Yên Bái nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/1/2024 | 7:45:08 AM

YênBái - Yên Bái hiện đã xây dựng được hệ thống giáo dục quy mô khá hoàn chỉnh cho tất cả các bậc học, cấp học theo hướng chuẩn hoá, từng bước hiện đại hóa và xã hội hóa, qua đó dần đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải đọc sách trong thư viện.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải đọc sách trong thư viện.

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển

Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh tới cơ sở, sự quan tâm của toàn xã hội trong thực hiện phương châm giáo dục là quốc sách, Yên Bái hiện xây dựng được hệ thống giáo dục quy mô khá hoàn chỉnh cho tất cả các bậc học, cấp học theo hướng chuẩn hoá, từng bước hiện đại hóa và xã hội hóa, qua đó dần đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân. 

Là địa phương còn nhiều khó khăn, song ngành giáo dục- đào tạo (GD&ĐT) tỉnh tích cực tham mưu UBND tỉnh trong việc quy hoạch mạng lưới trường lớp, cải tạo nâng cấp trang thiết bị cơ sở vật chất và đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đầu tiên phải nhắc tới Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. 

Đề án được xem như bước đột phá rất lớn của GD&ĐT Yên Bái. Triển khai thực hiện 435 dự án thuộc Đề án, với tổng mức đầu tư trên 783 tỷ đồng; các cơ sở giáo dục thuộc Đề án đã nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, các nhà hảo tâm với số tiền gần 60 tỷ đồng; huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng được 122 phòng học, 496 phòng ở và các trang thiết bị phục vụ dạy học và đời sống cho học sinh bán trú. 

Hàng năm, ngân sách chi cho GD&ĐT tăng, đặc biệt, so với nhiệm kỳ trước tăng lên 31,8%, riêng năm 2023 chiếm 33%, trong số đó, chi cho đầu tư chiếm gần 20%). Toàn tỉnh có 326 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 73,8%; theo các đề án của tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt chuẩn 100%. Đây chính là minh chứng sinh động cho sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp dành cho sự nghiệp trồng người, ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tạo thêm nhiều cơ sở vật chất phục vụ giáo dục giúp học sinh phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải vừa đón nhận Bằng công nhận trường chuẩn quốc gia. Trường được đầu tư cơ sở vật chất khang trang. Ngay từ khâu thiết kế, bố trí mặt bằng đã được tính toán kỹ lưỡng để tạo cảnh quan, không gian và khung cảnh sư phạm, cũng như sự thuận lợi cho các hoạt động giáo dục và sinh hoạt của học sinh tại nhà trường. 

Cô giáo Đỗ Thị Hương - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Thầy và trò nhà trường phấn khởi và tự hào khi được giảng dạy và học tập tại ngôi trường mới. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để nhà trường thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo viên phát huy được năng lực đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng các phương pháp và các hình thức dạy học mới”.

Sáng tạo - giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ

Cùng với chỉ đạo các trường xây dựng quy chế khuyến khích cán bộ giáo viên tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, ngành GD&ĐT đã mời các chuyên gia tập huấn chuyên môn tới cán bộ giáo viên, trong đó quan tâm tới ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến trong xây dựng chương trình giáo dục nhà trường, bồi dưỡng giáo viên dạy Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp; đổi mới phương pháp dạy học… 

Nhiều Phòng GD&ĐT đã có những cách làm hay sáng tạo trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ như tổ chức các hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp; các cuộc thi sáng tạo đồ dùng, đồ chơi phục vụ dạy học… Phòng GD&ĐT huyện Văn Chấn vừa qua tổ chức cuộc thi xây dựng đồ dùng dạy học số đối với các lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018 và chương trình giáo dục mầm non với 557 tác phẩm tham gia, đủ điều kiện công bố sử dụng là 368 tác phẩm. 

Ông Phan Thanh Hải - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: "Cuộc thi đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên trong việc nghiên cứu, xây dựng các thiết bị dạy học vào giảng dạy trong nhà trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Đa số các sản phẩm thiết kế bài bản, đảm bảo tính khoa học, phù hợp với nội dung bài học và nhu cầu sử dụng thiết bị dạy học trong nhà trường”. 

Phòng GD&ĐT huyện Trạm Tấu đã tích cực tổ chức đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên trong việc sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý và giảng dạy. Các giáo viên đã được đào tạo về cách sử dụng các ứng dụng và phần mềm giáo dục để tạo ra những bài giảng hấp dẫn và tương tác cho học sinh.

 Ông Bùi Thanh Tùng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện chia sẻ: "Nhận thức của giáo viên toàn ngành đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ về đổi mới giáo dục, tích cực ứng dụng công nghệ vào công tác chuyên môn. Từ sự học hỏi của cán bộ, giáo viên toàn ngành đã trở thành phong trào lan tỏa mạnh mẽ”. 

Đặc biệt, thời gian qua, ngành đã tham mưu với tỉnh ban hành chính sách đặc thù với giáo viên có nhiều năm công tác, cống hiến ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Năm 2021 và 2022, giải quyết cho 91 trường hợp giáo viên vùng cao, vùng điều kiện khó khăn được chuyển công tác về thành phố Yên Bái và các vùng thấp theo nguyện vọng cá nhân. Thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhằm tháo gỡ khó khăn do tình trạng thiếu giáo viên dạy bộ môn Tiếng Anh đối với các địa phương vùng cao, ngành đã tham mưu biệt phái giáo viên tiếng Anh từ thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Yên Bình và huyện Trấn Yên lên huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải để hỗ trợ giảng dạy, nhằm bảo đảm học sinh tất cả các lớp đều được học đầy đủ các môn học theo quy định.

Phát triển toàn diện giúp học sinh tự tin, năng động

Năm học 2023 - 2024 tiếp tục cho thấy sự lan tỏa của phong trào xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” trong trường học thông qua đổi mới các hoạt động ngoại khoá, nhiều sân chơi bổ ích, trải nghiệm thú vị đã giúp học sinh thể hiện tinh thần đoàn kết sẻ chia giúp đỡ bạn bè. Công tác tư vấn học đường đã được đưa vào 100% các trường học trên địa bàn tỉnh, các nhà trường quan tâm, giúp học sinh giải tỏa tâm lý, giải tỏa những vướng mắc ở các lứa tuổi, dạy cho các em kỹ năng sống, ngăn chặn bạo lực học đường, đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất… đặc biệt là tại các trường nội trú, bán trú.


Bên cạnh đó, các nhà trường luôn quan tâm xây dựng cảnh quan môi trường sư phạm luôn sáng, xanh, sạch, đẹp, đa dạng các hoạt động văn hoá thể thao giúp các em phát triển toàn diện về thể chất và nhân cách. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình như trường học hạnh phúc, "Trường học du lịch”, "Trường học nông trại”, "Trường học hạnh phúc gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc”… 

100% các cơ sở giáo dục tham gia mô hình, trong đó triển khai xây dựng môi trường giáo dục đảm bảo các tiêu chí "Trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện”; phát động thi đua xây dựng trường học văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự trong cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh; bổ sung 5 chuẩn mực về con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” trong bộ quy tắc ứng xử của mỗi nhà trường. 

Định kỳ, ngành GD&ĐT tỉnh tổ chức Hội khỏe Phù Đổng, thi hùng biện tiếng Anh, các cuộc thi tranh biện trường học hạnh phúc… Điều này khẳng định mục tiêu của toàn ngành là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện giúp học sinh tự tin, năng động và sẵn sàng hội nhập quốc tế. 

Với những nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh, đảm bảo chất lượng. Năm học 2022 - 2023, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả nổi bật trong giữ vững chất lượng giáo dục đại trà, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2023, Yên Bái đứng thứ 5/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 27/63 tỉnh, thành. Kết quả tốt nghiệp THPT đạt 98,87%, với điểm trung bình đứng thứ 7/14 tỉnh trong vùng. Tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ III và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Chất lượng giáo dục đã được cải thiện, môi trường học tập đã trở nên tiên tiến và phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội. 

Những kết quả đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ các thầy, cô giáo đẹp về phong cách, giỏi về chuyên môn, luôn hết lòng vì học sinh thân yêu. Lựa chọn nghề giáo, có những bài giảng hay truyền cảm hứng chưa bao giờ là dễ dàng song sự tin yêu của học trò, những ghi nhận từ phụ huynh, toàn xã hội chính là động lực mạnh mẽ để mỗi thầy cô ở Yên Bái tiếp tục cống hiến và giành trọn tâm huyết cho sự nghiệp "trồng người". 

Thanh Ba

Tags đổi mới căn bản giáo dục toàn diện

Các tin khác

Các thầy cô giáo tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, Yên Bái sửa sang lại phòng, đốt lửa sưởi ấm cho học sinh tránh rét.

Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu chủ động giữ ấm cho học sinh.

Ngày 23/1, miền Bắc bước vào ngày rét nhất trong đợt rét đậm kỷ lục kể từ đầu đông. Nhiệt độ chỉ trong ngưỡng 7-10 độ C, vùng núi có nơi dưới 6 độ C, nhiều trường mầm non vùng cao Yên Bái đã cho trẻ nghỉ học.

Các bé bậc học mầm non trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ trải nghiệm học nghề truyền thống.

Thời gian tới, thị xã Nghĩa Lộ phấn đấy xây dựng thêm 1 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường mầm non và phổ thông trên địa bàn thị xã đạt chuẩn quốc gia là 34/36 trường.

Học sinh Trường PTDTBT - THCS Cao Phạ tham gia hoạt động ngoại khóa.

Những năm học qua, thầy cô Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở ( PTDTBT- THCS) Cao Phạ huyện vùng cao Mù Cang Chải không ngừng nỗ lực, đổi mới phương pháp dạy với mục tiêu học sinh là trung tâm đã góp phần đưa chất lượng giáo dục của nhà trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục