Giải pháp tháo gỡ khó ở bậc học mầm non Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/4/2023 | 7:32:50 AM

YênBái - Những việc thường nhật của 111 tình nguyện viên hỗ trợ 14 trường học mầm non trên địa bàn huyện Mù Cang Chải chỉ là giải pháp trước mắt để tháo gỡ những khó khăn tạm thời nhằm giảm áp lực cho đội ngũ giáo viên trong việc chăm sóc và tổ chức các hoạt động cho trẻ tại những điểm trường lẻ chỉ có một giáo viên đứng lớp.

Chị Giàng Thị Lầu - tình nguyện viên điểm trường bản Màng Mủ, Trường Mầm non Mồ Dề hỗ trợ giáo viên vệ sinh cá nhân cho trẻ trước giờ vào lớp.
Chị Giàng Thị Lầu - tình nguyện viên điểm trường bản Màng Mủ, Trường Mầm non Mồ Dề hỗ trợ giáo viên vệ sinh cá nhân cho trẻ trước giờ vào lớp.


Họ làm những việc tưởng chừng rất đơn giản, không tên, ít người biết đến nhưng hỗ trợ rất nhiều phần việc cho các giáo viên điểm trường lẻ đang đứng lớp một mình. Đó chính là mô hình "Huy động tình nguyện viên" đang được xem như là giải pháp trước mắt để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non trên địa bàn huyện vùng cao Mù Cang Chải. 

Đã mấy tháng nay, theo hình thức luân phiên, buổi nay chị Giàng Thị Lầu, 27 tuổi đến tình nguyện hỗ trợ cho cô giáo Phùng Mùi Lai dạy lớp 4 - 5 tuổi tại điểm trường bản Màng Mủ thuộc Trường Mầm non Mồ Dề, xã Mồ Dề. Nhà làm nông bao việc nhưng đến lượt mình, chị Lầu đã dành thời gian cả một ngày để phụ giúp cùng giáo viên. "Đến đây, mình giúp giáo viên những việc như đón trẻ, cho trẻ ăn, vệ sinh cá nhân và quản lý trẻ”, chị Lầu chia sẻ. 

Cũng như chị Lầu, đến phiên mình phụ giúp cô giáo, chị Giàng Thị Dù ở bản Mồ Dề đến lớp từ rất sớm để chia sẻ công việc thường nhật với giáo viên. Chị Dù kể: "Tôi có con học lớp 3 tuổi, lớp có 27 cháu mà chỉ có một giáo viên đứng lớp. Chia sẻ khó khăn, vất vả với cô giáo, được sự vận động của chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh trong lớp đã bàn và thống nhất phân công luân phiên nhau mỗi người một ngày công đến hỗ trợ cô giáo mà không đòi hỏi gì”. 

Những việc làm tưởng chừng rất đơn giản, không tên, ít người biết đến nhưng hỗ trợ rất nhiều phần việc cho các giáo viên điểm trường lẻ đang đứng lớp một mình. 

Cô Phùng Mùi Lai - giáo viên chủ nhiệm lớp 4 - 5 tuổi điểm trường bản Màng Mủ thuộc Trường Mầm non Mồ Dề, xã Mồ Dề chia sẻ: "Dạy ở điểm trường lẻ thực sự là khó khăn về mọi thứ, nhất là về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên. Lớp có 27 cháu, theo định mức có 1,62 giáo viên/nhóm lớp nhưng vì thiếu giáo viên nên 27 phụ huynh có con học tại lớp đã luân phiên thay nhau tình nguyện đến hỗ trợ giáo viên. Bước đầu các mẹ còn gặp nhiều trở ngại nhưng có sự giúp đỡ của phụ huynh đã giảm tải những khó khăn, áp lực về công việc cho giáo viên chúng tôi”. 


