Muôn vàn lý do làm giáo viên nghỉ việc, có lý do nghe mà xót xa

  • Cập nhật: Chủ nhật, 5/11/2023 | 7:39:19 AM

Sau khi tăng lương cơ sở, tổng thu nhập hàng tháng của tôi cũng chỉ hơn 5 triệu đồng, không thể trang trải được cuộc sống.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, câu chuyện giáo viên xin nghỉ việc vẫn chưa có dấu hiệu giảm, làm cho hiện tượng thiếu giáo viên càng được dư luận quan tâm bàn luận.

Tình trạng giáo viên nghỉ việc tiếp tục tăng, tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.[1]

Đầu năm học 2023-2024 cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên và tiếp tục tăng. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Nội vụ, hiện nay các tỉnh vẫn còn 64.000 chỉ tiêu chưa dùng.[1]

Thiếu giáo viên, thế nhưng tuyển dụng giáo viên mới cũng không hề dễ, dù lượng sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp hàng năm không ít, điều này đồng nghĩa với việc lãng phí ngân sách trong miễn giảm học phí với sinh viên ngành sư phạm.

Thực tế, người viết thấy giáo viên nghỉ việc có ba đối tượng chủ yếu: thứ nhất, giáo viên trẻ, đang dạy các môn không thể dạy thêm được; thứ hai, người cận tuổi hưu; thứ ba, giáo viên không chịu nổi áp lực của công việc.

Với nhóm thứ nhất, giáo viên trẻ, đang dạy các môn không thể dạy thêm được, phần lớn nghỉ việc do tiền lương không đủ trang trải cuộc sống và giáo viên mầm non quá vất vả nhưng lương thấp.

Cô giáo Lê Thị Hà - giáo viên môn Địa lý tại một trường trung học cơ sở. Cô Hà vừa mới nghỉ việc. Cô chia sẻ: "Sau khi tăng lương cơ sở, tổng thu nhập hàng tháng của tôi cũng chỉ hơn 5 triệu đồng, không thể trang trải được cuộc sống.

Tôi đã phải làm thêm đủ thứ để có thể nuôi nghề giáo. Nó khiến tôi đuối quá rồi. Đi dạy mà một nửa dành cho tính toán làm thêm, tôi thấy có lỗi với học trò và chính bản thân mình, cân nhắc mãi, tôi đành xin nghỉ việc”.

Với nhóm thứ hai, người cận tuổi hưu, dù lương rất cao so với trước đây, nhưng họ vẫn xin nghỉ việc.

Thầy giáo Ngô Sĩ Trung, một đồng nghiệp của người viết vừa nghỉ việc chia sẻ: "Tôi còn 10 tháng nữa sẽ nghỉ hưu chính thức, nhưng tôi vẫn xin nghỉ việc.

Nghỉ việc, thấy cuộc đời thảnh thơi, nhẹ nhàng, như vừa quẳng đi một gánh nặng trên vai, vô cùng sung sướng, thế mới biết giáo viên đang chịu áp lực kinh khủng như thế nào.

Tính về mặt kinh tế, số tiền trợ cấp thôi việc và số tiền lương thất nghiệp được hưởng, chia đều cho 10 tháng, mỗi tháng tôi nhận được hơn 27.000.000/tháng.

Đi dạy, tôi chỉ được nhận hơn 14.000.000/tháng, nay nghỉ việc chờ hưu, tôi nhận được số tiền gấp đôi, bài toán kinh tế như thế đó, nên nhiều giáo viên đồng khóa với tôi cũng nghỉ việc trước”.

Bên cạnh đó, cũng có không ít người cận tuổi hưu xin nghỉ việc vì lý do sức khỏe và năng lực không đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.

Cô giáo Lê Lan Thương chia sẻ: "Tôi còn 5 năm nữa là nghỉ hưu chính thức nhưng cũng rất đắn đo và muốn nghỉ sớm.

Cũng chẳng tính toán gì kinh tế đâu, chỉ thấy mình sức khỏe yếu, chuyên môn trở nên "lạc lõng” khi thực hiện chương trình mới; thấy thực sự mình già rồi, nghỉ cho học sinh đỡ thiệt thòi, cũng là lòng tự trọng của mình nữa”.

Ngoài những lý do rất "đời thường” kể trên, có những thầy cô nghỉ việc vì lý do nghe qua thấy đắng lòng, nhưng là sự thật.

Cô giáo Nguyễn Ngọc Phạm, dạy mầm non ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Tôi dạy mầm non, đi làm khi con chưa ngủ dậy, về khi con đã ngủ rồi, vậy mà vẫn mang việc về nhà làm tận nửa đêm chưa xong.

Nào là làm đồ dùng dạy học, cắt hình trang trí lớp theo chủ đề, theo tháng, vất vả quá, vậy mà nhiều phụ huynh còn nhận xét "lớp con mình trang trí xấu hơn lớp khác…..

Phụ huynh thích sống ảo, cứ chụp hình lớp khác so sánh với lớp con mình, nhận xét vậy, nên thi đua của tôi cũng coi như mất luôn, thu nhập chỉ còn lương nên càng bèo bọt.

Tháng trước con tôi bị ốm, phải nhập viện, chồng tôi và gia đình đề xuất tôi nghỉ việc, dù tiếc nuối cho ước mơ của mình, tôi thấy đó là giải pháp tốt nhất”.

Một giáo viên Ngữ văn mới nghỉ việc cũng chia sẻ với người viết: "Năm nay tôi chuyển về trường mới, được phân công phụ trách Ngữ văn lớp 8, lên lớp giáo viên chủ nhiệm báo trước phải bình tĩnh, làm chủ cảm xúc của mình nha....

Vào dạy, trải nghiệm, mới hiểu tại sao giáo viên chủ nhiệm dặn mình vậy, có những học sinh không học mà chỉ phá đám.

Gọi điện cho phụ huynh, học sinh cười khẩy "thừa tiền thì cứ gọi”, chính phụ huynh trả lời "tôi cho con đi học là để nhờ thầy cô giáo dục, tôi bó tay rồi, nhà trường không dạy được thì cứ đuổi cổ nó đi, đừng gọi tôi nữa”.

Có học sinh còn nói thẳng "em có học hành gì đâu mà vẫn lên lớp, học nhiều, học giỏi như cô sao đi xe cà tàng vậy”.

Khủng hoảng quá, tôi bị trầm cảm, phải nằm viện ra viện tôi xin nghỉ việc”.

Thực tế hiện nay, không ít trường hợp học sinh "ngồi nhầm lớp”, không được ở lại lớp, do sự bủa vây của chỉ tiêu đầu năm đã ảnh hưởng đến đánh giá của giáo viên.

Vô hình trung, thành tích ảo đã làm hại cả trò và thầy, nguy hại hơn chính là tạo ra lực lượng lao động học giả mà bằng thật, chỉ cần ghi tên là có đủ bằng cấp.

Để trả lại sự tôn nghiêm cho giáo dục, ngoài lòng dũng cảm của giáo viên cần sự nhìn thẳng vào sự thật của xã hội, đừng đặt chỉ tiêu cao gây áp lực cho thầy cô giáo.

Giáo viên được là chính mình, được thực hiện các công việc đúng chức năng, nhiệm vụ mà không bị ảnh hưởng bởi những thứ ngoài chuyên môn. Điều này được tôn trọng sẽ là một giải pháp giúp giảm tình trạng giáo viên bỏ việc.

(Theo GDVN)

Các tin khác
Đội tuyển Học sinh giỏi môn Vật lý Trường THPT chuyên Nguyến Tất Thành sẵn sàng bước vào kỳ thi.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2023-2024 sẽ diễn ra vào ngày 5 và 6/1/2024. Yên Bái có 68 học sinh tham dự ở 10 môn thi, tăng 6 học sinh so với năm học trước.

Thí sinh Hưng Yên tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2022 - 2023.

UBND tỉnh Hưng Yên vừa ban hành kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 với một số thay đổi so với năm học trước. Theo đó, kỳ thi vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 dự kiến diễn ra vào tháng 6. Thí sinh đăng ký vào trường THPT chuyên Hưng Yên sẽ thi thêm môn chuyên.

Các cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở  Khấu Ly, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu trò chuyện với học sinh nhà trường.

Những năm qua, các thầy, cô giáo đã vượt qua nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, thậm chí là hy sinh tình cảm riêng của mình để đem "cái chữ", đến cho con em đồng bào vùng cao, chắp cánh ước mơ cho biết bao thế hệ học trò. Họ đã có những cống hiến hết sức tự hào cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh, góp phần phát triển giáo dục vùng cao một cách bền vững.

Các cô giáo chuẩn bị bữa ăn trưa cho trẻ tại Trường mầm non Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải.

Sở Nội vụ vừa ban hành Thông báo số 126/TB-SNV về việc tuyển dụng 467 chỉ tiêu viên chức sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập tỉnh Yên Bái theo chỉ tiêu xét tuyển chưa tuyển dụng được của năm 2023.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục