Bàn về đào tạo nguồn nhân lực cho CNH - HĐH

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/10/2011 | 2:44:30 PM

YBĐT - Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Tỉnh ủy Yên Bái chủ trương đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất, bảo đảm cho tăng trưởng bền vững phục vụ cho CNH-HĐH.

Giáo viên hướng dẫn tại lớp sửa chữa ô tô, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái. (Ảnh: Thanh Ba)
Giáo viên hướng dẫn tại lớp sửa chữa ô tô, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái. (Ảnh: Thanh Ba)

Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, xác định mục tiêu: phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Quan điểm phát triển kinh tế cũng được Đảng ta khẳng định: phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi trọng chất lượng, năng suất, hiệu quả, chú trọng phát triển chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức.

Việc phát triển kinh tế tỉnh Yên Bái cũng phải nằm trong tổng thể phát triển chung của cả nước. Thời đại ngày nay với ba đặc điểm lớn chi phối sự phát triển của mỗi quốc gia là: khoa học công nghệ phát triển rất nhanh đã tạo ra làn sóng công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) lần thứ ba và kinh tế tri thức; toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, thúc đẩy sự phân công lao động ngày càng sâu sắc và hình thành chuỗi giá trị toàn cầu; tình hình khan hiếm tài nguyên đòi hỏi phải tìm các dạng nguyên liệu mới, nhất là năng lượng tái tạo.

Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Chính phủ đã xây dựng ba khâu đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Trong đó, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất, bảo đảm cho tăng trưởng bền vững. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, quốc gia nào xây dựng và phát huy tốt nguồn lực con người thì hoàn toàn có thể thực hiện thành công chiến lược CNH-HĐH rút ngắn. Tỉnh ủy Yên Bái chủ trương đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho CNH-HĐH là hoàn toàn đúng đắn.

Tăng trưởng kinh tế tỉnh Yên Bái những năm qua chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, nguồn nguyên liệu sẵn có và nguồn nhân công rẻ. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2006 - 2011 đạt bình quân 12,31% nhưng so với 14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc vẫn ở nhóm phát triển trung bình thấp (đứng thứ 8 về giá trị tổng sản phẩm xã hội, thứ 11 về GDP bình quân đầu người, thứ 9 về thu ngân sách, thứ 7 về tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong GDP). Thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh hiện nay còn rất nhiều hạn chế so với yêu cầu đặt ra, trong đó tập trung vào:

Nguồn nhân lực phân bổ chưa hợp lý. Năm 2010, toàn tỉnh có 480.234 người trong độ tuổi lao động (chiếm 63,87% dân số), trong đó lực lượng lao động 414.153 người. Lao động khu vực nông thôn chiếm 83% khu vực thành thị chiếm 17%. Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 73,04%, công nghiệp chiếm 9,78%, dịch vụ chiếm 17,18%; lao động khu vực kinh tế chiếm 98,4%, trong đó lao động khu vực ngoài quốc doanh chiếm 90%.

- Trình độ học vấn của nguồn nhân lực hàng năm tuy có tăng nhưng vẫn thấp hơn so với mức trung bình của cả nước và so với nhu cầu phát triển của tỉnh. Năm 2010, tỷ lệ lao động không biết chữ chiếm 12,37% (cả nước năm 2007 chỉ còn 3,8% lao động mù chữ), chưa tốt nghiệp tiểu học chiếm 7,35%; tốt nghiệp tiểu học 20,2%, tốt nghiệp trung học cơ sở chiếm 37,58%, tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm 22,24%. Như vậy, lao động mù chữ và chưa tốt nghiệp lớp 9 chiếm 77,76% số lao động.

- Trình độ chuyên môn của lao động còn hạn chế: tỷ lệ đào tạo sơ cấp nghề ngắn hạn chiếm 13,29 %, trung cấp nghề 4,18%, cao đẳng nghề 0,53%, trung cấp chuyên nghiệp 4,54%, đại học 1,94% và trên đại học 0,06%. Như vậy, lao động chưa qua đào tạo của Yên Bái chiếm 71,06%. Cơ cấu nguồn nhân lực theo chuyên môn kỹ thuật (cao đẳng và đại học trở lên - trung học chuyên nghiệp - công nhân kỹ thuật) được Tổ chức Lao động Thế giới và các nhà kinh tế cho là một tỷ lệ hợp lý là: 1 - 4 - 10, trong khi ở Yên Bái là: 1 - 1,58 - 2,4. Rõ ràng, cơ cấu nguồn lao động kỹ thuật ở Yên Bái chưa hợp lý và chưa hiệu quả.

- Hiểu biết về tin học và ngoại ngữ của lao động Yên Bái cũng rất hạn chế. Tỷ lệ biết sử dụng máy vi tính tuy chiếm trên 40% nhưng lại có tới 62% trong số đó dùng để chơi các trò chơi trên máy. Đặc biệt, số cán bộ kỹ thuật đọc tài liệu kỹ thuật bằng tiếng Anh còn rất khiêm tốn.
- Thể chất nguồn lao động của tỉnh không cao, thể hiện tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cao hơn so với mức trung bình của các tỉnh vùng Đông Bắc. Đây là yếu tố tác động không tốt đến nguồn lực sau này.

