Văn Chấn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục vùng cao

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/9/2024 | 1:41:25 PM

YênBái - Những năm gần đây, huyện Văn Chấn đã đặc biệt quan tâm cải thiện điều kiện học tập cho học sinh vùng cao và khu vực khó khăn. Đây là một trong những bước đi quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo công bằng trong cơ hội học tập cho tất cả học sinh.

Khánh thành điểm Trường Mầm non Giàng Pằng, xã Sùng Đô.
Khánh thành điểm Trường Mầm non Giàng Pằng, xã Sùng Đô.

Năm học 2023 - 2024, huyện đã triển khai 15 dự án lớn với tổng kinh phí đầu tư lên tới 26.518 triệu đồng. Trong đó, 17.271 triệu đồng được trích từ ngân sách Nhà nước, còn lại 9.247 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Từ nguồn vốn này, huyện đã đầu tư xây dựng 19 phòng học, 10 phòng bộ môn, 14 phòng phục vụ học tập và hành chính quản trị, 6 bếp ăn, 3 phòng công vụ và các hạng mục phụ trợ với kết cấu từ bán kiên cố trở lên.

Những công trình này không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh mà còn tạo ra môi trường học tập và sinh hoạt khang trang, đầy đủ tiện nghi. 

Hiện tại, huyện đã bố trí 861 phòng học, phòng nuôi dưỡng và chăm sóc giáo dục trẻ em. Trong số này, có 685 phòng kiên cố, chiếm tỷ lệ 79,6%, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng; 152 phòng bán kiên cố chiếm 17,7% và 24 phòng học tạm chiếm 2,8%. Bên cạnh đó, còn có 98 phòng hỗ trợ học tập, 139 phòng học bộ môn, 331 phòng hành chính quản trị và các công trình phụ trợ khác. Sự đầu tư đó không chỉ cải thiện điều kiện vật chất mà còn tạo động lực lớn cho cả giáo viên và học sinh.

Ông Mùa A Giàng - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Giàng chia sẻ: "Chúng tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền đã quan tâm đầu tư cho con em xã Suối Giàng có được môi trường học tập khang trang, lớn mạnh. Đặc biệt là nơi ăn, ở bán trú, giúp con em chúng tôi có điều kiện đến trường thuận lợi và đầy đủ hơn”.

Trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, xây dựng "Trường học hạnh phúc”, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện đã tích cực cùng các địa phương, trường học đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp, tranh thủ các nguồn vốn thực hiện các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Các trường tăng cường và tập trung đầu tư, hoàn thành các tiêu chuẩn về chất lượng và hiệu quả giáo dục. 

Phòng cũng đã tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất cho các trường học theo lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 43/65 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 66,2%; có 56/65 đơn vị trường được Sở GD&ĐT công nhận đạt tiêu chí "Trường học hạnh phúc” chiếm tỷ lệ 86,1% (tăng 2% so với năm trước). 

Nhờ vào những nỗ lực đầu tư mạnh mẽ và hiệu quả này, ngành giáo dục huyện đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu của năm học với mức độ cao. Các trường học đã có điều kiện tốt hơn để tổ chức các hoạt động giảng dạy, học tập, và sinh hoạt. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn góp phần vào việc giảm khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền. 

Năm học 2023 -2024 là năm học ngành giáo dục huyện Văn Chấn có số giáo viên, học sinh đạt thành tích cấp tỉnh, cấp quốc gia cao nhất từ trước tới nay. Tổng số có 1.029 giáo viên, học sinh đạt giải từ khuyến khích trở lên (trong đó có 729 học sinh và 300 giáo viên các cấp học), cao hơn năm học trước là 453 giáo viên, học sinh; có 2 tập thể được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen, UBND tặng Cờ thi đua cho 2 tập thể, tặng Bằng khen cho 6 tập thể, tặng danh hiệu lao động xuất sắc cho 6 tập thể; Sở GD&ĐT tặng Giấy khen cho 10 tập thể, 15 cá nhân...

Ông Nguyễn Minh Đức - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Chấn cho biết: "Bằng sự kết hợp có hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước và đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đến nay cơ sở vật chất trường, lớp học của địa phương đã được đầu tư tương đối khang trang, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của các em học sinh”. 

Thời gian tới, Phòng GD&ĐT huyện Văn Chấn sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, các xã trong lộ trình về đích nông thôn mới. Đồng thời, tập trung chỉ đạo các đơn vị trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ để cải thiện hơn nữa cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục trên địa bàn toàn huyện.


Trần Ngọc

Tags Văn Chấn giáo dục vùng cao Trường học hạnh phúc

Các tin khác

Năm học mới đã bắt đầu được hơn nửa tháng, thế nhưng hôm nay, hơn 600 học sinh Trường Tiểu học Hồng Thái – ngôi trường cuối cùng của vùng lũ Yên Bái mới được trở lại trường để học tập trong niềm hân hoan, phấn khởi. Cùng với đó, Trường THPT Lý Thường Kiệt sau những ngày học nhờ địa điểm thì hôm nay cũng chính thức được quay về ngôi trường thân yêu.

Ảnh minh họa.

Với việc “nới lỏng” quy định dạy thêm, học thêm, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tiếp nhận phản ánh và xử lý kịp thời những bất cập.

Một giờ học của thầy và trò Trường THPT Chu Văn An (Văn Yên).

Từ năm học 2023 - 2024, Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên đã bắt đầu triển khai các chương trình học tập và ứng dụng AI nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Ngày 20/9, Trường THPT Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã đến trao tặng sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho Trường Tiểu học Hồng Thái (thành phố Yên Bái) và Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Trấn Yên).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục