Yên Bái giúp nông dân có nghề

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/7/2011 | 3:11:07 PM

YBĐT - Sau hơn một năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTG ngày 27/11/2009 về phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020", đến nay, tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Lớp học đan rọ tôm tại xã Tân Lập.
Lớp học đan rọ tôm tại xã Tân Lập.

Đào tạo nghề từ nhu cầu thực tế
 
Trong căn nhà của gia đình anh Trương Văn Băn, thôn Thanh Giang, xã Tân Lập, huyện Lục Yên rộn ràng tiếng cười nói của các bà, các chị. Nói chuyện, pha trò, song tay ai cũng thoăn thoắt chèn, kè từng nan nứa để sớm hoàn thành cho mình những chiếc rọ tôm. Nhìn vào khung cảnh như vậy ai cũng đoán đây là một tổ nghề sản xuất nhưng đây lại là khoá 2, lớp học đan rọ tôm do chính quyền xã tổ chức nằm trong Chương trình đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định (QĐ) 1956.

Vốn là xã thuần nông, nằm ven hồ Thác Bà, có truyền thống đan rọ tôm phục vụ đánh bắt thủy sản, không chạy theo mô hình đào tạo nghề của các xã khác, UBND xã Tân Lập nhận thấy nhu cầu học đan rọ tôm của bà con trong xã và thị trường sản phẩm này rất lớn. Từ nhu cầu thực tế, cùng kế hoạch phân bổ của huyện, chính quyền xã Tân Lập đã mở lớp học đan rọ tôm cho bà con.

Được biết, từ đầu năm 2011 đến nay, xã đã tổ chức được hai lớp học đan loại sản phẩm này. Chị Hoàng Thị Thực - "giáo viên" dạy lớp đan rọ tôm cho biết: “Lớp mình khai giảng từ 3/6 với 30 học viên là chị em đồng bào Dao trong bản. Mỗi chị em đi học không những học được cái nghề mà còn được Nhà nước hỗ trợ 15.000 đồng/người/buổi”.

Chị Thực cho biết thêm, cũng như hơn 100 hộ dân trong xã, gia đình chị vẫn làm rọ tôm vào thời gian rảnh rỗi. Công việc tưởng chừng như thêm thắt vậy thôi, nhưng mỗi tháng cũng mang về cho gia đình gần một triệu đồng. Giờ chị được xã cho đi dạy lớp, mỗi khóa học 2 tháng, bản thân chị Thực còn kiếm thêm được 9 triệu đồng nữa.

Xuất phát từ kinh nghiệm cơ sở, bên cạnh các nhiệm vụ quan trọng, tỉnh Yên Bái luôn chú trọng điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu dạy nghề cho người lao động. Ngay từ khi triển khai QĐ 1956, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Yên Bái đã tổ chức 3 lớp tập huấn nghiệp vụ điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu học nghề cho các địa phương.

Cùng với đó, đến tháng 6/2010, Yên Bái đã thí điểm xong việc điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động tại huyện Văn Yên và tiếp tục chỉ đạo, triển khai rà soát ở 8 huyện, thị xã còn lại.

Ông Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Yên Bái, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện QĐ 1956 của tỉnh Yên Bái cho biết: “Đào tạo nghề khu vực nông thôn mang tính đặc thù cao. Bên cạnh đào tạo nghề theo nhu cầu trước mắt của địa phương, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đòi hỏi phải bám sát quy hoạch, chương trình khung với những tiêu chí chọn nghề phù hợp phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, doanh nghiệp và các cơ sở có nhu cầu sử dụng lao động. Đến hết tháng 6/2011, đã có 3/9 huyện, thị xã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”.
 
Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Một trong những yếu tố quan trọng giúp Yên Bái đạt được kết quả tích cực trong việc thực hiện QĐ 1956 là nhờ sự “vào cuộc” mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị ở địa phương. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo thực hiện QĐ 1956 của tỉnh Yên Bái, trong năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 8.300 đối tượng, năm 2010, giới thiệu việc làm cho khoảng 820 lao động.

Để có kết quả đó, một trong những nhân tố quan trọng, cốt lõi là sự phối hợp, liên kết giữa nhà quản lý, nhà trường, nhà nông và nhà doanh nghiệp. Cụ thể: nhà quản lý có nhiệm vụ đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách của đề án hỗ trợ cho LĐNT tham gia học nghề, nhà trường là các trung tâm dạy nghề, các trường nghề có nhiệm vụ đào tạo các nghề theo nhu cầu, nguyện vọng của LĐNT, nhà nông là những người nông dân trong độ tuổi lao động có nhu cầu, nguyện vọng học nghề, đào tạo các nghề; nhà doanh nghiệp cung cấp đầu vào, đầu ra cho lao động khu vực nông thôn tham gia học nghề.

 Cùng với sự phối hợp trên là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT. Thực hiện QĐ 1956, UBND tỉnh Yên Bái phê đã duyệt Quy hoạch phát triển đào tạo nghề tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2020 và Đề án đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh Yên Bái đến năm 2020.

Tại các địa phương, Cấp ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Từ đó, UBND các huyện, thị xã đã xây dựng đề án đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn từ 2010 đến 2020 và chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng cục trưởng, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ,TB&XH đánh giá: “Sau hơn một năm thực hiện QĐ 1956, cả hệ thống chính trị của tỉnh Yên Bái đã thật sự vào cuộc với việc phân cấp rõ ràng trong chỉ đạo, triển khai, giám sát. Tỉnh đã có bước rà soát nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu học nghề khu vực nông thôn. Cùng với đó quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất, tài liệu cùng đội ngũ giáo viên, giảng viên phục vụ công tác giảng dạy”.

Mọi sự chuyển biến đều được minh chứng từ cơ sở, anh Lưu Mạnh Dũng - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Lục Yên cho biết: “Không như 2, 3 năm trước, Trung tâm phải chật vật xuống vận động bà con và ngay cả chính quyền xã, thôn, bản để tìm học viên hoàn thành chỉ tiêu đào tạo. Từ khi có QĐ 1956, cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc và ngay cả nhận thức của người dân cũng thay đổi vì mục tiêu chung: tạo việc làm cho bà con”.

Hoàng Ngọc

Các tin khác
Các học viên sẽ có 20% thời gian học lý thuyết và 80% thời gian thực hành. Ảnh minh họa

YBĐT - Trường Trung cấp Nghề Nghĩa Lộ (Yên Bái) vừa khai giảng 3 lớp trung cấp nghề đợt 1 năm 2011 cho 120 học viên là học sinh vừa tốt nghiệp THCS năm học 2010 - 2011; trong đó có 1 lớp trung cấp hàn và 2 lớp trung cấp may thời trang, mỗi lớp 40 học viên.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa cho biết, tuần tới sẽ trình Thủ tướng phương án hỗ trợ lao động trở về từ Libya.

Chế biến gỗ rừng trồng thu hút lao động xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên.

YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn Trấn Yên có trên 150 doanh nghiệp, hộ cá thể tham gia chế biến gỗ rừng trồng, giải quyết cho trên 1.500 lao động có việc làm và thu nhập ổn định.

Lớp học nghề may tại trung tâm dạy nghề huyện Trạm Tấu

YBĐT - Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cấp hội nông dân tỉnh Yên Bái đã phối hợp mở 31 lớp dạy nghề cho 900 hội viên nông dân về trồng trọt, chăn nuôi - thú y, chế biến lâm sản, kỹ thuật may mặc, sửa chữa điện dân dụng…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục