Đầu tiên, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đã mang lại những thay đổi tích cực. Các trường đã tích cực cập nhật chương trình, tài liệu và phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh. Việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thực hành đã giúp học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn một cách hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cũng được quan tâm đặc biệt. Các chương trình tập huấn về phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý lớp học... đã giúp nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm của đội ngũ nhà giáo. Năm học 2023 - 2024, thị xã có 33 trường, trên 16.000 học sinh, với 899 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Mặc dù số lượng giáo viên còn thiếu so với nhu cầu thực tế, cũng như biên chế được giao, song đội ngũ toàn ngành đã đoàn kết, vượt qua khó khăn thách thức, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt đã có nhiều đổi mới trong phương pháp dạy và học.
Bà Lò Thị Tuyết Dung - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thị xã chia sẻ: "Đội ngũ giáo viên tích cực vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, các kỹ thuật dạy học tích cực... sử dụng đồ dùng và khai thác học liệu điện tử vào dạy học theo định hướng phát triển, phẩm chất năng lực học sinh. Đồng thời, chúng tôi cũng thực hiện sắp xếp đội ngũ giáo viên để phù hợp với nhu cầu và điều kiện của từng trường, khơi gợi tinh thần yêu nghề, sức sáng tạo của mỗi cán bộ, giáo viên”.
Ở bậc học mầm non, các trường chủ động phát triển chương trình giáo dục của nhà trường theo hướng tiếp cận giáo dục toàn diện, phát triển phẩm chất năng lực của trẻ. Quan tâm cho trẻ tham gia các hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương như múa xòe, thăm các khu di tích lịch sử… Khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi hiện có, nhất là các khu vực hoạt động ngoài trời. Đồng thời tích cực khai thác sử dụng tài liệu, học liệu trực tuyến; ứng dụng các phương tiện, kỹ thuật, công nghệ để tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ theo hướng tương tác với phương châm giáo dục "chơi mà học, học bằng chơi”.
Ở bậc học phổ thông, các trường đã triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo các mục tiêu, nội dung. Đặc biệt,100% giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Chú trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm, đặc biệt là hoạt động ngoài giờ lên lớp có vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống và hình thành nhân cách, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; thực hiện dạy học gắn kết giữa lý thuyết với thực hành; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống của học sinh.
Tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc và kiến thức địa phương, hoạt động văn nghệ, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần và góp phần giáo dục toàn diện học sinh. Các nhà trường đã tích cực tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa sang hướng tổ chức hoạt động trải nghiệm.
Cùng với đó, ngành GD&ĐT thị xã đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Đến nay, toàn ngành đã có 33 trường hoàn thành 10/10 chỉ tiêu của mô hình chuyển đổi số trong trường học; xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc”, "Trường xanh” gắn với bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương là một trong những điểm nhấn ấn tượng của giáo dục thị xã Nghĩa Lộ trong những năm gần đây, góp phần vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng thị xã du lịch.
Bà Lò Thị Tuyết Dung - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã chia sẻ thêm: "Các nhà trường đã tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả các mô hình tiêu biểu từ các năm học trước như: đẩy mạnh việc thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học; tích cực đổi mới các hoạt động của nhà trường; duy trì mô hình "Phòng chờ lên lớp” của giáo viên ở 100% các trường. Tiếp tục thành lập và duy trì các câu lạc bộ sở thích, câu lạc bộ bảo tồn giá trị văn hóa của địa phương. Duy trì thực hiện mô hình "Lớp học yêu thương” tại các trường mầm non, mô hình "Nồi cháo tình thương” của một số trường THCS, mô hình "Sắc màu văn hóa các dân tộc Mường Lò” tại tất cả các trường trên địa bàn”.
Với những nỗ lực đầu tư về cơ sở vật chất, công nghệ, đội ngũ giáo viên và phương pháp dạy học, Nghĩa Lộ đang từng bước xây dựng một hệ thống giáo dục chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân. Những thay đổi này không chỉ góp phần nâng cao kết quả học tập của học sinh, mà còn góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Thanh Ba