Trường Cao đẳng Yên Bái nâng cao chất lượng đào tạo ngắn hạn nhân lực ngành du lịch

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/12/2023 | 5:07:12 PM

YênBái - Trong thời gian qua, Trường Cao đẳng Yên Bái đã thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn (dưới 3 tháng) khối ngành nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn trên cơ sở nhu cầu thực tiễn tại các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là đào tạo nhân lực trong lĩnh vực du lịch, góp phần thực hiện hiệu quả các đề án phát triển du lịch của tỉnh.

Giờ học thực hành của lớp Hướng dẫn viên du lịch tại xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu
Giờ học thực hành của lớp Hướng dẫn viên du lịch tại xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu

Trường Cao đẳng Yên Bái là một trong 2 cơ sở trường cao đẳng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của tỉnh Yên Bái với chức năng đào tạo chính quy hệ cao đẳng và trung cấp để cung ứng nguồn nhân lực cho tỉnh Yên Bái và các vùng lân cận thuộc các ngành khoa học xã hội và nhân văn: giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và nghệ thuật.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Trường còn thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn (dưới 3 tháng) khối ngành nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn trên cơ sở nhu cầu thực tiễn tại các địa phương trong tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.

Cụ thể, Trường đã phối hợp với phòng lao động, thương binh và xã hội các huyện, thị, thành phố đào tạo theo chỉ tiêu đặt hàng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững gắn với tạo sinh kế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; phối hợp với phòng văn hóa- thông tin các huyện đào tạo nhân lực ngành du lịch theo Chương trình Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025, Dự án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 

Các lớp nghề ngắn hạn đảm bảo trang bị cho người lao động kiến thức cơ bản về kỹ năng nghề, năng lực thực hành nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập; đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn. Qua đó góp phần thúc đẩy chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.


Các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghề ngắn hạn về du lịch được tổ chức tập trung vào nhóm nghề phát triển du lịch cộng đồng, bảo tồn nghệ thuật như: kỹ năng nghề du lịch; kỹ thuật chế biến món ăn; kỹ thuật pha chế đồ uống; hướng dẫn du lịch; vận hành lưu trú nhà dân; nghiệp vụ lễ tân; nghiệp vụ buồng phòng; hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển loại hình biểu diễn văn hóa. Các lớp học được tổ chức tại địa phương tạo thuận lợi về đi lại, ăn ở, giảm chi phí cho người học. 

Tiến sỹ Nguyễn Sinh Phúc - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Trong năm 2023, nhà trường đã đào tạo trên 300 học viên các lớp nghề ngắn hạn tại các huyện Trạm Tấu, Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Hiện nay, nhà trường đang đào tạo, bồi dưỡng nghề dưới 3 tháng trên tinh thần thực hiện nhiệm vụ chính trị các đề án của trung ương, các nghị quyết, quyết định của tỉnh Yên Bái, trong đó chủ yếu đào tạo nghề theo Đề án 1956 của Chính phủ, các văn bản của UBND tỉnh Yên Bái về tiếp tục thực hiện Đề án 1956 và đào tạo theo Chương trình Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh Yên Bái”. 

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, cơ hội lập nghiệp, giúp ổn định đời sống người dân. Đây cũng là nhiệm vụ đã và đang được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Yên Bái cùng vào cuộc, đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động. 

Để nâng cao chất lượng chuyên môn trong lĩnh vực đào tạo nhân lực du lịch nói riêng và bồi dưỡng ngắn hạn nói chung, nhà trường mong muốn tạo cơ hội cho lao động nông thôn có được sinh kế, áp dụng kiến thức đã học vào việc khai thác tiềm năng du lịch sẵn có tại địa phương để chuyển dịch cơ cấu lao động và phát triển kinh tế. 300 học viên được nhà trường đào tạo năm 2023 đã được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề tối thiểu và cần thiết để tự tin lập nghiệp, đặc biệt ở các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch. 

Học viên Đặng Thị Niên - lớp Vận hành lưu trú nhà dân tại xã Đại Đồng, huyện Yên Bình phấn khởi chia sẻ sau khi bế giảng lớp học: "Ban đầu khi chưa được các thầy cô Trường Cao đẳng Yên Bái giảng dạy kiến thức, bản thân em không tự tin để làm homestay. Sau 21 ngày tham gia lớp học này, em cùng như các học viên cùng lớp mới hiểu và sẽ quyết tâm theo đuổi công việc này để qua dịch vụ du lịch đưa được nhiều du khách đến hồ Thác Bà xinh đẹp và tiềm năng trải nghiệm”. 

Còn học viên Vi Thị Huệ, lớp Kỹ thuật chế biến món ăn xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên khẳng định: "Sau khi được Trường Cao đẳng Yên Bái cấp chứng chỉ về kỹ thuật nấu ăn, em dự định sẽ mở một quán ăn phục vụ nhu cầu của bà con trong vùng vì em thấy món ăn của Lục Yên rất cần được nhiều người xa gần cùng biết đến. Em rất cảm ơn nhà trường đã cho chúng em kiến thức và tạo sinh kế cho chúng em”.


Lãnh đạo UBND xã Đại Đồng, huyện Yên Bình kiểm tra lớp học Vận hành lưu trú nhà dân thực hành nghề tại đảo Xanh, hồ Thác Bà 

Có được những kết quả ban đầu này là quyết tâm và chỉ đạo kịp thời, sát sao của tập thể Ban chấp hành Đảng bộ, Ban giám hiệu nhà trường. Ngay sau khi đi vào hoạt động, từ tháng 7/2022 (sau sáp nhập và đổi tên), Ban thường vụ Đảng ủy Trường Cao đẳng Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-BTVĐU về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng phát triển Khoa Văn hóa  - Du lịch giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 22/KH-CĐYB về một số nhiệm vụ giải pháp nâng cao chất lượng, phát triển Khoa Văn hóa - Du lịch giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030. 

Trong Nghị quyết và Kế hoạch đều chú trọng vào việc biên soạn chương trình, viết tài liệu học tập cho các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn theo định hướng phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền, khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh sẵn có tại địa phương.

Chương trình giảng dạy được thiết kế theo hướng giảm tối đa thời gian học lý thuyết, tăng thời lượng thực hành với phương pháp giảng dạy "cầm tay chỉ việc” có tính trải nghiệm, áp dụng phù hợp với nhu cầu của đối tượng lao động nông thôn và đặc biệt khai thác thế mạnh về đặc điểm du lịch vùng, miền; nguyên liệu chế biến, thực phẩm sẵn có của địa phương. 

Trong suốt quá trình học tập, giảng viên sẽ tổ chức hoạt động cho các cá nhân và hoạt động nhóm. Kết thúc mỗi modul, học viên sẽ được hướng dẫn thực hành cụ thể nội dung đã học để chương trình bồi dưỡng đạt hiệu quả cao nhất. 

Bên cạnh đó, nhà trường còn tăng cường biện pháp quản lý chất lượng các lớp thông qua việc tổ chức kiểm tra, giám sát nội dung chương trình, việc thực hiện giảng dạy giữa các đơn vị khoa chuyên môn với Khoa Văn hóa - Du lịch; sự phối hợp chỉ đạo chuyên môn của Phòng Đào tạo, Khảo thí và Nghiên cứu khoa học và quản lý lớp của Trung tâm Thực hành, bồi dưỡng và tổ chức sự kiện. 

Tất cả tạo nên sự đồng bộ khép kín từ khâu quản lý mở lớp, thực hiện chương trình, đánh giá kết quả và cấp chứng nhận, chứng chỉ học nghề. Vì vậy, 100% các lớp bồi dưỡng ngắn hạn nói trên đều nhận được sự quan tâm, tin tưởng và đánh giá rất cao của cấp ủy, chính quyền địa phương xã, huyện về chất lượng và định hướng mục tiêu mà Trường hướng đến cho lao động nông thôn như nội dung hai bên đã phối hợp, thống nhất. 


Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Yên Bái Đặng Đình Thắng trao chứng chỉ kỹ năng nghề du lịch cho học viên lớp Kỹ năng nghề du lịch tại phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ 

Với kết quả đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn năm 2023 đã đạt được, trong năm 2024, nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp với phòng lao động - thương binh và xã hội các huyện, thị, thành phố thực hiện các lớp đào tạo nghề 01 tháng theo chương trình mục tiêu quốc gia,  Đồng thời hoàn thiện tài liệu, giáo trình các lớp tập huấn từ 8-10 ngày, phối hợp với các phòng văn hóa -thông tin các huyện, thị xã mở lớp tại các huyện, thị để thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch năm 2024 theo Nghị quyết 10 sửa đổi. 

Đặc biệt, nhà trường tiếp tục mở các lớp đào tạo sơ cấp, bồi dưỡng dưới 3 tháng các nghề: du lịch, nghệ thuật theo nhu cấu xã hội. Hiện tại, Ban giám hiệu nhà trường đang tiếp tục chỉ đạo xây dựng biên soạn lại 06 chương trình giáo trình, tập huấn du lịch 10 ngày, chuẩn bị cho đào tạo theo nhu cầu của tỉnh ngay từ những tháng đầu năm 2024.

Nhiệm vụ phát triển du lịch của tỉnh Yên Bái phải xứng tầm với tiềm năng của địa phương đã được khẳng định tại Nghị quyết 10 HĐND tỉnh, trong đó có yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho lao động nông thôn. Những nỗ lực đào tạo gắn kết cung -cầu của Trường Cao đẳng Yên Bái sẽ góp phần bổ sung, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động ngành du lịch, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Tỉnh ủy Yên Bái về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là "phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn và trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Yên Bái".

Lại Thị Hồng Điệp 
    (Trường Cao đẳng Yên Bái)

Tags Trường Cao đẳng Yên Bái nâng cao chất lượng đào tạo ngắn hạn lao động nông thôn du lịch

Các tin khác
Từ đầu năm học 2023 - 2024, Phòng GD-ĐT huyện Mù Cang Chải đã điều động trên 80 lượt giáo viên, biệt phái giữa các trường với nhau, phân công dạy liên trường, dạy chéo để đáp ứng việc thiếu giáo viên cục bộ.

Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh Yên Bái có trên 12.300 cán bộ quản lý, giáo viên. Tỷ lệ giáo viên hiện có so với định mức năm học 2023-2024 đạt 84,2%. Toàn ngành hiện còn thiếu trên 2.000 giáo viên. Trước thực tế này, tỉnh Yên Bái đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo công tác giảng dạy ở các nhà trường, duy trì chất lượng giáo dục, đặc biệt là ở vùng cao.

Sáng 18/12, tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) trung học phổ thông (THPT) tỉnh, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam và UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ bàn giao Dự án "Trang thiết bị hỗ trợ cho một số trường PTDTNT và bán trú (BT) của tỉnh Yên Bái".

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TP.HCM.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với bốn môn thi trong đó có hai môn bắt buộc là toán, văn và hai môn tự chọn, một số trường đại học dự kiến thay đổi cách thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển.

Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho 5 cá nhân.

Ngày 16 và 17/12/2023, Hội Cựu giáo chức (CGC) tỉnh Yên Bái tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục