Giải pháp căn cơ cho bài toán thiếu giáo viên ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/12/2023 | 3:20:58 PM

YênBái - Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh Yên Bái có trên 12.300 cán bộ quản lý, giáo viên. Tỷ lệ giáo viên hiện có so với định mức năm học 2023-2024 đạt 84,2%. Toàn ngành hiện còn thiếu trên 2.000 giáo viên. Trước thực tế này, tỉnh Yên Bái đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo công tác giảng dạy ở các nhà trường, duy trì chất lượng giáo dục, đặc biệt là ở vùng cao.

Từ đầu năm học 2023 - 2024, Phòng GD-ĐT huyện Mù Cang Chải đã điều động trên 80 lượt giáo viên, biệt phái giữa các trường với nhau, phân công dạy liên trường, dạy chéo để đáp ứng việc thiếu giáo viên cục bộ.
Từ đầu năm học 2023 - 2024, Phòng GD-ĐT huyện Mù Cang Chải đã điều động trên 80 lượt giáo viên, biệt phái giữa các trường với nhau, phân công dạy liên trường, dạy chéo để đáp ứng việc thiếu giáo viên cục bộ.

Do thiếu giáo viên môn Khoa học tự nhiên nên năm học 2023 - 2024, thầy giáo Trần Văn Đại - giáo viên môn Hóa học, Trường Phổ thông dân tộc Bán trú (PTDTBT) THCS xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải phải đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy tại cả 2 trường. Ngoài thực hiện nhiệm vụ giảng dạy tại Trường PTDTBT THCS xã Khao Mang, thầy còn tăng cường sang dạy 2 buổi với 10 tiết mỗi tuần tại Trường PTDTBT TH&THCS xã Kim Nọi. 

Thầy giáo Trần Văn Đại cho biết: "Vì dạy ở hai trường lại ở địa hình huyện vùng cao nên việc đi lại cũng khá vất vả. Cùng với đó, bản thân tôi là giáo viên Hóa, ngoài đảm nhiệm bộ môn Hóa học, tôi còn kiêm nhiệm thêm 2 phân môn là Sinh học và Vật lý trong môn tổ hợp Khoa học tự nhiên nên rất khó khăn. Tuy nhiên, trước thực trạng thiếu giáo viên nên đòi hỏi giáo viên chúng tôi phải nỗ lực hết mình để đảm bảo chất lượng giáo dục tại mỗi đơn vị mà mình đứng lớp. Do đó, tôi phải cố gắng học hỏi kiến thức từ các đồng nghiệp, tìm hiểu trên các kênh thông tin, nghiên cứu các bài giảng trên mạng để truyền đạt đến các em học sinh”. 

Năm học 2023-2024, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) huyện Mù Cang Chải thiếu gần 300 giáo viên và gần 100 nhân viên đối với cả 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS. Cùng với đó là sự bất cập về cơ cấu bộ môn, cấp THCS thiếu nhiều về môn Văn, Toán, Tiếng Anh, Tin học; cấp tiểu học thiếu nhiều giáo viên nhóm 2, hiện chỉ có duy nhất 1 giáo viên Tiếng Anh, chưa có giáo viên Tin học. 

Cho biết về nguyên nhân thiếu giáo viên, đồng chí Nguyễn Anh Thủy - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mù Cang Chải thông tin: "Nguyên nhân thiếu giáo viên chủ yếu là do những năm gần đây quy mô trường lớp liên tục tăng năm sau cao hơn năm trước, số lượng giáo viên, nhân viên xin thôi việc và chuyển vùng công tác nhiều. Khi tổ chức tuyển dụng thì có ít thí sinh đăng ký dự tuyển về Mù Cang Chải. 

Đặc biệt, tình trạng thiếu giáo viên càng trở nên khó khăn hơn khi Bộ GD&ĐT triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 bởi một số bộ môn trước đây là môn học tự chọn nay đưa vào là môn học bắt buộc như môn Tiếng Anh, Tin học bậc tiểu học; phát sinh thêm một số liên môn trong khi chưa có sự chuẩn bị về đội ngũ”. 
Đứng trước bài toán thiếu giáo viên, Phòng GD-ĐT huyện Mù Cang Chải đã có các giải pháp tạm thời. Theo đó, trong năm học 2022- 2023 và năm học 2023- 2024 này, đã điều động, luân chuyển 51 lượt giáo viên; tăng cường biệt phái 41 lượt giáo viên hỗ trợ từ các trường thiếu ít đến các trường thiếu nhiều; phân công dạy liên trường 20 lượt giáo viên. Đối với giáo dục mầm non, hiện huyện còn thiếu khoảng 100 giáo viên khiến số lượng các lớp mầm non chỉ có  1 cô giáo/lớp là khá nhiều. 

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn tạm thời về nguồn nhân lực cho các trường mầm non trên địa bàn huyện, Phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị xã hội chỉ đạo các đơn vị trường mầm non triển khai mô hình "Huy động tình nguyện viên”. Theo đó, tại các lớp thiếu giáo viên, tình nguyện viên chủ yếu là các bà, các mẹ của trẻ sẽ hỗ trợ giáo viên ở các điểm trường trên địa bàn các xã chăm sóc trẻ, thực hiện các hoạt động giáo dục, vừa hỗ trợ chuẩn bị bữa ăn dinh dưỡng cho các cháu học sinh. Từ đầu năm đến nay, đã có gần 80 tình nguyện viên hàng ngày hỗ trợ tại các trường, điểm trường mầm non thiếu giáo viên. 


Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các nhà trường.

Ngành GD-ĐT huyện Văn Chấn năm học 2023 - 2024 có trên 1.700 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Năm học này, toàn ngành còn thiếu 218 giáo viên, trong đó, bậc tiểu học thiếu 41 giáo viên, Tiếng Anh thiếu 19 giáo viên, Tin học thiếu 23 giáo viên, Ngữ văn thiếu 10 giáo viên.

Để khắc phục tình trạng này, đồng chí Nguyễn Minh Đức - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn cho biết: "Ngay từ đầu năm học, Phòng GD-ĐT huyện đã tham mưu điều động theo nguyện vọng cá nhân và biệt phái giáo viên từ trường thừa về trường thiếu, từ trường thiếu ít về trường thiếu nhiều. Cùng với đó, hướng dẫn và phân công dạy liên trường đối với các môn như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, tạm thời, thiếu tính bền vững bởi ngành cũng gặp không ít khó khăn khi phân công dạy liên trường, một số giáo viên phải đi dạy xa trường, xa nhà; các trường gặp khó khăn khi sắp xếp thời khóa biểu và phân công nhiệm vụ. Do đó, chúng tôi rất cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp có cơ chế thu hút giáo viên để bổ sung số giáo viên còn thiếu”.

Toàn tỉnh Yên Bái hiện còn thiếu trên 2.000 giáo viên, trong đó hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải có tỷ lệ giáo viên thấp nhất tỉnh: huyện Trạm Tấu đạt 75,5%, huyện Mù Cang Chải đạt 75,6%. Riêng đối với giáo viên Tiếng Anh, hiện nay, toàn tỉnh có 521 giáo viên, trong đó có 140 giáo viên cấp tiểu học, 247 giáo viên cấp THCS, 134 giáo viên cấp THPT. Do từ năm học 2022-2023 dạy tiếng Anh ở lớp 3, 4, 5 theo Chương trình GDPT 2018 nên toàn tỉnh thiếu 310 giáo viên Tiếng Anh, trong đó, vùng khó khăn thiếu 150 giáo viên. 

Mặc dù thiếu nhiều song việc tuyển dụng giáo viên rất khó khăn. Năm 2023, toàn tỉnh chỉ tuyển dụng được 6/123 chỉ tiêu giáo viên Tiếng Anh (trong đó, vùng khó khăn 2/78, vùng thuận lợi 4/45 chỉ tiêu). 

Trước thực trạng đó, Sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái đã tham mưu với UBND tỉnh thực hiện biệt phái giáo viên để tạm thời giải quyết bài toán thiếu giáo viên Tiếng Anh tại các huyện vùng cao của tỉnh. Sở GD&ĐT cũng đã tăng cường các giải pháp thông qua việc phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định để tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học qua hình thức trực tuyến tại 6 huyện gồm: Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Nghĩa Lộ và Mù Cang Chải; 27 trường, 106 lớp, tổng số 179 tiết/tuần. Số học sinh được học trực tuyến trên 3.340 em.

Ngoài ra, tháng 3/2023, tỉnh Yên Bái và Đại học Thái nguyên đã ký Thỏa thuận hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó dự kiến phối hợp mở lớp liên kết đào tạo đại học sư phạm Tiếng Anh (hệ vừa làm vừa học). Đến nay, đã tuyển sinh và đào tạo 2 lớp với 86 người. Trong 2 năm 2022-2023, tỉnh đã tiếp nhận 36 giáo viên từ tỉnh ngoài về các huyện vùng cao của tỉnh, trong đó có 7 giáo viên tiếng Anh và 4 giáo viên Tin học.  

Ðể khắc phục thực trạng thiếu giáo viên, ngoài việc đưa ra những giải pháp linh hoạt mang tính tình thế cũng như các nhóm giải pháp mang tính lâu dài, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đào Anh Tuấn chia sẻ: Thời gian tới, Sở GD-ĐT tỉnh tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh tổ chức tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục mầm non, phổ thông nhiều đợt trong năm; ưu tiên tuyển dụng giáo viên tại các vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên tiếng Anh, Tin học. 

Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định một số chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh Yên Bái trong đó có chính sách thu hút, đào tạo giáo viên tiếng Anh công tác tại các huyện vùng cao. 

Theo đó, người có trình độ đại học sư phạm tiếng Anh, tin học vào làm giáo viên tại các cơ sở giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được hưởng mức hỗ trợ 100 triệu đồng/người. Học sinh tốt nghiệp THPT các trường: Phổ thông dân tộc Nội trú THPT tỉnh Yên Bái; Phổ thông dân tộc Nội trú THPT Miền Tây; THPT Trạm Tấu; THPT Mù Cang Chải; THCS và THPT Púng Luông sẽ được UBND tỉnh cử đi đào tạo đại học chuyên ngành sư phạm tiếng Anh theo địa chỉ sử dụng.

"Vui mừng khi tới đây, Quốc hội sẽ có những chủ trương về điều chỉnh chính sách để thu hút lực lượng tham gia vào công tác giáo dục. Tôi cũng mong muốn Bộ GD-ĐT tham mưu với Chính phủ tăng chỉ tiêu đào tạo sinh viên cho các địa phương vùng cao để có nguồn tuyển dụng, để các em ổn định và yên tâm công tác. Đồng thời sớm có chính sách ưu tiên đãi ngộ, có chế độ tiền lương tương xứng đối với nhà giáo, trước tiên là giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng cao, khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn để đội ngũ giáo viên này yên tâm công tác, đảm bảo chất lượng dạy và học” - ông Tuấn mong muốn.

Thanh Chi

Tags Yên Bái giáo dục vùng cao thiếu giáo viên Tiếng Anh Tin học tổ hợp

Các tin khác

Sáng 18/12, tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) trung học phổ thông (THPT) tỉnh, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam và UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ bàn giao Dự án "Trang thiết bị hỗ trợ cho một số trường PTDTNT và bán trú (BT) của tỉnh Yên Bái".

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TP.HCM.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với bốn môn thi trong đó có hai môn bắt buộc là toán, văn và hai môn tự chọn, một số trường đại học dự kiến thay đổi cách thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển.

Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho 5 cá nhân.

Ngày 16 và 17/12/2023, Hội Cựu giáo chức (CGC) tỉnh Yên Bái tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Phó Chủ tịch nước và đoàn học sinh giỏi quốc tế năm 2023

Chiều 15-12, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã gặp mặt, tuyên dương đoàn học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục