Tại ngày hội việc làm của trường Đại học Dược Hà Nội, hôm 27/4, chị Đinh Thị Trang, phụ trách tuyển dụng Công ty cổ phần Dược phẩm Vĩnh Phúc (Vinphaco), cho hay lương khởi điểm cho Dược sĩ đại học hiện khoảng 8-10 triệu đồng một tháng.
"Tùy công việc, kỹ năng, kinh nghiệm và nền tảng kiến thức, mức này có thể được tăng lên 10-17 triệu đồng với khối sản xuất; 20-25 triệu đồng với khối bán hàng sau 1-2 năm ra trường", chị Trang nói.
Ở Công ty Dược phẩm Thái Minh, với những vị trí như nhân viên chăm sóc khách hàng hay tele-sale (bán hàng qua điện thoại), ứng viên có 6 tháng kinh nghiệm trở lên, đạt KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) nhận lương 10-15 triệu đồng. Riêng vị trí marketing, mức lương là 10-18 triệu đồng, theo chị Nguyễn Thị Thu Yến, cán bộ tuyển dụng.
Sau một thời gian, công ty sẽ đánh giá, kiểm tra để nâng lương cho nhân viên. Những nhân sự thể hiện được năng lực, hưởng lương theo kết quả công việc có thể nhận mức 15-25 triệu đồng, tùy vị trí, bộ phận.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuyển, Phó hiệu trưởng Đại học Dược Hà Nội, kết quả khảo sát sinh viên sau một năm tốt nghiệp những năm gần đây cho thấy mức lương trung bình của Dược sĩ dao động 10-12 triệu đồng một tháng. Trong đó, vị trí trình dược viên thường nhận mức cao nhất.
"Sinh viên Dược ra trường được cho là có mức lương khá cao so với các ngành nghề khác", chị Nguyễn Thị Thu Hiền, phòng nhân sự, Công ty AstraZeneca Việt Nam, nói. Không tiết lộ con số cụ thể nhưng chị Hiền cho biết mức lương AstraZeneca "rất tốt".
Theo các chuyên gia, thị trường việc làm hiện khó khăn hơn trước, số lượng tuyển ít hơn, song với lĩnh vực Dược, sinh viên ra trường "không sợ thất nghiệp".
Tại ngày hội việc làm, AstraZeneca Việt Nam mang đến 39 suất thực tập ở 4 phòng, ban như kinh doanh, nghiên cứu lâm sàng, trình dược viên... cho các sinh viên năm cuối. Vinphaco tuyển 20 vị trí với sinh viên mới tốt nghiệp vào các khối bán hàng, sản xuất và kinh doanh. Còn Thái Minh tìm kiếm ứng viên làm trợ lý nhãn hàng, nhân viên truyền thông, chăm sóc khách hàng...
"Cơ hội việc làm vẫn rộng mở, đặc biệt với những ứng viên có định hướng rõ ràng và kiến thức chuyên môn tốt", chị Trang nhận định.
Đại diện các doanh nghiệp đánh giá sinh viên hiện nay năng động, có ý thức thực tập, đi làm từ sớm nên hồ sơ xin việc khi ra trường đã có vài năm kinh nghiệm.
"Các em tham gia nhiều khóa đào tạo, có nhiệt huyết, tinh thần học hỏi cao, đặc biệt sử dụng AI tốt giúp gia tăng hiệu suất công việc", chị Yến nhận xét.
Tuy nhiên, khi phỏng vấn, các chuyên gia nhận thấy sinh viên cần cải thiện vốn tiếng Anh, đặc biệt kỹ năng Nói, để làm việc hiệu quả trong môi trường đa quốc gia. Các em cũng nên tăng cường một số kỹ năng mềm khác như giao tiếp, thuyết trình, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm.
Một lưu ý khác là sự chủ động. Theo nhà tuyển dụng, thay vì năm thứ ba mới tìm hiểu nơi thực tập, sinh viên có thể kết nối việc này từ năm thứ nhất, thông qua các anh, chị khóa trên.
"Sự chủ động phải bắt nguồn như một thói quen, càng bắt đầu sớm, ứng viên càng có thời gian tôi luyện, tích lũy", chị Hiền chia sẻ.
Tại Đại học Dược Hà Nội, ông Tuyển cho biết những năm gần đây, trường thường xuyên rà soát, điều chỉnh chương trình, căn cứ phản hồi của người học sau tốt nghiệp và nhà tuyển dụng.
Nhiều môn, học phần được chuyển đổi từ thuyết giảng sang hình thức seminar (thảo luận) nhằm tăng cường kỹ năng mềm cho sinh viên. Người học cũng được tiếp cận thực tiễn, hiểu hơn nhu cầu của doanh nghiệp qua các chuỗi hội thảo hướng nghiệp, cuộc thi khởi nghiệp, sáng tạo, hội chợ việc làm. Ngoài ra, các học phần thực hành, thực tập kết hợp với doanh nghiệp, bệnh viện giúp sinh viên trải nghiệm công việc sớm.
Nhờ đó, sau một năm tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên có việc làm khoảng 94,6%, trong đó khoảng 90% đúng ngành, theo ông Tuyển. Hai ngành truyền thống của trường là Dược học và Hóa dược. Ngoài ra là ngành Hóa học và Công nghệ sinh học.
Năm nay là lần thứ 4 trường Đại học Dược Hà Nội tổ chức Ngày hội việc làm, với sự tham gia của khoảng 20 doanh nghiệp, thu hút khoảng 700 sinh viên trong và ngoài trường đến tìm hiểu.
(Theo VnExpress)