- Năng suất lao động còn thấp vì lao động chưa qua đào tạo và văn hóa thấp cũng như lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất cao; thiết bị công nghệ của các ngành công nghiệp, xây dựng còn lạc hậu.

- Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy Yên Bái khóa XVI về thu hút nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội sau 5 năm cơ bản chưa đạt được mong muốn đề ra. Tỷ lệ thu hút người có trình độ về tỉnh công tác chỉ bằng vài phần trăm so với số lao động có chất lượng cao từ Yên Bái đi các tỉnh khác.

Từ thực trạng nguồn nhân lực của Yên Bái, nếu không có những giải pháp tích cực thì khó đáp ứng được nguồn nhân lực cho CNH-HĐH. Để tạo được nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH, cần tập trung vào các giải pháp chính sau:

Một là: Trong quan điểm phát triển nguồn nhân lực, trên cơ sở mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2016 và đến năm 2020 để tính toán phát triển nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực trong giai đoạn này ngoài lao động cần cho phát triển các lĩnh vực kinh tế phải luôn nhớ rằng, đào tạo nguồn nhân lực phải đáp ứng cho CNH-HĐH và để đến năm 2020, tỉnh Yên Bái cũng sẽ trở thành hoặc tiệm cận với một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Vì vậy, trong phát triển nguồn nhân lực phải chú ý ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (quan điểm này chưa thấy thể hiện rõ ở Đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh).

Hai là: Đào tạo nguồn nhân lực phải chú ý trên tất cả các lĩnh vực: quản lý Nhà nước, quản lý doanh nghiệp, cán bộ khoa học kỹ thuật, chuyên gia và công nhân lành nghề trên các lĩnh vực. Cần tính toán đến năm 2015 và năm 2020, công nghệ thiết bị ở tỉnh đạt đến trình độ nào, nhất là về tự động hóa, tin học hóa, cơ giới hóa để có hướng đào tạo đội ngũ trên và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hiện có nhằm đáp ứng việc sử dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại cũng như đi tắt đón đầu công nghệ mới (Đề án của tỉnh chưa thể hiện rõ và mới dừng ở đào tạo cao đẳng nghề).

Ba là: Các doanh nghiệp đều đã xây dựng chiến lược phát triển, chiến lược sản phẩm, chiến lược cạnh tranh. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động đào tạo nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài của đơn vị để không bị động.

Bốn là: Tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn (kỹ năng, tính chủ động, sáng tạo, đạo đức nghề nghiệp…) cho nguồn nhân lực; chú  trọng kiến thức tin học, ngoại ngữ; phấn đấu cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, sử dụng tương đối thành thạo tiếng Anh, nhất là lĩnh vực chuyên môn của mình. Tỉnh cũng cần có kế hoạch gửi cán bộ quản lý, kỹ thuật đi tập huấn, đào tạo ở nước ngoài.

Năm là: Đầu tư trang thiết bị hiện đại cho các cơ sở đào tạo nghề, gắn chặt giữa đào tạo lý thuyết với thực hành đồng thời nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên để đáp ứng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.

Sáu là: Xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ và hoàn chỉnh trong đào tạo, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực; có chính sách đãi ngộ phù hợp cho người lao động. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy Yên Bái khóa XVI về chính sách khuyến khích thu hút nguồn nhân lực - đây là một giải pháp, con đường ngắn nhất để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đáp ứng sự nghiệp CNH-HĐH.

Nguồn nhân lực là một trong những  trụ cột chính quyết định sự thành công của mỗi quốc gia trong quá trình CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, là nhân tố đóng vai trò quan trọng tới sự phát huy các nguồn lực khác. Đào tạo nguồn nhân lực là công việc của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Trần Thi

Các tin khác
Nhiều hộ gia đình hội viên nông dân ở Trấn Yên xây dựng mô hình chăn nuôi quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

YBĐT - Đối tượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956) chủ yếu là nông dân có nhu cầu học nghề và tìm việc làm. Do vậy, để thực hiện thành công Đề án này, vai trò của hội nông dân các cấp là rất quan trọng.

YBĐT - Huyện Văn Yên sẽ chỉ đạo Trung tâm dạy nghề tập trung đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng tăng dần tính chủ động, phát huy tính sáng tạo của người học, gắn đào tạo nghề với tạo việc làm cho người lao động để việc thực hiện Quyết định 1956 trên địa bàn mang tinh hiệu quả cao nhất.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) cho biết, tháng 9 đã có trên 7.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Đoàn thí sinh Việt Nam tại lễ khai mạc.

Diễn ra tại khu triển lãm hiện đại của thủ đô London-ExCel, Hội thi tay nghề thế giới 2012 quy tụ những người thợ giỏi nhất của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài ở 46 nội dung.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục