Việt Thành: Đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/4/2011 | 3:21:25 PM

YBĐT - Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, xã Việt Thành (Trấn Yên) có trên 80% lao động nông thôn được đào tạo nghề.

Đoàn công tác của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Hải ở thôn 7, xã Việt Thành có thu nhập ổn định nhờ chăn nuôi lợn quy mô lớn.
Đoàn công tác của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Hải ở thôn 7, xã Việt Thành có thu nhập ổn định nhờ chăn nuôi lợn quy mô lớn.

Xã Việt Thành, huyện Trấn Yên có trên 800 hộ với gần 3.200 nhân khẩu, trong đó có gần 1.300 người trong độ tuổi lao động. Lực lượng lao động đông là điều kiện thuận lợi để Việt Thành phát huy có hiệu quả các tiềm năng lợi thế của địa phương.

Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, lực lượng lao động đã qua đào tạo nghề trên địa bàn xã chiếm tỷ lệ thấp, gây khó khăn trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác.

Chính vì vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xã Việt Thành rất quan tâm và xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2020.

Thực hiện Quyết định 1956/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh và huyện Trấn Yên, xã đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, các ban, ngành, đoàn thể làm thành viên, trong đó coi trọng vai trò của tổ chức hội nông dân, phụ nữ xã. Chủ động rà soát nhu cầu lao động, các ngành, nghề cần đào tạo để xây dựng kế hoạch thực hiện hợp lý, sát với tình hình thực tế tại địa phương.

Đồng thời tổ chức các hội nghị tuyên truyền về Đề án đến tất cả các thôn, bản, phân công các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ xã phụ trách thôn, bản đôn đốc, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả ngay tại cơ sở.

Qua rà soát, đánh giá tình hình lao động cho thấy, toàn xã có 1.015 lao động có việc làm, gần 250 lao động có việc làm ổn định, trong tổng số lao động có 122 lao động đã qua đào tạo nghề.

Trên cơ sở nhu cầu thực tế của người dân, trong thời gian qua, xã Việt Thành đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề của huyện, Trung tâm Dạy nghề Phú Hưng mở 5 lớp đào tạo nghề, thu hút gần 150 lao động tham gia với các ngành, nghề: trồng trọt, chế biến nông sản, chăn nuôi - thú y và may mặc.

Nhìn chung các hộ dân trong xã tham gia học nghề đều rất phấn khởi, nội dung học tập phù hợp với khả năng tiếp thu của người lao động. Thông qua các lớp đào tạo nghề, người dân đã biết áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, nhiều hộ đã xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả, mang lại thu nhập cao, như mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Đinh Văn Thức ở thôn 11, gia đình chị Nguyễn Thị Hải ở thôn 7 với quy mô từ 100 con trở lên, mô hình chăn nuôi trên 1.000 con gà của gia đình ông Nguyễn Văn Cầu ở thôn 11 đã mang lại cho gia đình thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/ năm. Nhiều học viên tham gia học lớp cắt may đã tự may quần áo và mở cơ sở may, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Được tiếp thu các kiến thức KHKT và áp dụng ngay vào thực tế nên hiệu quả của hoạt động dạy nghề mang lại rất cao. Trong chăn nuôi, người nông dân đã nắm được quy trình chăm sóc, phòng trừ các loại dịch bệnh thường xảy ra trên đàn gia súc của mình. Trong trồng trọt, người dân đã biết lựa chọn các giống cây tốt, chất lượng cao, nắm vững quy trình chế biến nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng.

Bà Lê Thị Lụa - Chủ tịch UBND xã Việt Thành đánh giá cao vai trò và sự vào cuộc tích cực của các tổ chức hội đoàn thể trong xã, nhất là Hội Nông dân. Từ việc lựa chọn địa điểm, đối tượng tham gia, ngành, nghề đào tạo đến quản lý lớp học và tham gia đánh giá chất lượng học viên sau quá trình đào tạo. Bà Lụa cho biết: “Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 xã có trên 80% lao động nông thôn được đào tạo nghề”.

Để thực hiện được mục tiêu này, xã đề nghị nên tăng mức hỗ trợ kinh phí cho người học nghề, bố trí việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2020 để thu hút người lao động tham gia học nghề.

 Chuyển đổi phương thức đào tạo nghề từ đào tạo theo năng lực sẵn có của các cơ sở đào tạo sang nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu thị trường, tập trung đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của mình.

Hà Anh

Các tin khác
Dự án

Tỉnh Yên Bái có 2 dự án đoạt giải Nhì và giải Ba Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI trong Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI, năm 2024 vừa diễn ra tại thành phố Cần Thơ.

Danh sách đơn vị được phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam tính đến tháng 5/2024.

Quang cảnh Trường THCS Quang Trung, thành phố Yên Bái

Theo Quyết định số 854 của UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành về điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh đối với Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành có nội dung điều chuyển chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 cấp THCS của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (2 lớp với 80 học sinh) sang Trường THCS Quang Trung (thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo).

Năm 2030, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu có 97% số thanh niên, thiếu niên độ tuổi 15 đến 18 tuổi có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. (Giờ học của các em học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái)

Yên Bái phấn đấu tối thiểu 60% tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông; 30% vào học giáo dục nghề nghiệp. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học đại học đạt 35%, vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 45%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục