Năm học 2022 - 2023, toàn huyện có 70 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (46 trường công lập, 24 nhóm trẻ mầm non tư thục). Các trường học được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi theo hướng chuẩn hóa và đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bền vững. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 93,3%, bán kiên cố 6,7%, không có phòng học tạm.
Năm học 2022-2023, số phòng học được xây mới đưa vào sử dụng 32 phòng, đặc biệt, có 2 trường mầm non được xây mới hoàn toàn và đưa vào sử dụng trong năm học (Mầm non Hoa Hồng, Mầm non Quy Mông).
Chất lượng giáo dục ổn định, vững chắc và không ngừng được nâng cao. Đến nay, huyện đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi, Phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2.
Đến tháng 8/2023, toàn huyện đã có 21/21 xã đạt chuẩn NTM; 10/21 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3/21 xã đạt NTM kiểu mẫu; 48/48 trường học đạt chuẩn quốc gia tỷ lệ 100%, trong đó 12 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, tăng 6 trường so với năm học 2021-2022.
Để đạt được kết quả đó, ngành GD&ĐT huyện Trấn Yên đã tích cực phối hợp với các đơn vị tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng từng tiêu chí trong lĩnh vực giáo dục để xây dựng kế hoạch triển khai, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
Ngành đã chú trọng chăm lo xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; làm tốt công tác rà soát thực trạng đội ngũ thường xuyên để kịp thời tham mưu, đề xuất cấp trên bổ sung biên chế, tuyển dụng viên chức đảm bảo theo vị trí việc làm; tổ chức phân công giáo viên dạy liên cấp, liên trường đối với một số môn học để đảm bảo 100% các đơn vị trường học có giáo viên dạy đủ các môn theo quy định. Tăng cường bồi dưỡng lý luận chính trị, giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành.
Để đảm bảo tỷ lệ huy động học sinh ra lớp và tỷ lệ chuyên cần, các đơn vị nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, theo dõi thường xuyên tỷ lệ học sinh ra lớp để duy trì tỷ lệ chuyên cần, phát hiện và ngăn chặn kịp thời nguy cơ học sinh bỏ học; chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh, tích cực vận động các nguồn kinh phí hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn về các điều kiện để học tập. Nhờ đó, năm học 2022-2023 trên địa bàn huyện không có học sinh tiểu học, THCS bỏ học.
Mặt khác, ngành làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Trong đó, nâng cao nhận thức của toàn xã hội và mỗi người dân về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi đối với sự nghiệp phát triển GD&ĐT; tạo điều kiện cho mọi người, các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, đầu tư xây dựng và thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại. Cùng với đó, huy động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho các trường, hạng mục xây dựng cơ bản...
Các nhà trường đã thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Trong đó, tập trung dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bồi đắp "đức, trí, thể, mỹ”, điều chỉnh nội dung, yêu cầu các môn học, các hoạt động giáo dục linh hoạt, đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với đối tượng và điều kiện của đơn vị, tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, thực hiện đổi mới phương pháp, áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến để nâng cao hiệu quả. Chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh khá theo quy định đối với trường chuẩn quốc gia.
Mặt khác, toàn ngành phát động phong trào xây dựng trường học hạnh phúc tạo môi trường thân thiện cho học sinh đến trường. Các em được thực hành, trải nghiệm nhiều hơn với nhiều hình thức học tập khác nhau, ngoài học tập trên lớp, được tham gia các buổi ngoại khóa trong và ngoài nhà trường.
Những kết quả đạt được trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của Phòng GD&ĐT huyện Trấn Yên đã góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trên địa bàn huyện.
Thanh Ba