Tuyển sinh đại học 2023: Kiến nghị bỏ xét tuyển học bạ

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/2/2023 | 2:18:55 PM

Việc các trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển học bạ đã khiến dư luận nghi ngờ có tình trạng “làm đẹp” học bạ. Cử tri ở một số địa phương đã lên tiếng đề nghị bỏ phương thức xét tuyển này.

Tại giao ban trực tuyến về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học (ĐH) và cao đẳng sư phạm đối với các cơ sở giáo dục ĐH được tổ chức cuối năm 2022, Bộ GD&ĐT cho biết, thống kê số liệu từ các phương thức tuyển sinh được các trường ĐH đưa ra trong năm 2022 cho thấy: Phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp vẫn chiếm ưu thế với thí sinh nhập học chiếm 52,3% tổng số thí sinh nhập học; phương thức xét tuyển bằng kết quả học bạ đứng thứ hai với số thí sinh nhập học chiếm 36,2%.

Năm nay, phương thức xét tuyển bằng kết quả học bạ vẫn chiếm ưu thế trong kế hoạch tuyển sinh của các trường.

Ghi nhận cho thấy, trên mạng xã hội, một nhóm phụ huynh đã rỉ tai nhau chọn trường THPT nào ở Hà Nội cho con xét tuyển lớp 10 để sau này có học bạ đẹp.

Tình trạng làm đẹp học bạ đã được báo chí phản ánh nhiều trong thời gian vừa qua. Các phụ huynh cũng biết điều này và sẵn sàng chấp nhận để có lợi cho con em mình.

Một phụ huynh ở Hà Nội cho biết từ năm lớp 10, khi vào trường, cô giáo chủ nhiệm đã thống nhất đường đi nước bước với phụ huynh để có được kết quả học bạ như mong muốn. Tình trạng này xảy ra không phải chỉ ở một trường. Giáo viên, phụ huynh đều nhận thấy lợi thế của học bạ đẹp khi xét tuyển vào các trường ĐH, từ trường top thấp đến top cao.

Chính vì vậy, vừa qua, lo nảy sinh "làm đẹp” học bạ và "chạy điểm”, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa thay mặt cử tri tỉnh này gửi tới Bộ GD&ĐT trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đề nghị Bộ nghiên cứu bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ, bởi hiện nay đang nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc "làm đẹp” học bạ và "chạy điểm” ở các nhà trường.

Trước đó, tháng 10/2022, tại Hội nghị tiếp xúc đại biểu Quốc hội Đoàn TPHCM với cử tri thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TPHCM, cử tri cho rằng kỳ xét tuyển ĐH, cao đẳng vừa qua ghi nhận quá nhiều học sinh có học bạ giỏi và xuất sắc. Cử tri đặt câu hỏi phải chăng việc các trường đại học tăng cường tuyển sinh xét học bạ đã làm chất lượng học của học sinh "tăng lên", thể hiện qua điểm số tại trường phổ thông?

Mùa tuyển sinh năm 2022, bên cạnh xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, đa số các trường đều đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh riêng, trong đó dành nhiều chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển bằng học bạ.

Điểm chuẩn của phương thức tuyển sinh này của nhiều trường đại học tăng mạnh so với năm trước. Thậm chí, không ít thí sinh dù đạt đến 30 điểm bằng phương thức xét tuyển này nhưng vẫn trượt đại học.

Trả lời ý kiến của cử tri Thanh Hóa, Bộ GD&ĐT cho hay, theo Luật Giáo dục ĐH 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH 2018 quy định phương thức tuyển sinh của các cơ sở đào tạo gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

Như vậy, theo Bộ GD&ĐT, Luật Giáo dục ĐH đã quy định các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ được quyết định phương thức tuyển sinh.

Quy chế tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2022 của Bộ GD&ĐT đã cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục ĐH, trong đó cũng chỉ quy định về mặt nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo; đồng thời để các cơ sở giáo dục ĐH thống nhất thực hiện trong việc tuyển sinh và quy định Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế.

Bộ GD&ĐT cho rằng, dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển ĐH hay không, trách nhiệm của các nhà trường là phải có biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của người học.

(Theo TPO)

Các tin khác
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Chiêu trao sổ tiết kiệm khuyến học cho các con, cháu trong gia đình.

33 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục Yên Bái, 10 năm gắn bó với sự nghiệp khuyến học tỉnh, ở tuổi 90, Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Nguyễn Văn Chiêu ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái vẫn luôn dạy bảo, có nhiều sáng tạo trong khuyến khích gia đình các con, cháu, chắt sống, học tập tốt, trở thành tấm gương sáng "Gia đình học tập" tiêu biểu trên địa bàn thành phố Yên Bái nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.

Ảnh minh họa.

Các trường đã đưa ra các chính sách học bổng hấp dẫn để thu hút thí sinh, nhưng cũng có ngành buộc ghép ngành nếu không muốn đóng cửa hoàn toàn.

Cuộc thi “Lập trình KC robot Yên Bái mở rộng” với chủ đề “Chinh phục đỉnh Lùng Cúng” trong Ngày hội STEM do Trường THCS Quang Trung tổ chức với 7 đội chơi đến từ các trường trên địa bàn tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai.

Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tích cực khuyến khích học sinh tham gia vào sân chơi trí tuệ với những hoạt động học tập STEM.

Một lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức.

Những năm qua, Ban Khuyến học cơ quan Văn phòng (BKH CQVP) Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Yên Bái luôn quan tâm phát triển phong trào khuyến học, đẩy mạnh học tập suốt đời trong tập thể cán bộ, người lao động; luôn nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của hội viên; chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội để làm tốt nhiệm vụ nòng cốt trong hoạt động khuyến học khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục