YênBái - Hình ảnh quen thuộc trên những con đường ở xã An Lương, huyện Văn Chấn là các thầy giáo, cô giáo băng đèo, lội suối đến với những điểm trường xa xôi, cách trở để trẻ em vùng cao được sáng chữ, no lòng. Các thầy cô không chỉ đứng trên bục giảng mà còn là những “chiến sĩ” dũng cảm, vượt qua những thử thách khắc nghiệt để mang con chữ đến với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Hành trình gieo chữ tại Trường Mầm non An Lương là câu chuyện về sự vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn cũng là minh chứng cho tình yêu thương và sự cống hiến của các thầy, cô giáo nơi đây.
|
Các thầy, cô giáo Trường Mầm non An Lương, huyện Văn Chấn phải vượt nhiều cung đường khó khăn để đến trường.
|
Kết thúc kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, cô giáo Phạm Thị Bái - giáo viên tại điểm trường Sài Lương phải đi trước một ngày vì cung đường tới trường có nhiều điểm sạt lở, hiểm trở cùng những con dốc dài trơn trượt.
Cô chia sẻ: "Nhà tôi cách trường 55 km. Hiện tại là mùa nước cạn nên đi lại cũng dễ hơn một chút nhưng khi vào mùa mưa, việc di chuyển trở nên khó khăn hơn. Trước kia, tôi cũng mang theo con nhỏ lên trường. Đường đi khó khăn, cộng thêm khí hậu khắc nghiệt, cháu thường xuyên ốm đau nên năm học này, tôi quyết định để cháu ở nhà với ông bà nội”.
Giống như vậy, cô Lý Thị Thủy Tiên cũng gặp khó khăn khi đưa con nhỏ hơn 1 tuổi đến trường: "Thời tiết thất thường khiến cháu hay phải vào viện, tôi đành gửi về quê nhờ người thân chăm sóc”. Thầy Vũ Tuấn Anh - giáo viên nam duy nhất của Trường Mầm non An Lương cũng chia sẻ: "Con đường đến trường rất khó khăn, nhất là khi trời mưa lầy lội hay nắng. Chiếc xe máy của tôi nhiều lần bị hư hỏng do những đoạn đường gồ ghề”.
Cùng cảnh ngộ, cô giáo Nguyễn Hương Giang ở điểm trường Suối Dầm cho biết: "Đường đến điểm trường toàn đường đất, trời mưa thì đất hay bị sạt xuống. Có hôm, tôi phải bỏ xe lại và đi bộ 3 - 4 km để đến lớp”. Tháng 9 năm ngoái, khi nước từ trên nguồn chảy xuống, cô Giang và các đồng nghiệp phải dắt tay nhau qua suối để đến trường: "Dù rất run sợ nhưng vì các con đang đợi, ai cũng phải cố gắng”.
Cô Hoàng Thanh Tuyết - Hiệu trưởng Trường Mầm non An Lương bày tỏ sự lo lắng khi đọc những tin nhắn hỏi thăm nhau của các thầy, cô giáo trên đường đến trường. "Nhà trường cách trung tâm huyện khoảng 40 km. Để đến lớp, các thầy cô phải đi qua gần 20 km đường sạt lở khó đi. Có cô giáo mới lấy chồng, đi đường gồ ghề quá còn bị sảy thai. Ai cũng buồn và thương…” - cô Tuyết ngậm ngùi.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các thầy cô vẫn hết lòng vì sự nghiệp giáo dục nơi này. Các thầy cô thường xuyên tham gia các khóa tập huấn và đào tạo để cập nhật phương pháp giảng dạy mới, phù hợp với đặc điểm của học sinh vùng cao, đặc biệt là tự nâng cao trình độ chuyên môn. Các thầy cô đã áp dụng nhiều hoạt động ngoại khóa và trò chơi dân gian để giúp trẻ phát triển toàn diện.
Việc tổ chức các buổi học ngoài trời không chỉ giúp trẻ tiếp xúc với thiên nhiên mà còn tạo cơ hội cho các em học hỏi, khám phá thế giới xung quanh. Nhà trường cũng quan tâm phối hợp với phụ huynh để bảo đảm cho trẻ được ăn đủ bữa, có chế độ dinh dưỡng hợp lý. "Chúng tôi không chỉ dạy trẻ kiến thức mà còn quan tâm đến sức khỏe và sự phát triển thể chất của các em” - thầy Vũ Tuấn Anh cho biết.
Đồng chí Nguyễn Minh Đức - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn cho biết: "Hiện nay, tuyến đường dẫn đến các điểm trường ở xã An Lương đang được thi công. Chúng tôi rất mong dự án sớm hoàn thiện để các thầy cô giáo yên tâm công tác, bớt đi vất vả mỗi khi đến trường”.
Hỗ trợ từ chính quyền địa phương và cộng đồng là rất cần thiết để giúp các giáo viên vượt qua khó khăn. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên mà còn giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Hành trình gieo chữ tại Trường Mầm non An Lương là câu chuyện về tinh thần vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn, là minh chứng cho tình yêu thương và sự cống hiến của các thầy, cô giáo. Nỗ lực của các thầy, cô giáo đã và đang từng ngày ươm mầm ước mơ cho các thế hệ tương lai.
Thanh Vy
Tags
Văn Chấn
An Lương
thầy giáo
cô giáo
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu ngành GD-ĐT, các địa phương chuẩn bị điều kiện để dạy 2 buổi/ngày miễn phí ở bậc tiểu học, THCS, từ năm học 2025 - 2026.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) gửi công văn đến UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về tuyển dụng, sử dụng chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.
Về chính sách tiền lương, chính sách thu hút, hỗ trợ đối với nhà giáo, có ý kiến đề nghị quy định về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo phù hợp với chủ trương và lộ trình cải cách chính sách tiền lương.
Là người đang đồng hành với học sinh lớp 12, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán (Hà Nội) chia sẻ các bí quyết ôn luyện cấp tốc môn Toán để đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.