Những người thầm lặng chắp cánh ước mơ cho học trò vùng cao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/11/2023 | 2:49:13 PM

Những năm qua, các thầy, cô giáo đã vượt qua nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, thậm chí là hy sinh tình cảm riêng của mình để đem "cái chữ", đến cho con em đồng bào vùng cao, chắp cánh ước mơ cho biết bao thế hệ học trò. Họ đã có những cống hiến hết sức tự hào cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh, góp phần phát triển giáo dục vùng cao một cách bền vững.

Các cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở  Khấu Ly, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu trò chuyện với học sinh nhà trường.
Các cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Khấu Ly, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu trò chuyện với học sinh nhà trường.


Sinh ra và lớn lên tại đất Ngọc Lục Yên, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, cô giáo Nông Thị Thắm đã quyết định xa quê hương lên công tác tại huyện vùng cao Trạm Tấu. Hơn chục năm công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Khấu Ly, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu cô luôn tích cực học hỏi, đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều sáng kiến trong công tác giảng dạy. 

Cô Thắm chia sẻ: "Những năm đầu lên công tác tại Trạm Tấu nơi chủ yếu là đồng bào Mông còn rất nhiều khó khăn, lớp học chỉ là lớp lắp ghép, học sinh chưa thạo tiếng Việt, dẫn đến rất khó truyền đạt kiến thức cho các em. Tôi đã phải cùng ăn, cùng ở, sinh hoạt với các em để hiểu dần tiếng nói của người bản địa”. 

Từ suy nghĩ "Một giáo viên không chỉ dạy bằng kiến thức mà còn có tình yêu thương với học trò”, cô Thắm đã động viên kịp thời, thúc đẩy niềm say mê học tập của học sinh, giúp các em phát huy hết khả năng của mình. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục lớp cô Thắm luôn được nhà trường đánh giá cao. Em Giàng Thị Cang - học sinh lớp 8A cho biết: "Cô Thắm luôn rất gần gũi thương yêu chúng em, bảo ban chúng em, những giờ Sinh học của cô đều rất lý thú”.

Đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động tiếp thu kiến thức của học sinh, cô Thắm có sáng kiến áp dụng trò chơi trong dạy học môn Khoa học tự nhiên tại trường. Trong mỗi phần chơi giáo viên yêu cầu học sinh thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Mỗi đội khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ nhận được 1 sao, đội nào hoàn thiện nhanh nhất được thưởng thêm 1 sao/1 nhiệm vụ. Kết thúc trò chơi đội nào nhiều sao nhất sẽ chiến thắng. Sau khi áp dụng sáng kiến, các em học sinh đã xác định được mục tiêu trong tiết học, hứng thú hơn trong học tập. Trò chơi của cô Thắm đã được nhiều giáo viên áp dụng. 

Từ sự nhiệt huyết trong dạy học cô Thắm đã vinh dự nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2020 - 2021; Chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2022 - 2023; Điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021- 2023…


"Cô Nông Thị Thắm đã góp phần giúp nhà trường luôn hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch giao; tỉ lệ học sinh đi học chuyên cần cao, chất lượng dạy và học có chuyển biến tích cực, số lượng học sinh mũi nhọn tăng; nhiều năm liền Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Khấu Ly được nhận được bằng khen, giấy khen của tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, của huyện trong công tác đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo và các phong trào thi đua yêu nước” - Cô giáo Nguyễn Thanh Huệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.


Giờ chơi của trẻ Trường mầm non Sơn Ca, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.

Còn với cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tư, sau gần 20 năm bám trụ ở mảnh đất vùng cao Mù Cang Chải từ một giáo viên đứng lớp đến cán bộ quản lý nhà trường, cô luôn coi mái Trường mầm non Sơn Ca, xã Nậm Khắt như chính ngôi nhà và những đứa con thân yêu của mình. Giữ vai trò người đứng đầu nhà trường, cô Tư luôn tích cực triển khai xây dựng trường học gắn với thực hiện các mô hình: Thi đua xây dựng trường lớp ''Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - thân thiện'', xây dựng trường học hạnh phúc, tạo cho phụ huynh niềm tin yêu khi gửi các con tới trường.

Cô Tư chia sẻ: "Lên đây giảng dạy khi mới đôi mươi, giờ đã gần 20 năm, công việc ngày nào cũng như vậy và quen dần. Mặc dù đi lại đường đồi núi vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm thế nhưng cứ nghĩ đến những nụ cười, ánh mắt hồn nhiên của trẻ tôi lại thấy lòng trăn trở. Cũng chính điều đó, tôi luôn cùng tập thể giáo viên luôn nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục”.

Năm học 2021-2022, Trường mầm non Sơn Ca với nhiệm vụ thực hiện công tác xây dựng trường Chuẩn Quốc gia mức độ 1. Với đặc thù của ngành học mầm non, nhà trường còn thiếu nhiều hạng mục công trình phụ trợ như: Sân chơi, bãi tập, khu vườn cổ tích, thư viện xanh… Trước bộn bề khó khăn Ban Giám hiệu nhà trường đã họp thống nhất bàn bạc và giao cho từng giáo viên, từng tổ chuyên môn cùng trao đổi thống nhất và tìm ra phương án tối ưu nhất để bắt tay vào thực hiện.

Sau hơn ba tháng, các khu Vườn cổ tích, thư viện xanh, khu trải nghiệm bé yêu bản sắc quê hương, chợ quê… đã cơ hoàn thành, đảm bảo các tiêu chí trường Chuẩn Quốc gia mức độ 1, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc. 

Cô Thắm, cô Tư chỉ là hai trong số trên 6 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên đang công tác ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh. Các thầy, cô giáo đã vượt qua rất nhiều khó khăn về điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, thậm chí là hy sinh tình cảm riêng tư vì một tình yêu với nghề. 

Các thầy, cô phải đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng sử dụng tiếng bản địa với các em; chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy trẻ từ các kĩ năng đến kiến thức trong cuộc sống. Họ tận tình, trách nhiệm với học sinh như với chính những đứa con của mình. 

Ông Đào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định, các nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đã và đang có những cống hiến thầm lặng nhưng hết sức tự hào cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh, họ góp phần giữ vững phổ cập giáo dục, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, hướng tới phát triển giáo dục vùng cao một cách bền vững. 

Cùng với sự quan tâm của Đảng nhà nước, sự nhiệt huyết, hết lòng vì học sinh thân yêu của các thầy, cô giáo đem tri thức tới những nơi xa xôi nhất của tỉnh, xóa dần khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ học trò ở vùng khó.

Minh Huyền 

Tags học trò vùng cao Giáo dục và Đào tạo thầy cô giáo Trạm Tấu Mù Cang Chải

Các tin khác
Các cô giáo chuẩn bị bữa ăn trưa cho trẻ tại Trường mầm non Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải.

Sở Nội vụ vừa ban hành Thông báo số 126/TB-SNV về việc tuyển dụng 467 chỉ tiêu viên chức sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập tỉnh Yên Bái theo chỉ tiêu xét tuyển chưa tuyển dụng được của năm 2023.

Thầy trò Trường THPT Mù Cang Chải hôm nay.

Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, biết bao thế hệ học sinh của Trường THPT Mù Cang Chải (tiền thân là Trường Liên cấp II+III Mù Cang Chải) đã trưởng thành. Những gương mặt trong bài viết này là số ít trong nhiều điển hình tiêu biểu cho hàng ngàn học sinh của Trường đang góp sức xây dựng quê hương.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình tại phiên sáng 1/11.

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, năm 2024 sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 sinh viên lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và khoảng 7.000 ở các lĩnh vực liên quan.

Đại biểu Hà Ánh Phượng - đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ phát biểu.

Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng đề nghị cần quy định tiền lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp để giáo viên tròn vai, tâm huyết với nghề.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục