391 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến thành công.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục