Theo đề xuất của Bộ GD-ĐT, kỳ thi vào lớp 10 từ 2025 trở đi sẽ gồm 3 môn gồm Toán, Ngữ văn và một môn do Sở GD-ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn còn lại thuộc Chương trình giáo dục phổ thông mới (Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật).
Môn thi thứ 3 phải được Sở GD-ĐT công bố vào ngày 31/3 hàng năm, cách kỳ thi tuyển sinh lớp 10 khoảng 3 tháng. Ngay sau khi đề xuất này được đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Cô Nguyễn Phương Ly, giáo viên Ngữ văn THCS tại Hà Nội cho biết, từ khi có thông tin về đề xuất bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10, cả học sinh và giáo viên đều rất lo lắng, hồi hộp. Cô Ly cho rằng, khi chuyển sang chương trình GDPT mới, cách thi cử và đánh giá có nhiều thay đổi, ngay như với môn Ngữ văn, ngữ liệu sẽ nằm ngoài chương trình của SGK, đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng những kỹ năng đã được học để giải quyết vấn đề. Thông thường kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ diễn ra vào tháng 6 hàng năm, nhưng đến thời điểm này, phương án thi vẫn là một ẩn số, gây ra tâm lý lo lắng, hồi hộp cho học sinh.
Giáo viên này cho rằng Bộ cần nhanh chóng chốt phương án tuyển sinh lớp 10 năm 2025: "Phương án thi cần được thống nhất từ năm học trước, để học sinh có 1 năm chuẩn bị, sẵn sàng tâm lý học và ôn tập. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở các địa phương hàng năm cam go hơn cả tuyển sinh đại học, bởi các em không có quá nhiều lựa chọn, tỷ lệ chọi, mức độ cạnh tranh lớn, do đó, nhiều em phải chuẩn bị cho kỳ thi này ngay từ lớp 7, lớp 8, chứ không phải lên đến lớp 9 mới chuẩn bị”.
Còn theo thầy giáo Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán tại Hà Nội, việc bốc thăm môn thi thứ 3 là tạo áp lực và căng thẳng không cần thiết cho học sinh: "Kỳ thi vào 10 vốn đã căng thẳng do chọn trường trước rồi thi sau, do tỉ lệ chọi, do thí sinh đăng ký theo khu vực… Nhiều người cho rằng, kỳ thi này còn căng thẳng hơn kỳ thi vào các trường đại học. Việc bốc thăm môn thi có yếu tố may rủi, áp đặt thụ động và tạo tâm lí căng thẳng cho học sinh. Thực tế cho thấy, những năm áp dụng cách này, sang học kì 2 bắt đầu có những dự đoán, có tâm lí chờ đợi công bố môn thi gây phân tâm, khó khăn cho việc dạy và học của cả thầy và trò”.
Bên cạnh đó, thầy Trần Mạnh Tùng cũng nhận định, việc bốc thăm môn thứ 3 sẽ tạo ra sự không công bằng, thiên lệch giữa môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Hơn nữa, việc bốc thăm môn thi của các địa phương trong các năm qua cũng không được thực hiện công khai, thiếu căn cứ cho việc lựa chọn môn thi. Trong khi đó, thực tế đã chứng minh, tại các địa phương như TP.HCM, Bình Dương và nhiều địa phương thi 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh hàng năm rất ổn định, kết quả thi tốt nghiệp THPT của các tỉnh này vẫn cao, thuộc top đầu cả nước. Đặc biệt, thời điểm này, một số địa phương đã công bố sẽ thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, nếu vẫn tiến hành bốc thăm môn thứ 3 sẽ tạo ra sự xáo trộn trong kế hoạch dạy và học.
Nói về vấn đề lo ngại học sinh không học đều nếu không thi, thầy Tùng cho rằng, chương trình GDPT mới đòi hỏi quá trình học cần đáp ứng được các mục tiêu, các yêu cầu về năng lực, phẩm chất, thái độ. Quá trình học có đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ, việc này tác động ngược lại việc dạy và học. Các nhà trường, các nhà quản lí có các kế hoạch kiểm tra việc thực hiện chương trình ngay trong năm học chứ mà không cần đến khi công bố môn thi.
"Nếu vẫn tư duy dùng thi cử để học sinh phải học sẽ tạo ra tâm lý đối phó, nhiều nơi sẽ học cầm chừng chờ ngày công bố môn thi, hay khi công bố rồi thì việc học cũng chỉ để thi. Cách học như vậy không đáp ứng các yêu cầu của chương trình GDPT mới, là tập trung đánh giá năng lực học sinh. Chương trình mới không có chuyện không thi thì không học. Việc công bố môn thi muộn để tránh học lệch chứng tỏ công tác quản lí còn yếu kém”, thầy Tùng nói.
Theo thầy Trần Mạnh Tùng, giả sử nếu bốc thăm vào môn Lịch sử và Địa lý hay Khoa học tự nhiên, thì thực tế số môn thi thí sinh phải thi vẫn sẽ là 4-5 môn chứ không phải 3 môn.
Đặc biệt, cần phân biệt rõ giữa thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh. Thi tốt nghiệp không cần loại thí sinh nào, nhưng thi tuyển sinh cần lấy từ cao xuống thấp, trong khi không phải thí sinh nào cũng học tốt tất cả các môn.
Do đó, giáo viên này đề xuất, nên thi cố định 3 môn "xương sống” Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, đây là những môn cần cho tất cả học sinh ở bậc THPT. Hoặc phương án lý tưởng nhất là mỗi học sinh đều được quyền chọn môn thi thứ 3, bởi khi lên THPT, các em sẽ được chọn tổ hợp để theo học. Tuy nhiên với phương án này, việc tổ chức thi và xây dựng ngân hàng đề thi khó có thể đáp ứng yêu cầu.
Từ những phân tích trên, thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng, phương án chốt 3 môn thi Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh vẫn là phù hợp nhất.
(Theo VOV)