Yên Bái nâng cao ý thức học nghề cho lao động nông thôn

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/7/2012 | 9:18:46 AM

YBĐT - Để thực hiện thành công Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, các hội đoàn thể với tinh thần quyết liệt, sát thực tế, trong đó đặc biệt quan tâm tuyên truyền, nâng cao ý thức học nghề cho LĐNT.

Chất lượng dạy nghề của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh được nâng lên từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Chất lượng dạy nghề của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh được nâng lên từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Ông Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Yên Bái đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo YBĐT. Sa đây là nội dung cuộc trao đổi:

PV: Xin ông cho biết một số nội dung chính đã tập trung thực hiện trong công tác đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp thời gian qua?


Ông Hoàng Đức Vượng: Thời gian qua, các cơ sở dạy nghề của tỉnh có nhiều đổi mới trong công tác đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp. Tập trung giảng dạy theo hướng dạy nghề gắn với kỹ năng nghề, tăng thời gian học thực hành.

Đối với dạy nghề trình độ cao (trung cấp nghề, cao đẳng nghề), các cơ sở dạy nghề đã bám sát yêu cầu của chương trình khung các môn học do Bộ LĐ,TB&XH ban hành và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế địa phương. Ở cấp độ từ sơ cấp nghề trở xuống phải thực hiện đúng yêu cầu chương trình môn học đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Từng bước thực hiện dạy nghề theo nhu cầu của người học, coi trọng hoạt động tìm việc làm cho lao động sau khi học nghề xong, thực hiện đặt hàng dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) với chủ đầu tư trực tiếp là ủy ban nhân dân cấp huyện, hạn chế tối thiểu việc dạy nghề cho LĐNT không bám sát nhu cầu thực tế địa phương, nhu cầu của người học. Trường Cao đẳng nghề Yên Bái, Trường Trung cấp nghề Nghĩa Lộ, Trường Cao đẳng nghề Âu Lạc đã có những đối tác tin cậy để hợp đồng dạy thực hành nghề.

Trong năm 2012, đã có trên 400 học sinh, sinh viên hệ cao đẳng nghề, trung cấp nghề của các trường đi thực tập tại các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương… Ở trình độ từ sơ cấp nghề trở xuống đã có trên 100 học sinh đi thực tập tại Hải Dương, Hà Nội... Tỷ lệ  học sinh có cơ hội tìm việc làm khi đã tham gia thực tập tại các xí nghiệp chiếm tới trên 80%.  

PV: Ông đánh giá như thế nào về chất lượng dạy nghề của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Yên Bái?

Ông Hoàng Đức Vượng: Theo đánh giá của ngành thì các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã cơ bản thực hiện đúng các quy định về đảm bảo chất lượng dạy nghề như: giáo viên, chương trình, giáo trình, thiết bị dạy nghề. Chúng ta đã quan tâm hơn đến chất lượng dạy nghề và coi đó là tiêu chí phấn đấu thực hiện. Người học nghề sau khi học xong đã có kỹ năng nghề. Hầu hết các mô hình thí điểm dạy nghề cho LĐNT đảm bảo chất lượng dạy nghề và hiệu quả tạo việc làm.

Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo, nhất là LĐNT có việc làm còn thấp, kỹ năng nghề của người lao động sau học nghề còn hạn chế, một số nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Người học nghề còn thiếu về kỹ năng quản lý, hạch toán sản xuất, kinh doanh…

PV: Thưa ông, nguyên nhân của tình trạng tỷ lệ LĐNT qua đào tạo có việc làm đạt thấp là gì?

Ông Hoàng Đức Vượng: Theo tôi, việc đào tạo nghề cho LĐNT còn khó khăn và tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm còn thấp là do một bộ phận người lao động chưa nhận thức đầy đủ về việc phải học nghề để góp phần khắc phục khó khăn về kinh tế gia đình. Vì thế, việc học nghề còn mang tính hình thức, hiệu quả của việc học nghề không cao.

Bên cạnh đó, phần lớn LĐNT đã qua đào tạo nghề chưa thể phát triển được sản xuất, kinh doanh vì thiếu kiến thức, kỹ năng quản lý, tổ chức sản xuất, tiền vốn, sự phối hợp tập thể... Khả năng phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh còn hạn chế, dẫn tới thu hút nhân lực còn ở mức độ thấp.

Qua kiểm tra, ở một số địa phương, quy hoạch phát triển ngành nghề chưa cụ thể, do đó, kế hoạch dạy nghề có phần chưa cụ thể và thiết thực; đội ngũ giáo viên dạy nghề, người dạy nghề còn thiếu, nhất là thiếu giáo viên dạy nghề cơ hữu ở các trung tâm dạy nghề, nhiều giáo viên dạy nghề chưa đạt chuẩn kỹ năng nghề; việc tăng thời lượng thực hành, lấy dạy thực hành là chính ở nhiều bài giảng chưa đạt yêu cầu.

PV: Theo ông, trong thời gian tới các cơ sở dạy nghề của tỉnh cần phải tập trung giải quyết những vấn đề gì để nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo nghề ?

Ông Hoàng Đức Vượng: Theo tôi, các cơ sở dạy nghề cần tiếp tục đổi mới dạy nghề theo hướng mở rộng ngành nghề theo nhu cầu của người học, học sát thực tế, học nghề phải gắn với việc làm; lấy dạy thực hành làm trọng tâm giúp người học nắm được kỹ năng nghề; bổ sung các kiến thức đơn giản về kinh doanh, quản lý tổ chức sản xuất giúp cho người lao động sau khi học nghề có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nghiệp của mình.

Các cơ sở dạy nghề cần tiếp tục đổi mới công tác quản lý dạy nghề  theo hướng hiện đại, nhanh gọn, sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, gắn nhu cầu thực tế của cấp huyện, cấp xã về dạy nghề với việc xây dựng kế hoạch của cơ sở dạy nghề. Coi trọng phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề, nâng cao trình độ về mọi mặt để dạy nghề đạt hiệu quả, đặc biệt là kỹ năng nghề, kiến thức thực tế, thí điểm thực hiện thi kỹ năng nghề trong giáo viên dạy nghề.

Tôi cho rằng, để thực hiện thành công Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, đoàn thể với tinh thần quyết liệt hơn nữa, đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức học nghề cho LĐNT. 

PV: Xin cảm ơn ông!

Hà Anh (thực hiện)

Các tin khác
Cá rô phi chết do dịch bệnh.

YBĐT - Hiện nay, một số tỉnh trong khu vực có xuất hiện bệnh trên cá rô phi do vi khuẩn Streptococcus sp, Acinetobacter sp và Aeromonas sp làm cá chết hàng loạt, trong đó có tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Thực hiện đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dạy nghề huyện Văn Yên (Yên Bái) đã tổ chức đào tạo và phối hợp đào tạo nghề cho 216 lao động.

Phân bón hữu cơ vi sinh được tạo ra từ rơm, rạ kết hợp với chế phẩm sinh học.

YBĐT - Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên (Yên Bái) vừa đưa vào ứng dụng mô hình sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm, rạ và các phụ phẩm nông nghiệp khác.

Vụ trưởng Vụ Dân số lao động thuộc Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Xuân Mai cho biết, 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,29%; trong đó khu vực thành thị là 3,62% và khu vực nông thôn là 1,65%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục