Phát huy vai trò Hội nông dân Yên Bái trong công tác đào tạo nghề

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/10/2011 | 9:47:13 AM

YBĐT - Đối tượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956) chủ yếu là nông dân có nhu cầu học nghề và tìm việc làm. Do vậy, để thực hiện thành công Đề án này, vai trò của hội nông dân các cấp là rất quan trọng.

Nhiều hộ gia đình hội viên nông dân ở Trấn Yên xây dựng mô hình chăn nuôi quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều hộ gia đình hội viên nông dân ở Trấn Yên xây dựng mô hình chăn nuôi quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngay sau khi có Đề án, Hội Nông dân tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội triển khai thực hiện trên địa bàn. Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách hỗ trợ học nghề và vận động hội viên tham gia học nghề. Đồng thời giao cho Trung tâm Dịch vụ Việc làm - Hội Nông dân tỉnh khảo sát nhu cầu học nghề, xây dựng kế hoạch mở các lớp truyền thông, tư vấn học nghề và dạy nghề cho hội viên nông dân.

Sau một thời gian thực hiện, 25.000 lượt hội viên nông dân các cấp được tư vấn, giới thiệu học nghề thông qua các buổi giao ban, sinh hoạt của Hội, phối hợp với các trung tâm, cơ sở dạy nghề trong tỉnh mở 60 lớp dạy nghề, thu hút gần 2.000 lượt hội viên tham gia.

Trung tâm Dịch vụ Việc làm đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề, hỗ trợ việc làm Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tổng Công ty Động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam mở 4 lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng, sửa chữa máy móc, nông cụ trong sản xuất nông nghiệp cho 225 học viên của các xã thuộc huyện: Trấn Yên, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ; 4 lớp tập huấn về: “Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của nông dân trong phòng, chống dịch cúm gia cầm” và chỉ đạo xây dựng 80 mô hình gia cầm theo hướng an toàn sinh học tại 8 xã thuộc huyện: Trấn Yên, Yên Bình và thành phố Yên Bái.

Bên cạnh đó, các cấp hội nông dân trong tỉnh còn phối hợp với phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông, trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật các địa phương mở trên 100 lớp tập huấn, hội nghị đầu bờ chuyển giao KHKT cho trên 5.000 hội viên. 9 tháng qua, các cấp hội nông dân Yên Bái đã phối hợp mở 37 lớp dạy nghề cho trên 1.100 hội viên về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi - thú y, chế biến lâm sản, kỹ thuật may mặc, kỹ thuật sửa chữa điện dân dụng...

Đề án 1956 rất khác so với những đề án đào tạo nghề trước đó. Khác không chỉ bởi quy mô đào tạo lớn hơn, kinh phí nhiều hơn mà còn khác ở việc dạy cho người nông dân những nghề mà họ muốn học có thể đáp ứng nhu cầu làm việc của họ. Theo đó, dạy nghề nông thôn cần triển khai theo mục tiêu “6 có”, đó là: có trường dạy nghề, có cơ sở vật chất, có chương trình đào tạo, có giáo viên, có chính sách cho người học và đặc biệt là có nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp.
Thông qua các lớp đào tạo nghề đã tạo điều kiện cho hội viên nông dân  tiếp thu kiến thức KHKT áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm. Nhiều hộ gia đình đã xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi hiệu quả, quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống.

Tuy nhiên, số lượng hội viên nông dân đã qua đào tạo nghề vẫn chiếm tỷ lệ thấp so với số lượng hội viên nông dân trong toàn tỉnh do nhận thức của một số hội viên còn hạn chế, điều kiện kinh tế còn khó khăn, kinh phí hỗ trợ học nghề thấp nên nhiều hội viên có nhu cầu học nghề đã không tham gia lớp học, nhất là đối với học viên là nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thêm và đó, diễn biến phức tạp của thời tiết và thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định đã tác động trực tiếp đến người nông dân khiến họ chưa thực sự yên tâm để đầu tư mở rộng sản xuất nên hiệu quả của công tác đào tạo nghề chưa cao.

Để công tác đào tạo nghề cho nông dân thực sự hiệu quả và đi vào chiều sâu, Hội Nông dân tỉnh xác định, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về công tác đào tạo nghề trong giai đoạn hiện nay; phổ biến những kinh nghiệm hay, những cách làm mới, những mô hình thành công trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân ra diện rộng…;

Hội cũng sẽ chủ động phối hợp mở rộng qui mô đào tạo cả về số lượng và ngành nghề đào tạo, đặc biệt quan tâm tới đối tượng là những nông dân mất đất nông nghiệp do bị thu hồi, nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với các cấp, các ngành, chủ động tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách liên quan đến vấn đề giải quyết đầu ra ổn định các mặt hàng nông sản để nông dân yên tâm phát triển sản xuất.

Mạnh Cường

Các tin khác

YBĐT - Huyện Văn Yên sẽ chỉ đạo Trung tâm dạy nghề tập trung đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng tăng dần tính chủ động, phát huy tính sáng tạo của người học, gắn đào tạo nghề với tạo việc làm cho người lao động để việc thực hiện Quyết định 1956 trên địa bàn mang tinh hiệu quả cao nhất.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) cho biết, tháng 9 đã có trên 7.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Đoàn thí sinh Việt Nam tại lễ khai mạc.

Diễn ra tại khu triển lãm hiện đại của thủ đô London-ExCel, Hội thi tay nghề thế giới 2012 quy tụ những người thợ giỏi nhất của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài ở 46 nội dung.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, các Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện tốt việc gắn kết 3 bên, thực hiện đủ 4 có, 4 biết trong quá trình triển khai Đề án này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục