Trường THCS Lê Hồng Phong có 30 lớp với trên 850 học sinh, trong đó 10 phòng học thông minh được lắp đặt bảng điện tử, máy tính kết nối Internet. Tuy ban đầu đội ngũ cán bộ, giáo viên còn gặp khó khăn thực hiện CĐS như thay đổi phương thức làm việc truyền thống trên giấy, phấn trắng bảng đen nên còn lúng túng, đồng thời phải tìm hiểu thêm ứng dụng phần mềm dạy học thông minh, quản lý lớp học, soạn giáo án điện tử…
Khắc phục những hạn chế trên, sau một năm thực hiện CĐS, công tác giảng dạy, học tập của nhà trường đã dần đi vào nền nếp mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Cô giáo Lê Thị Ánh Hồng - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Hiện nay, nhà trường đang sử dụng một số phần mềm trong quản lý như: phần mềm VNEdu, cơ sở dữ liệu ngành; phần mềm tập huấn bồi dưỡng thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sử dụng phần mềm quản lý công văn đi, đến của nhà trường; sử dụng Sổ điểm điện tử và Học bạ điện tử đảm bảo các quy định".
Qua đó đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về quy mô mạng lưới trường, lớp, học sinh với thông tin đầy đủ, chính xác được cập nhật thường xuyên. Trong giảng dạy, giáo viên khai thác phần mềm học liệu của bộ môn; sử dụng bài giảng điện tử để phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập.
Để CĐS lan tỏa nhanh và hiệu quả, nhà trường đã khuyến khích giáo viên, phụ huynh, học sinh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quá trình học tập, làm việc. Trường xây dựng nhóm phụ trách CNTT, các lớp học có ban CNTT đảm bảo phòng học thông minh được trang bị máy chiếu Projector, máy tính kết nối Internet.
Thầy giáo Hà Minh Tuấn - giáo viên Tin học cho biết: "Bản thân tôi đã tích cực nghiên cứu, tham gia các lớp tập huấn để nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ. Từ đó, đổi mới phương pháp giảng dạy, lồng ghép sử dụng phần mềm dạy học để phát huy năng lực, chủ động học tập của học sinh”.
Phòng thực hành Tin học, Ngoại ngữ, Hóa học tiếp tục được đầu tư, bổ sung trang thiết bị số phục vụ giảng dạy. Trường đã xây dựng lộ trình nâng cao năng lực số cho giáo viên và học sinh. Đối với giáo viên, trường tổ chức hoạt động định hướng số, thu hút giáo viên trẻ tham gia, tạo động lực CĐS ở các tổ chuyên môn.
Một số nội dung bài giảng điện tử ôn thi tuyển sinh lớp 10 được chia sẻ trên Website nhà trường, giúp học sinh chủ động tham khảo, giáo viên thực hiện soạn giáo án điện tử, sử dụng nhiều hình ảnh, video sinh động, nội dung phong phú, hấp dẫn.
Việc sử dụng các thiết bị dạy học, phần mềm giáo dục thông minh cho phép giáo viên truyền tải kiến thức tới học sinh qua những câu hỏi dưới giao diện trò chơi đố vui, câu hỏi mở để khuyến khích học sinh tư duy, phân tích.
Ngược lại, học sinh sẽ thảo luận nhóm đưa ra phương án trả lời qua bài thuyết trình dưới dạng video, slide PowerPoint, sơ đồ phân tích, sơ đồ tư duy... Trên cơ sở đó, thầy cô nhận xét, đánh giá và đưa ra kết quả chính xác nhất.
Em Hoàng Thảo Linh lớp 7A1 chia sẻ: "Em rất hào hứng khi được học tập theo phương pháp giảng dạy trình chiếu và thuyết trình trên lớp. Từ những hình ảnh minh họa cụ thể, video hấp dẫn giúp em dễ hiểu, dễ nhớ và tiếp thu kiến thức theo hướng đa chiều”.
Kết thúc học kỳ I năm học 2022 - 2023, tỷ lệ học sinh khá của nhà trường chiếm gần 50%; tỷ lệ học sinh giỏi đạt 22,5%; trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện, nhà trường có 49 học sinh đạt giải, trong đó có 5 giải Nhất, 10 giải Nhì, 9 giải Ba và 25 giải Khuyến khích.
Có thể thấy, việc CĐS ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập đã tạo môi trường giáo dục năng động, linh hoạt. Trường THCS Lê Hồng Phong đang khai thác hiệu quả các phần mềm dạy học trực tuyến trong hoạt động chuyên môn giúp học sinh say mê, hứng thú học tập đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần xây dựng trường học thông minh.
Bùi Minh