Giáo dục tư tưởng, chính trị không chỉ là việc truyền đạt kiến thức về hệ thống chính trị mà còn là quá trình định hình nhân cách và nhận thức của người trẻ. Những giá trị như tự do, công bằng, trách nhiệm công dân và lòng yêu nước cần được nuôi dưỡng từ sớm. Khi những giá trị này được củng cố từ nhiều nguồn khác nhau, người trẻ sẽ có sự hiểu biết và nhận thức tốt hơn về vai trò của bản thân trong xã hội.
Trong thời đại thông tin hiện nay, người trẻ dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau. Tuy nhiên, không phải tất cả đều chính xác và đáng tin cậy. Việc giáo dục tư tưởng, chính trị sẽ giúp họ phân biệt được thông tin đúng sai, từ đó hình thành khả năng tư duy phản biện, không chỉ chấp nhận thông tin một cách thụ động mà còn biết đặt câu hỏi và tìm kiếm sự thật.
Những năm qua, công tác giáo dục tư tưởng, chính trị cho học sinh trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được các nhà trường chú trọng, có nhiều đổi mới trong phương pháp tiếp cận, cũng như cách thức tổ chức. Hoạt động trải nghiệm kết hợp với sinh hoạt dưới cờ được tổ chức một cách thường xuyên. Nội dung linh hoạt và phong phú, hướng vào việc phổ biến kiến thức pháp luật, bồi dưỡng tư tưởng, kỹ năng và lý tưởng sống cho học sinh. Các trường thường xuyên tổ chức lễ kết nạp đội viên Đội Thiếu niên tiền phong, kết nạp đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại các di tích lịch sử địa phương; vận dụng tối đa những bài học lịch sử địa phương trong bồi đắp lý tưởng cách mạng cho học sinh.
Cùng với đó, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm và ngày lễ lớn của đất nước như dâng hương, thăm hỏi gia đình thương binh - liệt sĩ chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, giao lưu, tổ chức biểu diễn văn hóa - văn nghệ chủ đề tình yêu quê hương đất nước…
Ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái xác định công tác giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Hàng năm có trên 6.000 lượt học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên tham gia cuộc thi trực tuyến "Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Đặc biệt, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã hoàn thành tài liệu giáo dục địa phương và triển khai giảng dạy đồng loạt, mang tới những tư liệu thống nhất về lịch sử, văn hoá của địa phương… Đó là sự quyết tâm xây dựng một thế hệ trẻ có tài, có đức, có sự hiểu biết về văn hóa và đặc biệt có nhận thức sâu sắc về lý tưởng cách mạng dân tộc, trách nhiệm công dân, lòng biết ơn…
Bản chất của giáo dục là từ 3 trụ cột nhà trường - gia đình và cộng đồng, tuy nhiên, giáo dục tư tưởng, chính trị cho học sinh lâu nay vẫn phụ thuộc hoàn toàn từ phía trường học, trong khi việc ấy đáng lý phải cần nhiều hơn từ các phía ngoài trường học. Đầu tiên và trước nhất đó là gia đình. Gia đình là môi trường đầu tiên giúp hình thành tư tưởng và nhân cách của mỗi người.
Những giá trị, quan điểm chính trị được hình thành từ gia đình sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cách nhìn nhận và hành động của người trẻ. Cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái về các giá trị dân chủ, công bằng, lòng yêu nước, sự biết ơn và trách nhiệm công dân. Việc thảo luận những vấn đề xã hội, những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống tại gia đình giúp con cái tự tin bày tỏ ý kiến và học cách tranh luận. Cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục tư tưởng chính trị.
Các hoạt động xã hội, tình nguyện, hoặc tham gia vào các tổ chức thanh niên là những cơ hội để người trẻ trải nghiệm thực tế. Qua đó, họ có thể hiểu rõ hơn về các vấn đề xã hội, từ đó hình thành những quan điểm chính trị đúng đắn của riêng mình. Những hoạt động này giúp người trẻ không chỉ học hỏi mà còn phát triển kỹ năng lãnh đạo và giao tiếp.
Các hoạt động xã hội, tình nguyện, hoặc tham gia vào các tổ chức thanh niên là những cơ hội để người trẻ trải nghiệm thực tế. (Trong ảnh: Các thanh niên tình nguyện hướng dẫn học sinh Trường THPT Mù Cang Chải thực hành tin học).
Trong thời đại số, truyền thông trở thành một kênh giáo dục chính trị quan trọng. Các phương tiện truyền thông, bao gồm báo chí, truyền hình và mạng xã hội, là nơi người trẻ tiếp cận thông tin và quan điểm đa chiều về các vấn đề chính trị. Tuy nhiên, cần phải có sự hướng dẫn để người trẻ biết cách tiếp cận và phân tích thông tin một cách tỉnh táo. Các chương trình truyền thông giáo dục có thể giúp cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết cho người trẻ trong việc "hấp thụ” thông tin. Cùng với đó, các tổ chức xã hội và đoàn thể cũng có thể đóng góp lớn trong việc giáo dục tư tưởng chính trị cho người trẻ.
Mặc dù có nhiều kênh giáo dục nhưng việc giáo dục tư tưởng, chính trị cho người trẻ cũng gặp không ít thách thức. Một trong số đó là sự thiếu đồng bộ trong các phương thức giáo dục. Trường học có thể cung cấp kiến thức cơ bản nhưng các kênh khác chưa thực sự có nhiều những kết nối. Việc thiếu hụt sự kết nối này có thể dẫn đến sự không đồng nhất trong nhận thức và hành động của người trẻ. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của thông tin trên mạng xã hội cũng tạo ra khó khăn trong việc phân biệt thông tin đúng sai. Người trẻ có thể dễ dàng bị lôi cuốn vào các thông tin sai lệch hoặc cực đoan, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng chính trị của họ.
Trong một buổi trò chuyện với các em học sinh một trường THPT trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy lúc đó trên cương vị là Bí thư Tỉnh ủy đã cởi mở chia sẻ rằng: "Các cháu học sinh phải ghi nhớ, trước khi trở thành công dân toàn cầu, hãy trở thành công dân am hiểu quê hương mình”. Đó là am hiểu về văn hoá, lịch sử truyền thống của quê hương, đất nước mình, từ đó xác định được trách nhiệm của bản thân với quê hương, đất nước.
Để nâng cao hiệu quả giáo dục tư tưởng, chính trị cho người trẻ, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Các hoạt động giáo dục từ 3 trụ cột phải được thiết kế sao cho phù hợp và bổ trợ lẫn nhau. Có thể tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm giữa phụ huynh, giáo viên và các tổ chức đoàn thể để chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp giáo dục. Giáo dục truyền thông nên được chú trọng hơn nữa trong chương trình giảng dạy tại trường học. Điều này giúp người trẻ có khả năng phân tích và đánh giá thông tin một cách có hệ thống.
Các chương trình này nên được thiết kế để khuyến khích sự sáng tạo và tư duy phản biện, từ đó giúp người trẻ tiếp cận thông tin một cách thông minh. Đồng thời, cần khuyến khích người trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội và tình nguyện. Điều này không chỉ giúp họ có cơ hội thực hành kiến thức mà còn giúp họ kết nối với cộng đồng và hình thành những giá trị nhân văn sâu sắc. Nên chăng các tổ chức Đoàn, Hội thanh niên cần phối hợp với nhà trường, các cơ quan chức năng tổ chức các diễn đàn chính trị dành cho người trẻ. Qua đó, người trẻ có thể bày tỏ ý kiến, thảo luận và học hỏi từ những người có kinh nghiệm.
Giáo dục tư tưởng chính trị cho người trẻ không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn là của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Để đạt được hiệu quả cao nhất, cần có sự hợp tác đồng bộ giữa các kênh giáo dục. Những người trẻ được giáo dục tốt về chính trị sẽ có khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn trong cuộc sống, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội và công dân. Chỉ khi người trẻ được giáo dục một cách toàn diện và đa dạng, họ mới có thể trở thành những công dân có trách nhiệm, có khả năng đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Việc chuẩn bị cho thế hệ trẻ một nền tảng tư tưởng vững chắc là một nhiệm vụ quan trọng, không chỉ cho hiện tại mà còn cho tương lai của quê hương, đất nước.
Thanh Ba