Từ lâu, NCKH đã trở thành sân chơi của giáo viên và học sinh toàn tỉnh thông qua các cuộc thi như:
Cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh, Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật dành cho học sinh trung học, Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm…
Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái là một trong những đơn vị giáo dục nghề nghiệp có hoạt động NCKH phát triển mạnh với nhiều giải pháp, sáng chế đạt giải cao trong các cuộc thi cấp tỉnh và quốc gia. Để có được kết quả này, nhà trường đã làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều đoàn tham quan, học tập tại các doanh nghiệp sản xuất nhằm mục đích tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác giảng dạy và NCKH.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, Trường đã có kế hoạch bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức hợp lý; khuyến khích giảng viên trẻ được đào tạo chính quy có trình độ, năng lực, có phẩm chất đạo đức tham gia hoạt động NCKH trong nhà trường; huy động học sinh tham gia NCKH.
Hiện, các đơn vị, cá nhân trong nhà trường đã đăng ký đề tài và được phê duyệt triển khai thực hiện 7 dự án, trong đó có một số dự án có tác động xã hội tích cực như: "Cánh tay Robot điều khiển bằng điện khí nén”, "Nghiên cứu, chế tạo xe điện 4 chỗ sử dụng nội bộ”, "Mô hình điện năng lượng mặt trời có điều khiển tự xoay pin mặt trời theo hướng nắng”, "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy trồng rau khí canh và máy trồng rau thủy canh”…
Hiện nay, ở nhiều cơ sở giáo dục, cán bộ, giáo viên không chỉ xem hoạt động NCKH là một trong những điều kiện để xét các danh hiệu thi đua, mà còn thực sự coi đây là sự tiếp cận mới trong giáo dục. Bản thân mỗi giáo viên cũng luôn trau dồi kiến thức, nghiên cứu, thiết kế các dự án, sáng kiến khoa học, đồng thời định hướng, hướng dẫn, đặt ra các tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết liên quan đến các kiến thức khoa học cho học sinh. Nhiều học sinh cũng đã coi NCKH như một hệ thống kiến thức tổng hợp, thay đổi cách thức học tập từ bị động sang chủ động nghiên cứu kiến thức, ứng dụng thực tế.
Em Lương Nguyễn Thùy Trâm - học sinh Trường THPT Trần Nhật Duật, huyện Yên Bình chia sẻ: "Trước đây, em cứ cho rằng NCKH phải là thiết kế, chế tạo những sản phẩm to tát. Nhưng giờ, em hiểu ra NCKH đôi khi chỉ là giải quyết các vấn đề dựa trên sự tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức thuộc các môn học có liên quan đến vấn đề như: qua sách giáo khoa, học liệu, thiết bị thí nghiệm, thiết bị công nghệ…
Ví dụ như trong môn Sinh học, chúng em sẽ thực hiện nghiên cứu một số chỉ tiêu dinh dưỡng trong hạt ngô tím nảy mầm với định hướng tạo sữa thực vật để hiểu về sinh học tế bào, hay sử dụng axitsalicylic tạo dung dịch bảo quản hoa cúc kim cương để hiểu về hoócmon… Trong quá trình thực hiện NCKH, chúng em cũng được cọ xát, tranh luận, bảo vệ ý kiến của bản thân cũng như tạo thói quen hợp tác với các thành viên trong nhóm”.
Đã có rất nhiều sản phẩm, sáng chế hữu ích, thiết thực được ra đời từ trí tuệ sáng tạo và bàn tay khéo léo của học sinh trên toàn tỉnh có thể kể đến như: "Sản phẩm sữa thực vật từ hạt ngô tím nảy mầm” của nhóm học sinh Trường THPT Trần Nhật Duật; "Máy xé măng, máy may cho người khuyết tật” của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, "Máy đa năng” của Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái…
Thông qua các dự án NCKH còn hình thành một phong cách học tập sáng tạo với nhiều kỹ năng của một công dân toàn cầu cho học sinh như: giao tiếp, hợp tác, quản lý, điều hành, ra quyết định; đặt học sinh vào vai trò của một nhà phát minh để hiểu bản chất của kiến thức, từ đó, việc tiếp nhận kiến thức sẽ không còn gò bó, ép buộc mà trở nên sinh động và thú vị hơn rất nhiều.
Hoài Anh