Trước thềm năm học mới 2023-2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đến những khó khăn về cơ sở vật chất, nhiều vấn đề sẽ bộc lộ nhiều hơn so với năm học trước. Do đó đòi hỏi phải dồn lực để vượt qua, từ đó đi tới đích một cách tốt đẹp.
PV: Thưa Bộ trưởng, chỉ ít ngày trước thềm năm học mới, lần đầu tiên người đứng đầu ngành giáo dục đào tạo cả nước đã có cuộc đối thoại với hàng triệu giáo viên từ bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, cơ sở chuyên biệt và đại học trên cả nước. Trong số 6.000 câu hỏi được gửi đến Bộ trưởng, nhóm câu hỏi liên quan đến chế độ chính sách nhà giáo, như tiền lương, phụ cấp hay điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên chiếm không ít. Những băn khoăn này sẽ được Bộ trưởng xử lý thế nào trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Những nội dung thuộc về việc chuyên môn trong phạm vi trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, chúng tôi cũng có trách nhiệm rà soát những quy định của Bộ, các thông tư, các quy định có liên quan đến việc triển khai các cái chuyên môn, đặc biệt là có liên quan đến Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì chúng tôi thấy còn điểm gì cần điều chỉnh thì chúng tôi sẵn sàng điều chỉnh để làm sao công việc của giáo viên dạy, việc kiểm tra đánh giá thực hiện chức tránh của giáo viên được thuận lợi và giáo viên có hào hứng, bớt áp lực ngoài chuyên môn để giáo viên phấn khởi yên tâm với công việc.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Còn nhóm thứ hai về các chế độ chính sách liên quan đến các Bộ, ngành khác, chẳng hạn như liên quan đến Bộ Nội vụ hay Bộ Tai chính và một vài cơ quan khác, thì chúng tôi có rà soát và trao đổi phối hợp với các Bộ, ngành để cái gì xử lý được sớm thì chúng tôi xử lý sớm, đặc biệt là những quy định liên quan đến chế độ chính sách dành cho nhà giáo.
Đối với khối giáo dục đại học thì các nhà khoa học, các giảng viên các trường đại học cũng quan tâm nhiều đến tự chủ của các trường đai học, đến việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học, vấn đề sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học, liêm chính khoa học, đầu tư cho giáo dục, tài chính cho giáo dục. Đây cũng là nội dung mà chúng tôi thấy cần phải quan tâm kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền, đến Chính phủ, Quốc hội, đặc biệt là trong phần đầu tư cho giáo dục, cũng như việc thu hút nguồn nhân lực tri thức, các tài năng làm việc cho khối các trường công, khối các khoa học cơ bản. Đó là một trong những nhiệm vụ rất là quan trọng mà chúng tôi sẽ chú ý.
PV: Thưa Bộ trưởng, trong nhiệm kỳ 5 năm 2021-2026, đã hơn nửa chặng đường đã đi qua. Có thể thấy ngành GD-ĐT đã làm được rất nhiều việc quan trọng. Vậy trong quãng thời gian còn lại của nhiệm kỳ, Bộ trưởng sẽ đặt quan tâm vào những vấn đề nào?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trong khoảng thời gian hơn hai năm, nửa cuối của nhiệm kỳ thì đối với ngành Giáo dục của chúng tôi cũng như cá nhân của Bộ trưởng thì còn nhiều việc lớn ở phía trước. Chặng đường đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, ở thời điểm này việc thực hiện Nghị quyết 29 của T.Ư Đảng thì cũng đã được 10 năm và chúng tôi đang thực hiện việc tổng kết 10 năm thực hiện và có những đề xuất trong những quan điểm chỉ đạo của T.Ư sắp tới.
Còn về phần mình, chúng tôi phải đánh giá lại 10 năm đổi mới vừa qua và đề ra được những đường hướng để có thể phát huy những việc làm được trong 10 năm vừa qua và có điều chỉnh để làm tốt hơn nữa để đạt đến mục tiêu phát triển con người, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong chặng đường mà đất nước phát triển, hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, một số những nội dung cụ thể chúng tôi đang làm như là triển khai tiếp tục những yêu cầu của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Chương trình 2018 còn một chặng đường hơn 2 năm nữa.
Chúng tôi thấy rằng, đây là những năm rất là quan trọng, vừa triển khai các nội dung còn lại, bên cạnh đó là đánh giá trong thực tế từng nội dung, từng công việc để vào thời điểm năm 2025 có thể nhìn nhận được một cách tương đối đầy đủ một cái quá trình đổi mới ở giáo dục phổ thông và sẵn sàng điều chỉnh để cho tốt hơn ở giai đoạn sau nếu xét thấy cần thiết.
Bên cạnh đó, cũng cần triển khai trong vài năm tới việc thử nghiệm và đưa vào triển khai trong thực tế chương trình giáo dục mầm non mới. Với cả ba khâu là giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học cùng đồng thời đổi mới và đạt được một chất lượng giáo dục thì mới có thể đem lại kết qua toàn diện của ngành.
PV: Đó là những vấn đề được hàng triệu giáo viên quan tâm, còn đối với các em học sinh và gia đình, thưa Bộ trưởng, trước thềm năm học mới Bộ trưởng có những gửi gắm gì tới các bậc phụ huynh?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trong rất nhiều các diễn đàn gần đây của ngành giáo dục, chúng tôi rất lưu ý các nhà trường, các giáo viên, các cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt lưu ý đến việc có những chia sẻ, vận động, trao đổi với phụ huynh. Vì ngành giáo dục đang trong quá trình đổi mới mà một trong những yếu tố rất là quan trọng để có thể đảm bảo đổi mới kết quả tốt là có sự phối hợp, sự chia sẻ, sự đồng hành của lực lượng là phụ huynh học sinh. Tôi đánh giá rất cao tầm quan trọng của phụ huynh học sinh. Và đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh lại là ở những thời điểm có tính chất điều chỉnh, đổi mới thì yêu cầu đó càng trở nên quan trọng.
Tôi rất mong rằng là trong thời gian sắp tới, năm học tới thì các vị phụ huynh tiếp tục quan tâm tới tính mới trong giáo dục. Sự phối hợp giữa phụ huynh học sinh và nhà trường là một khâu rất quan trọng để có thể đảm bảo cho học sinh có một năm học an toàn, trường học có thể đạt được các mục tiêu của năm học.
PV: Thông điệp của Bộ trưởng gửi tới đội ngũ giáo viên, học sinh trong năm học mới này?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Một năm học mới cũng bắt đầu với rất nhiều nhiệm vụ và thử thách lớn còn ở phía trước và cũng là một năm trọng tâm của quá trình đổi mới của giáo dục, khó khăn nhiều, nhưng cũng hứa hẹn rất nhiều thành tựu ở phía trước. Tôi mong rằng toàn thể nhà giáo và toàn thể các em học sinh tiếp tục nỗ lực, phấn đấu đổi mới, sáng tạo để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình trước ngành, trước xã hội. Mong rằng toàn thể xã hội, các quý vị phụ huynh tiếp tục ủng hộ cho ngành giáo dục trong thời gian sắp tới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
(Theo VOV)