Giữa năm 2023,
Nghệ thuật Khèn Mông vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia là động lực cho người dân Mù Cang Chải, trong đó có sự tham gia của học sinh trong các nhà trường trên địa bàn đối với việc gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống.
Câu lạc bộ (CLB) múa khèn - khăn của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Chế Cu Nha cũng như các CLB múa khăn múa - khèn trong các trường học trên địa bàn huyện đã được thành lập những năm trước đây cũng chính là nhân tố bảo tồn, gìn giữ nghệ thuật khèn Mông ở Mù Cang Chải.
Chỉ riêng Câu lạc bộ của Trường PTDTBT TH&THCS Chế Cu Nha được thành lập có tới trên 200 thành viên là học sinh ở cả 2 cấp TH và THCS. Các thầy cô trong trường cũng chính là những người tổ chức, hướng dẫn học sinh tập luyện. Cô giáo Đào Thị Hương phụ trách Câu lạc bộ của khối THCS tuy không phải là người Mông nhưng cô rất tâm huyết với hoạt động này.
Cô Hương chia sẻ: "Nhiều năm gắn bó với Mù Cang Chải tôi rất yêu múa khèn. Tôi truyền cho các em tình yêu với văn hoá dân tộc; mời các nghệ nhân tham gia truyền dạy cho các em”.
Cùng với CLB múa khăn, múa khèn, Trường PTDTBT TH&THCS Chế Cu Nha còn thành lập các CLB dệt thổ cẩm, CLB thể dục thể thao…, đưa hoạt động của các CLB vào chương trình sinh hoạt bán trú, ngoại khóa và hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Cô Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhà trường chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa, con người, xây dựng hình ảnh con người Mù Cang Chải "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” cho học sinh. Không gian văn hóa dân tộc được nhà trường sắp xếp, bố trí lồng gắn trong thư viện trưng bày các sản phẩm gắn với văn hóa của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn…
Bên cạnh quy định học sinh mặc trang phục dân tộc trong các buổi chào cờ và trong các ngày lễ lớn, nhà trường tổ chức cho học sinh biểu diễn dân ca, dân vũ vào các giờ chào cờ; duy trì bài múa khăn, múa khèn trong các giờ ra chơi; tổ chức các trò chơi dân gian…
Nhà trường đã khéo léo lồng ghép việc giới thiệu bản sắc văn hóa vào các tiết học, bảo tồn văn hóa các dân tộc thông qua các hoạt động giáo dục. Đặc biệt, huy động sự tham gia của cộng đồng đối với hoạt động giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc Mông thông qua việc mời già làng nói chuyện về bản sắc văn hóa dân tộc Mông”.
Với các hoạt động tích cực, hiệu quả trong việc bảo tồn các giá trị văn hoá bản địa, nhà trường đã bước đầu thành công trong xây dựng mô hình "Trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện”; mô hình "Trường học tương thân, tương ái” gắn với mô hình "Trường học du lịch” ;"Trường học hạnh phúc”.
Xác định, gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt thông qua môi trường giáo dục trong nhà trường sẽ giúp học sinh có những hiểu biết về truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc cũng như hình thành sự tự tôn, tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, các trường học trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã tích cực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
100% các trường đăng ký xây dựng mô hình, trong đó đã xây dựng thành công 6 mô hình điểm "Trường học du lịch” gồm: Trường PTDTBT Tiểu học Cao Phạ; Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Khắt; Trường PTDTBT TH&THCS La Pán Tẩn; Trường PTDTBT TH&THCS Dế Xu Phình; Trường PTDTBT TH&THCS Chế Cu Nha, và Trường PTDTBT THCS Lao Chải; 11 mô hình điểm "Trường học hạnh phúc”.
Các trường từ cấp học mầm non đến cấp phổ thông thường xuyên tổ chức các sự kiện: Chợ quê, múa khăn - múa khèn, múa xòe... nhân dịp tết và các ngày lễ lớn. Mỗi tuần có 2 buổi mặc trang phục dân tộc và tổ chức hoạt động tập thể giữa sân trường về múa khăn, múa khèn.
Mỗi trường, mỗi góc lớp đều có một khu dành cho không gian văn hóa dân tộc; các trường đã thành lập 75 CLB góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc như: CLB múa khăn, múa khèn, CLB thể dục thể thao; CLB khâu thêu, em tập làm hướng dẫn viên du lịch...
Việc đưa các nội dung giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc vào trường học thông qua nhiều hoạt động thiết thực không chỉ giúp học sinh các dân tộc lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình mà còn góp phần giúp các em bồi đắp nhân cách sống, có trách nhiệm với gia đình, quê hương; phát huy giá trị văn hóa - sức mạnh tinh thần của dân tộc.
Thanh Ba