Sáng 23/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà - đoàn Bắc Ninh cho rằng, bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, liên quan đến đông đảo người dân, người lao động.
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này được kỳ vọng sẽ có những giải pháp đột phá để thực hiện được lộ trình cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, để bảo hiểm xã hội từng bước mở rộng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
Về độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, đại biểu cho rằng, tại Điểm b Khoản 1 Điều 64 có quy định trường hợp người lao động được nghỉ hưu thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi quy định, nhưng chỉ áp dụng đối với trường hợp làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt, trong danh mục do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành, hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021.
Tuy nhiên, giáo viên mầm non không thuộc các trường hợp đã nêu tại điểm này. Do đó, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non thực hiện theo quy định tại Điểm a dự thảo luật. Theo đại biểu, quy định này chưa phù hợp vì đặc thù của giáo viên mầm non có nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ em từ 2 đến 6 tuổi, đây là lứa tuổi khá hiếu động.
Trong suốt quá trình làm việc, giáo viên mầm non phải tổ chức nhiều hoạt động có tính chất vận động liên tục như múa hát, thể dục, chăm sóc trẻ, do đó, giáo viên mầm non phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường để chăm sóc, dạy dỗ, đảm bảo an toàn cho trẻ.
Dự thảo luật có quy định giao Chính phủ quy định điều kiện về tuổi hưởng lương hưu đối với một số trường hợp đặc biệt, do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng xác định giáo viên mầm non là trường hợp đặc biệt, Chính phủ quy định đối với đối tượng này cho phù hợp với đặc thù vị trí nghề nghiệp, hoặc bổ sung giáo viên mầm non thuộc nhóm lao động nặng nhọc, độc hại để áp dụng điều kiện nghỉ hưu quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 64.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế - đoàn Bắc Kạn cho biết, qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến đề xuất bổ sung luật cho phép tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi nghỉ hưu chung của Luật Lao động.
Như vậy, với nam là 57 tuổi, nữ 55 tuổi sẽ được nghỉ hưu, với điều kiện giáo viên mầm non có ít nhất 15 năm công tác và đóng bảo hiểm xã hội theo đúng vị trí việc làm.
Theo bà Nguyễn Thị Huế, cử tri đề nghị như vậy là do giáo viên mầm non có nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em từ 3-6 tuổi. Chăm sóc trẻ ở độ tuổi này đòi hỏi giáo viên mầm non tập trung cao trong suốt thời gian làm việc để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Do vậy, trong quá trình làm việc, giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực, gây ức chế tâm lý ảnh hưởng đến sức khoẻ, thể chất và tinh thần. Thực tế, do tính chất công việc, giáo viên mầm non thường phải có mặt từ trường vào sáng sớm để đón trẻ, kết thúc làm việc muộn khi trẻ được gia đình đón hết.
Trong suốt thời gian buổi học, giáo viên mầm non phải tổ chức thực hiện các hoạt động có tính chất vận động liên tục như múa, hát, chăm sóc trẻ hiếu động. Điều này giáo viên phải đòi hỏi có sức khoẻ tốt, phản xạ nhanh.
"Giáo viên mầm non nếu tuổi cao thì không còn sức sáng tạo, kém linh hoạt, sức khoẻ suy giảm, không còn nhanh nhẹn để đảm bảo công tác chăm sóc, giáo dục, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho trẻ. Do đó, quy định độ tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non cần thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi quy định chung là phù hợp" - bà Nguyễn Thị Huế cho hay.
(Theo Công thương)