Xét thăng hạng đảm bảo tính công bằng, minh bạch, chính xác hơn
Chiều 9-9, tại cuộc họp báo Chính phủ, trả lời về đề xuất bỏ thi thăng hạng nghề nghiệp chức danh với giáo viên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay bất cứ nghề nghiệp nào thì cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều mong muốn có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, và đều mong muốn thăng tiến bằng chuyên môn, nghiệp vụ.
Do đó, việc thực hiện chính sách thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với nhà giáo là giải pháp quan trọng trong xây dựng đội ngũ nhà giáo.
Nhà giáo được thăng hạng không chỉ thể hiện năng lực, chuyên môn mà kèm theo đó còn là chính sách về tiền lương.
Ông Sơn nói Bộ Nội vụ đã dự thảo sửa đổi một số nghị định, trong đó có nghị định 115 và hiện đang xin ý kiến. Theo đó, chỉ còn lại hình thức xét thăng hạng nghề nghiệp.
Dù là thi hay xét thăng hạng, ông Sơn nêu đều nhằm mục đích đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Với thi có yêu cầu nội dung về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cần một quá trình giảng dạy, tự đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng của giáo viên. Đồng thời thi phải ôn thi, chuẩn bị nhiều nội dung, kiến thức.
Khi giáo viên đang công tác sẽ phải dành nhiều thời gian cho ôn thi và chi phí tốn kém.
"Còn với việc xét thăng hạng sẽ có yếu tố tích cực hơn. Những người tham gia xét thăng hạng sẽ có hiểu biết và đánh giá năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên sẽ xác thực nhất.
Thay vì chỉ thông qua bài thi, đánh giá trên điểm đó thì những người trong hội đồng xét thăng hạng sẽ kiểm tra trên cả quá trình. Việc này đảm bảo tính công bằng, minh bạch, chính xác hơn”, ông Sơn nhìn nhận.
Ông Sơn cũng chỉ rõ việc xét thăng hạng dựa trên sự công bằng, minh bạch, chính xác và kèm theo chính sách sẽ tạo động lực tốt hơn cho giáo viên, góp phần giúp giáo viên cống hiến, gắn bó với nghề nghiệp. Đây cũng là một trong các giải pháp để hạn chế tình trạng giáo viên bỏ việc.
Tiết kiệm chi phí cho xã hội
Trả lời thêm về việc bỏ chức danh nâng ngạch và thăng hạng, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết Luật Cán bộ công chức năm 2019 quy định rõ việc thăng hạng thực hiện theo hình thức thi và xét. Đồng thời, phân cấp cho các bộ ngành địa phương thực hiện các hình thức này.
Luật Viên chức cũng quy định việc bổ nhiệm viên chức có thể thông qua hình thức thi và xét. Có nghĩa việc thăng hạn hay nâng ngạch viên chức có thể qua hình thức thi và xét tuyển.
Việc nâng ngạch công chức và xét chức danh nghề nghiệp qua quá trình triển khai có một số khó khăn.
Đó là theo quy định phân cấp cho các bộ ngành địa phương ban hành tiêu chuẩn, điều kiện tổ chức thi, nhưng hiện các bộ ngành chưa ban hành thông tư, chủ yếu là ngành y tế, giáo dục.
Hai là chưa quy định được nội dung thi, nên việc thi chưa sát với yêu cầu vị trí việc làm và công việc của viên chức, nên việc thi còn hình thức, chưa phản ánh được thực chất năng lực.
Quy định vị trí việc làm chưa rõ, số lượng viên chức lớn với hơn 2 triệu, trong khi số người thi hằng năm là hạn chế, nên dẫn tới không đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện.
Việc thi phải có chứng chỉ về chuyên ngành, nhưng nếu chưa tổ chức được thì sẽ ảnh hưởng đến việc này. Việc thi tốn kém, thí sinh bỏ thời gian và công sức, chi phí xã hội lớn.
"Do vậy, việc bỏ thi sẽ tiết kiệm nhiều chi phí cho xã hội", ông Minh nhấn mạnh.
Theo ông Minh, Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về vấn đề này. Kết quả, có 94/95 bộ, ngành, địa phương đồng ý bỏ thi nâng thăng hạng viên chức.
"Nếu bỏ thi sẽ khắc phục được những vướng mắc bất cập trên, cũng như giảm áp lực cho đội ngũ viên chức", ông Minh khẳng định.
Đồng tình với nhận định của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, ông Minh so sánh việc thi thăng hạng sẽ không sát được với thực tiễn, còn xét thăng hạng sẽ đánh giá được "đúng người, đúng việc". Mặt khác, xét thăng hạng sẽ giảm được thủ tục hành chính trong bổ nhiệm viên chức.
(Theo TTO)