Cô Điêu Thị Hưởng, giáo viên điểm trường Chế Tạo, Trường Mầm non Chế Tạo đang chủ nhiệm lớp 3 - 4 tuổi với 32 học sinh. Năm học trước, cô Hưởng chỉ đứng lớp một mình. Bước vào năm học này cô có thêm sự giúp đỡ đắc lực của 32 tình nguyện viên là mẹ của các em học sinh trong lớp. "Trên tinh thần tự nguyện và cống hiến, các phụ huynh đến đây rất nhiệt tình, hỗ trợ giáo viên nhiều phần việc, từ đó phụ huynh hiểu cho ngành giáo dục huyện nhà, bản thân tôi cũng đỡ vất vả hơn”. 

Hiện nay, hàng ngày tại các điểm trường như: Tà Dông, Kể Cả, Háng Tay, Chế Tạo của Trường Mầm non Chế Tạo có 7 tình nguyện viên hỗ trợ  cho giáo viên đứng lớp/nhóm lớp một mình. Công việc tuy không vất vả nhưng đòi hỏi các phụ huynh phải có sự kiên nhẫn, khéo léo. 

Chị Sùng Thị Rú - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Chế Tạo cho biết: "Việc hỗ trợ của các tình nguyện viên là phụ huynh có con cháu đang học tại các lớp/nhóm lớp chỉ bố trí được 1 giáo viên đã giúp cho nhà trường rất nhiều phần việc, nhất là việc hỗ trợ huy động học sinh ra lớp để đảm bảo tỷ lệ thường xuyên, chuyên cần”. 


Tình nguyện viên hỗ trợ giáo viên cho trẻ ăn trưa tại điểm trường Sề Sáng, Trường Mầm non Khau Phạ. 

Như nhiều địa phương khác trong tỉnh, thực trạng thiếu giáo viên các bậc học ở Mù Cang Chải từ trước đến nay, nhất là cấp học mầm non vẫn là bài toán nan giải. 

Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, cấp học mầm non trên địa bàn huyện có 15 trường, trong đó 14 trường thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, 55 điểm lẻ, 192 nhóm, lớp với 5.753 học sinh. Tính đến thời điểm tháng 2/2023, toàn huyện có 313 giáo viên. Nếu tính tỷ lệ giáo viên theo định mức biên chế: 1,62 giáo viên/nhóm lớp thì đến nay, huyện Mù Cang Chải còn thiếu 94 giáo viên. 

Ông Nguyễn Anh Thủy - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện cho biết: Để đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ và an toàn trong các đơn vị trường mầm non trên địa bàn, Phòng GD&ĐT đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ huyện chỉ đạo các đơn vị trường mầm non cụ thể hóa thành mô hình "Huy động tình nguyện viên" hỗ trợ cho giáo dục mầm non. Năm học 2022 - 2023, sự tình nguyện hỗ trợ của nhiều phụ huynh học sinh giúp những lớp chỉ có một giáo viên đảm trách đang được xem như là giải pháp trước mắt để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non trên địa bàn huyện vùng cao này.

"Đến nay, có 111 tình nguyện viên đến hỗ trợ tại 14 trường mầm non trong toàn huyện, trong đó nhiều tình nguyện viên thực hiện hỗ trợ đồng thời 2 nhiệm vụ, vừa hỗ trợ giáo viên trong thực hiện các hoạt động giáo dục, vừa hỗ trợ nhà trường chuẩn bị bữa ăn dinh dưỡng cho các cháu học sinh. Với số lượng huy động này cơ bản đáp ứng yêu cầu cần hỗ trợ giáo viên tại các điểm trường mầm non” - ông Thủy nói. 

Qua tìm hiểu thực tế tại các địa phương, 111 tình nguyện viên hỗ trợ ngành giáo dục mầm non ở Mù Cang Chải chủ yếu là phụ huynh có con đang theo học ở các trường mầm non tham gia trợ giúp các lớp thiếu giáo viên về công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh trường lớp học, vệ sinh cá nhân cho trẻ và hỗ trợ nấu bữa ăn trưa cho các cháu. 


Cô giáo Lê Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Mầm non Mồ Dề khẳng định: "Nhờ sự hỗ trợ tự nguyện của các bậc phụ huynh về công tác huy động học sinh ra lớp, dọn dẹp vệ sinh lớp học, vệ sinh cá nhân cho trẻ, giúp giáo viên quản lý trẻ trong quá trình tổ chức các hoạt động tập thể trên lớp hay hỗ trợ giáo viên khi tổ chức cho trẻ ăn và ngủ trưa… là những việc làm thiết thực, giảm bớt những khó khăn đối với tình trạng thiếu giáo viên như hiện nay, nhất là ở điểm trường lẻ, điểm trường xa trung tâm”. 

Để các tình nguyện viên tự tin đến lớp, ngay từ đầu năm học này, Phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch tập huấn về tâm lý trẻ mầm non, nghiệp vụ công tác vệ sinh và đảm bảo an toàn cho trẻ; đồng thời phối hợp các trạm y tế xã khám sức khỏe định kỳ và phân công nhiệm vụ cụ thể cho tình nguyện viên hỗ trợ.

Theo khảo sát thực tế tại các trường học, việc phụ huynh tình nguyện đến hỗ trợ các lớp học thiếu giáo viên bước đầu cơ bản đáp ứng yêu cầu cần hỗ trợ giáo viên. Tuy nhiên vấn đề này vẫn gặp không ít khó khăn, bởi việc phụ huynh thay phiên nhau hàng ngày dẫn đến việc khám sức khỏe tại các điểm trường lẻ còn hạn chế; tình nguyện viên vừa kịp làm quen lớp học, quen với công việc thì đã hết ngày, đến phiên người khác…

Khó khăn, bất cập là vậy, song những việc thường nhật của 111 tình nguyện viên hỗ trợ 14 trường học mầm non trên địa bàn huyện Mù Cang Chải chỉ là giải pháp trước mắt để tháo gỡ những khó khăn tạm thời nhằm giảm áp lực cho đội ngũ giáo viên trong việc chăm sóc và tổ chức các hoạt động cho trẻ tại những điểm trường lẻ chỉ có một giáo viên đứng lớp. 

Về lâu dài, để đảm bảo và đáp ứng nguồn nhân lực cho các trường mầm non, huyện Mù Cang Chải cần phối hợp với Trường Cao đẳng Yên Bái mở các lớp liên thông cao đẳng, đại học sư phạm mầm non cho những sinh viên trên địa bàn đã có trình độ trung cấp để tuyển dụng bổ sung, đồng thời tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động con em địa phương, nhất là học sinh nữ người dân tộc thiểu số không chỉ học hết trung học phổ thông mà còn phải thi đỗ và học lên cao đẳng, đại học sư phạm theo các ngành học còn thiếu; tham mưu với tỉnh để có cơ chế, chính sách đào tạo theo địa chỉ đối với con em địa phương và các vùng lân cận, đồng thời có chính sách thu hút sinh viên đúng chuyên ngành sư phạm còn thiếu về địa phương công tác. 

Có như vậy, bài toán thiếu giáo viên mầm non nói riêng và các ngành học khác ở huyện vùng cao này mới sớm được gỡ khó, qua đó đẩy mạnh phát triển giáo dục dân tộc, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số.

Văn Tuấn - Trần Thị Du

Tags Mù Cang Chải Chế Tạo Mồ Dề bậc học mầm non gỡ khó tình nguyện viên điểm trường lẻ thiếu giáo viên phụ huynh

Các tin khác

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 1957/BGDĐT-GDĐH hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2024 với các mốc thời gian quan trọng cần nhớ cho thí sinh đăng ký xét tuyển.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao Giấy khen cho giáo viên có thành tích cao trong năm học 2022 - 2023.

Theo kế hoạch, UBND tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức Lễ Tuyên dương, khen thưởng 221 học sinh, giáo viên có thành tích xuất sắc năm học 2023 - 2024 vào trung tuần tháng 5/2024.

Năm 2024 sẽ có tất cả 20 phương thức xét tuyển đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể. Để hiểu rõ hơn mời độc giả tham khảo bài viết dưới đây.

Từ tháng 11-2024 sẽ có nhiều điểm mới trong thủ tục công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

Tối 3-5, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Thông tư số 07/2024/T-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung và thay thế một số phụ lục của Thông tư số 13/2021/TTBGDĐT quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục