Gia đình được coi là "trường học đầu tiên” của mỗi người. Để phát huy vai trò này, các bậc phụ huynh cần tạo điều kiện cho con cái trong việc học tập. Điều này còn thể hiện qua việc dành thời gian để đọc sách cùng con, khuyến khích các em tham gia các hoạt động ngoại khóa và các lớp học bổ trợ.
Chị Nguyễn Thị Mai, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Tôi luôn cố gắng dành thời gian cho con mình mỗi ngày, không chỉ để kiểm tra bài vở mà còn tạo ra không khí học tập trong gia đình. Điều này không chỉ giúp con tôi học tốt mà còn tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa hai mẹ con”. Nhiều gia đình ở khắp các địa phương trong tỉnh đã xây dựng mô hình "gia đình học tập” - nơi mà việc học được coi là một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Những gia đình này thường xuyên có các hoạt động thảo luận, trao đổi kiến thức, khuyến khích các thành viên cùng nhau học tập.
Tại tỉnh Yên Bái, vai trò của gia đình và dòng họ trong việc thúc đẩy học tập và giáo dục đã được khẳng định một cách mạnh mẽ, không chỉ là nền tảng cho sự hình thành nhân cách và tri thức của mỗi cá nhân mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng học tập bền vững.
Hiện nay, nhiều dòng họ ở Yên Bái đã có những quy định và phong tục khuyến khích con cháu học tập, từ việc tổ chức các buổi họp mặt đến việc thành lập quỹ khuyến học. Một trong những cách hiệu quả mà các dòng họ thực hiện là thành lập quỹ khuyến học.
Ông Đặng Hồng Quân - Trưởng dòng họ Đặng, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Quỹ Khuyến học của dòng họ để động viên khen thưởng các cháu học giỏi và các gia đình có nhiều phương pháp, hình thức học tập, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, không vi phạm pháp luật. Hàng năm dòng họ chúng tôi tổ chức phát động thi đua trong dòng họ, đẩy mạnh tinh thần đoàn kết, hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế; vận động các gia đình đăng ký, xây dựng gia đình học tập; tạo điều kiện thuận lợi để tất cả mọi người học tập nhất là người lớn. Điều này đã góp phần tạo ra một môi trường học tập tích cực".
Sự kết hợp giữa gia đình và dòng họ trong việc thúc đẩy học tập đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho việc xây dựng xã hội học tập. Ông Triệu Tiến Thịnh - Chủ tịch HKH tỉnh chia sẻ: "Các cấp HKH tỉnh Yên Bái luôn khuyến khích các gia đình và dòng họ tham gia vào quá trình giáo dục. Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, dòng họ và nhà trường sẽ tạo ra một môi trường học tập lý tưởng không chỉ cho các cháu nhỏ trong độ tuổi đi học mà còn kích thích tinh thần học tập suốt đời của cả người lớn trong gia đình, dòng họ”.
Những năm qua, với sự chủ động và sáng tạo, tỉnh Yên Bái là tốp các tỉnh trong khu vực đang đi đầu về xây dựng xã hội học tập. Nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của gia đình, dòng họ trong việc thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc nhân dân, mới đây, HKH tỉnh đã tổ chức Hội thảo "Vai trò của gia đình, dòng học trong việc thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc nhân dân” bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng gia đình, dòng họ học tập; vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận khéo, đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, vận động các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng xã hội học tập; công tác phối hợp, tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân thi đua xây dựng gia đình học tập; tầm quan trọng của gia đình trong tiếp nối truyền thống hiếu học, xây dựng xã hội học tập…
Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có 173 HKH cấp xã, 1.898 chi HKH, 544 ban khuyến học với 252.241 hội viên, có 72% gia đình, 65% dòng họ, đạt danh hiệu học tập.
Ông Triệu Tiến Thịnh - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết thêm: "Hội thảo là hoạt động ý nghĩa góp phần khẳng định vai trò của gia đình, dòng họ trong việc nuôi dưỡng, giáo dục, cung cấp nguồn lực con người, giữ vững ổn định xã hội; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử của dân tộc; nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng nhân cách con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo và hội nhập”. Chúng tôi tin tưởng rằng, thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa gia đình học tập, dòng họ học tập được phát triển vững mạnh”.
Phát huy vai trò của gia đình và dòng họ trong việc xây dựng xã hội học tập là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ từ phía các bậc phụ huynh và dòng họ mà còn từ chính quyền và toàn xã hội. Một xã hội học tập không chỉ mang lại tri thức mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của nhân dân. Chỉ khi mọi người cùng nhau chung tay, tạo ra một môi trường học tập tích cực, chúng ta mới có thể xây dựng một xã hội phát triển bền vững, nơi mà tri thức và văn hóa được trân trọng và phát huy.
Minh Tư