"Cùng em đến trường” tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Dế Xu Phình là một điển hình trong cách vận dụng mô hình này. Tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường lại tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, vừa tăng cường giáo dục kỹ năng sống, vừa quan tâm đến hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Cô giáo Nguyễn Thùy Nhung - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Định kỳ 1 lần/tháng, chúng tôi sẽ cùng học sinh tham gia dọn rác tại điểm du lịch đồi thông Háng Cuốn Rùa để giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường, trách nhiệm của những chủ nhân huyện du lịch trong tương lai; tham gia trồng cây tại "Đồi cây kỷ niệm”, "Đồi cây hạnh phúc” tại điểm đu lịch sống lưng khủng long, trồng cây xanh, trồng hoa, cải tạo khuôn viên. Đồng thời, hướng dẫn học sinh tham gia các câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, làm các sản phẩm du lịch như: móc treo chìa khóa, lọ hoa từ quả thông... Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã phát động phong trào nhà giáo đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với 74 học sinh được nhận đỡ đầu”.
Với mô hình nhà giáo đỡ đầu, các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt như: mồ côi, khuyết tật, không được sống cùng cha mẹ… đều được đưa vào danh sách trợ giúp. Vào dịp tết hàng năm, mỗi thầy cô đều chuẩn bị quà tặng cho học sinh đỡ đầu; tặng đồ dùng học tập và sách giáo khoa, quần áo, đồ dùng cá nhân vào mỗi dịp đầu năm học... Các ngày cuối tuần, các thầy cô lại đến thăm hỏi, động viên, hướng dẫn các em vệ sinh dọn dẹp nhà cửa, ôn tập bài... Cũng qua đó, các giáo viên sẽ trực tiếp hoặc kết nối với các nhà hảo tâm để hỗ trợ học sinh và gia đình vượt qua khó khăn.
Với tinh thần "Mỗi ngày làm thêm 1 giờ, mỗi tuần làm thêm 1 ngày”, ngành giáo dục Mù Cang Chải đã chủ động tổ chức hàng loạt hoạt động: huy động tình nguyện viên trong giáo dục mầm non; hướng dẫn, duy trì hoạt động các câu lạc bộ trong mô hình "Trường học du lịch”, "Trường học hạnh phúc” gắn với giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa; sáng tạo dạy học nâng cao chất lượng môn học Tiếng Anh và xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Anh trong các trường mầm non, phổ thông trong điều kiện thiếu trầm trọng giáo viên tiếng Anh; sáng tạo trong giáo dục STEM cho học sinh vùng dân tộc; trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan sư phạm...
Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ở các cấp đạt 99,9%; giữ vững, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; tỷ lệ người trong độ tuổi 15 - 60 tuổi đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 90,6%; duy trì và xây dựng 13 trường đạt chuẩn quốc gia; xây dựng được mô hình "Trường học hạnh phúc” tại 100% đơn vị trường.
Cùng với đó, ngành giáo dục huyện còn chủ động phối hợp với các lực lượng của huyện, của xã tăng cường triển khai thực hiện ngày cuối tuần cùng dân về tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ủng hộ tiền mặt, ngày công hỗ trợ hộ nghèo...
5 năm triển khai, "Ngày cuối tuần cùng dân” đã thực sự tạo chuyển biến tích cực trong cách nghĩ, cách làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, giáo viên và tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Mối quan hệ giữa nhà trường với phụ huynh, thầy cô với học sinh ngày càng gắn bó. Phụ huynh tin tưởng, ủng hộ các hoạt động của trường. Môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; cơ sở vật chất trường lớp ngày càng khang trang, sạch đẹp; học sinh được tham gia nhiều hoạt động, mạnh dạn, tự tin, học tập có tiến bộ.
Hoài Anh