17 công việc được cho thuê lại lao động
- Cập nhật: Thứ bảy, 25/5/2013 | 8:34:49 AM
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 54 của Bộ luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động. Theo đó, có 17 công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.
17 công việc được thực hiện cho thuê lại lao động gồm: 1- Phiên dịch/ Biên dịch/ Tốc ký; 2- Thư ký/Trợ lý hành chính; 3- Lễ tân; 4- Hướng dẫn du lịch; 5- Hỗ trợ bán hàng; 6- Hỗ trợ dự án; 7- Lập trình hệ thống máy sản xuất; 8- Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông; 9- Vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất; 10- Dọn dẹp vệ sinh toà nhà, nhà máy; 11- Biên tập tài liệu; 12- Vệ sĩ/Bảo vệ; 13- Tiếp thị/Chăm sóc khách hàng qua điện thoại; 14- Xử lý các vấn đề tài chính, thuế; 15- Sửa chữa/Kiểm tra vận hành ô tô; 16- Scan, vẽ kỹ thuật công nghiệp/Trang trí nội thất; 17- Lái xe.
Việc cho thuê lại lao động nhằm đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhân lực trong khoảng thời gian nhất định; thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân hoặc giảm bớt thời giờ làm việc; có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.
Thời hạn cho thuê lại lao động tối đa không quá 12 tháng.
Khi hết thời hạn nêu trên, doanh nghiệp cho thuê không được tiếp tục cho thuê lại người lao động với bên thuê lại mà người lao động thuê lại vừa hết thời hạn cho thuê lại.
4 trường hợp không được cho thuê lại lao động
Theo Nghị định, có 4 trường hợp không được cho thuê lại lao động:
1- Doanh nghiệp đang xảy ra tranh chấp lao động, đình công hoặc để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động.
2- Doanh nghiệp cho thuê không thoả thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với bên thuê lại lao động.
3- Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp hoặc vì lý do kinh tế.
4- Cho thuê lao động để làm các công việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, trừ trường hợp người lao động đó đã sinh sống tại khu vực trên từ đủ 3 năm trở lên; công việc cho thuê lại lao động nằm trong Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải ký quỹ 2 tỷ đồng
Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải nộp tiền ký quỹ là 2 tỷ đồng tại ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp cho thuê mở tài khoản giao dịch chính.
Tiền ký quỹ được sử dụng để thanh toán tiền lương hoặc bồi thường cho người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp cho thuê vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại.
Nghị định nêu rõ, nghiêm cấm doanh nghiệp cho thuê lại lao động trả tiền lương và chế độ khác cho người lao động thuê lại thấp hơn so với nội dung đã thoả thuận với bên thuê lại lao động; thu phí đối với người lao đông thuê lại hoặc thực hiện việc cho thuê lại mà không có sự đồng ý của người lao động...
Còn bên thuê lại lao động cũng không được thu phí đối với người lao đông thuê lại; không được cho người sử dụng lao động khác thuê lại người lao động đã thuê.
(Theo Chinhphu)
Các tin khác
Ngày 21.5, Hiệp hội Xuất khẩu lao động (XKLĐ) VN và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) công bố kết quả xếp hạng 20 doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực XKLĐ năm 2012.
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên tới 100 triệu đồng; người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS có thể phải ký quỹ để hạn chế tình trạng bỏ trốn.
Sau 3 năm triển khai (2010-2012), hiệu quả của Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) đã thể hiện rõ nét với hơn 1 triệu người lao động được học nghề và hơn 770.000 người trong số đó có việc làm mới hoặc tiếp tục nghề cũ với thu nhập cao hơn.
YBĐT - Trong những năm gần đây, huyện Văn Yên (Yên Bái) tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ. Hiện, trên địa bàn đã hình thành các khu, cụm công nghiệp như: cụm công nghiệp phía tây cầu Mậu A, cụm công nghiệp xã Đông An...