Tham gia Hội nghị tiếp xúc cử tri có đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cùng các ĐBQH tỉnh;Nguyễn Thành Trung - đại biểu hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội; Triệu Thị Huyền - Phó Chánh Văn phòng Tỉnh đoàn. Tham dự buổi tiếp xúc cử tri về phía tỉnh Yên Bái có các đồng chí: Trần Huy Tuấn - Bí thư Tỉnh ủy; Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Tại Hội nghị, Đoàn ĐBQH đã thông tin đến cử tri dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; xem xét, thông qua 30 luật, 7 nghị quyết; cho ý kiến đối với 6 dự án luật và xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác, công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước; đặc biệt là Đề án sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã thông tin nhanh tới cử tri về kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong 3 tháng đầu năm 2025. Cử tri thành phố Yên Bái đã có 14 ý kiến với 15 nội dung tập trung vào 8 nhóm vấn đề phản ánh, kiến nghị đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Nguyễn Thành Trung - Đại biểu hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Văn Chấn.
Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Văn Chấn, đại biểu Nguyễn Thành Trung đã thông tin đến cử tri dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Văn Chấn đã có 15 ý kiến với 20 vấn đề phản ánh, kiến nghị, đề xuất một số vấn đề với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Trong đó, tập trung vào một số nội dung: đề nghị có giải pháp phù hợp để duy trì hoạt động hoặc tận dụng hiệu quả các điểm trường, trạm y tế sẵn có nhằm đảm bảo quyền lợi tiếp cận dịch vụ giáo dục và y tế cơ bản của người dân sau sáp nhập; đề nghị Trung ương và các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, ban hành hoặc bổ sung các chính sách hỗ trợ nghỉ việc, hỗ trợ tái đào tạo hoặc hỗ trợ chuyển công tác sang các lĩnh vực khác cho cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính; nghiên cứu, có giải pháp tiếp tục hỗ trợ người dân như: trợ giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi, thông qua hình thức phân bổ ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho nông dân...
Các đại biểu cũng có ý kiến đề nghị các cấp có thẩm quyền khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã cần xem xét bố trí hợp lý giữa các xã liền kề trên cơ sở phong tục, tập quán tương đồng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, đảm bảo các tiêu chí theo quy định. Đồng thời, vị trí trung tâm xã mới nên đặt tại khu vực trung tâm địa lý của các xã sau sáp nhập, để tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch tại công sở, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội địa phương…
Cử tri các xã: Tân Thịnh, Chấn Thịnh, Nghĩa Tâm, thị trấn Nông trường Trần Phú đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, hệ thống nước sạch... giúp người dân đi lại, sản xuất, giao thương thuận lợi; đồng thời, tạo điều kiện để tiếp cận dịch vụ hành chính công tại trụ sở xã mới; kiến nghị với cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, nâng định mức đầu tư đối với xây dựng đường giao thông nông thôn từ mức 1,6 tỷ đồng/km hiện nay lên mức 2,5 tỷ đồng/km để phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, giảm mức đối ứng, đóng góp của nhân dân…
Tại các cuộc tiếp xúc, Đoàn ĐBQH tỉnh, đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri hai địa phương để tổng hợp và đề nghị Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết kịp thời, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri.
Mạnh Cường