Giáo viên và học sinh được khuyến khích tìm hiểu và áp dụng các công nghệ mới, từ đó tạo ra một môi trường học tập sáng tạo và năng động. Trường đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm về AI và giáo dục, thu hút sự tham gia của giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Cô Nguyễn Thị Giang - giáo viên môn Lịch sử của nhà trường là một trong những giáo viên tích cực ứng dụng AI vào giảng dạy chia sẻ: "Tôi sử dụng AI để tìm kiếm tư liệu, thiết kế bài dạy. Có những công cụ hỗ trợ thiết kế soạn bài giúp tiết kiệm thời gian, hoặc thiết kế video phục vụ giảng dạy để thu hút hứng thú của học sinh.
Tôi cũng giới thiệu và hướng dẫn học sinh một số công cụ để học sinh tự tìm kiếm và xử lý thông tin, viết bài luận báo cáo, thiết kế các bài trình chiếu báo cáo sản phẩm nhóm, làm bài tập... Cơ bản học sinh vận dụng rất nhanh, cũng có kỹ năng cơ bản; một số em yêu thích còn tìm hiểu và ứng dụng thiết kế các video bài học có kỹ thuật cao hoặc ứng dụng cho công tác truyền thông trên trang mạng. Đợt ôn tập, thi giữa kỳ, cuối kỳ thì học sinh ứng dụng một số công cụ tương tự để tạo bảng test gửi cho nhau tự học, tự ôn”.
Còn với các em học sinh, ứng dụng AI không chỉ cung cấp bài kiểm tra đa dạng mà còn tạo ra các bài học tương tác, kích thích hứng thú trong việc tự học, tự nghiên cứu.
Thời gian qua, nhà trường đã tích cực triển khai công tác chuyển đổi số, trong đó có đưa việc học tập, sử dụng AI vào dạy và học. Nhà trường đã thành lập nhóm nòng cốt tham gia vào mô hình "Bình dân học AI” trên địa bàn tỉnh gồm 12 thành viên là các giáo viên, học sinh tiêu biểu, có năng lực về công nghệ thông tin, có hiểu biết AI.
Thầy giáo Hoàng Văn Chinh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Từ nhóm nòng cốt "Bình dân học AI” nhà trường đã tổ chức các cuộc trao đổi, hội thảo về AI để tuyên truyền, khuyến khích giáo viên, học sinh tìm hiểu, sáng tạo, xây dựng sản phẩm ứng dụng AI trong thực tiễn dạy và học. Từ đó, nhân rộng mô hình học tập AI trong toàn trường với nhiều hình thức, trong đó lấy tự học làm chính, theo phương châm người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người chưa biết. Đồng thời lấy ứng dụng vào thực tế dạy và học làm mục tiêu và đánh giá hiệu quả”.
Sau 1 năm triển khai, nhà trường đã khơi dậy được một tinh thần học và sử dụng AI đối với toàn thể giáo viên và học sinh; phục vụ tốt việc tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiên tiến, hiện đại, hữu dụng. Qua các tiết dạy hàng ngày, các giờ hội giảng, các thầy cô làm nòng cốt đã triển khai quy trình tiết dạy có sử dụng AI, giúp cho giờ học thêm sinh động, phát huy được tính chủ động, tinh thần tương tác của học sinh trong giờ học. Các em rất hứng thú, tự biết lập nhóm trong các lớp do thành viên nhóm "Bình dân học AI” làm trưởng nhóm để tìm hiểu và thực hiện các nhiệm vụ học tập được giao. Từ các các nhóm này đã lan tỏa ra tập thể các lớp và toàn trường.
Thầy Chinh chia sẻ thêm: "Việc học tập và sử dụng AI đã thực sự nâng cao được chất lượng dạy và học; phát huy được tính chủ động, tương tác của học sinh trong quá trình học tập, đồng thời phát huy tinh thần tự học của học sinh. Đối với giáo viên, đã giảm tải được thao tác dạy học thông qua tự động hóa, giải phóng thời gian, giúp giáo viên tập trung vào nhiệm vụ khác để nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy, mỗi tiết dạy có sử dụng AI thực sự nhẹ nhàng mà hiệu quả”.
Trường THPT Chu Văn An đang tiếp tục khẳng định cam kết của mình trong việc đổi mới giáo dục thông qua ứng dụng AI, tạo ra một môi trường học tập hiện đại, sáng tạo và đáp ứng nhu cầu của thời đại công nghệ số. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, nhà trường hy vọng sẽ góp phần vào việc hình thành một thế hệ trẻ có kiến thức vững vàng, tư duy sáng tạo và sẵn sàng hội nhập.
Thanh Ba