4 triệu USD để Việt Nam cải thiện quan hệ lao động
- Cập nhật: Thứ sáu, 31/5/2013 | 1:48:37 PM
Ngày 31/5, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã khai trương dự án “Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, cơ chế xác định tiền lương, năng lực và các thể chế thực thi pháp luật lao động ở Việt Nam."
(Ảnh minh họa: TTXVN)
|
Dự án kéo dài bốn năm từ 2013-2016 và trị giá khoảng 4 triệu USD. Đây là dự án ODA không hoàn lại nhằm mục đích hỗ trợ Việt Nam triển khai thực hiện hiệu quả bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn sửa đổi, phát triển quan hệ lao động tại Việt Nam.
Các nội dung chính của dự án gồm: Thúc đẩy đào tạo nâng cao nhận thức đề các điều luật, quy định mới; cải thiện khả năng của công đoàn tại các doanh nghiệp; hỗ trợ việc xây dựng hệ thống xác định tiền lương tối thiểu mới và thúc đẩy thương lượng tập thể.
Tại buổi lễ khai trương dự án, ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO Việt Nam nhấn manh: “Pháp luật lao động mới tạo nền tảng pháp lý vững chắc giúp Việt Nam cải thiện quan hệ giữa người chủ sử dụng lao động và người lao động, giải quyết các vấn đề còn tồn tại dai dẳng tại nơi làm việc. Thế nhưng, làm thế nào để triển khai luật hiệu quả là một thử thách còn khó khăn hơn quá trình xây dựng luật.”
Theo ông Gyorgy Sziraczki, sự tham gia của chính quyền, các tổ chức đại diện người sử dụng lao động, người lao động từ cấp trung ương đến địa phương là “chìa khóa dẫn tới thành công” trong quá trình thực thi bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn sửa đổi.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhận định, quan hệ lao động được cải thiện một cách thực chất, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan sẽ giúp tạo dựng một môi trường đầu tư lành mạnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội.
Bộ Luật Lao động (có hiệu lực từ 1/5/2013) và Luật Công đoàn (có hiệu lực từ 1/1/2013) sửa đổi sẽ tạo nên những thay đổi quan trọng liên quan tới quan hệ lao động. Quyền của người lao động được quy định cụ thể, vai trò trách nhiệm của công đoàn cấp trên được nâng cao.
Đồng thời, những quy định mới được bổ sung cũng sẽ nâng cao hiệu quả của đối thoại, thương lượng tập thể tại nơi làm việc. Vai trò trung gian, hòa giải của Chính phủ nhằm giải quyết hiệu quả tranh chấp lao động và ngăn ngừa đình công tự phát trong thời gian tới cũng cần được cải thiện.
Theo ông Yoon Youngmo, Cố vấn trưởng dự án quan hệ lao động Việt Nam (ILO) thì các hòa giải viên của Chính phủ sẽ phải chủ động hơn, giám sát các “điểm nóng” đình công chặt chẽ hơn và tham gia và quá trình thương lượng tập thể từ những giai đoạn đầu tiên, khi đó, số lượng đình công tự phát sẽ giảm đáng kể và cả doanh nghiệp và người lao động đều được hưởng lợi từ điều này.
“Công việc của hòa giải viên lao động đóng vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng và phát triển quan hệ lao động trên thế giới,” ông Yoon Youngmo nói./.
Trong suốt 11 năm qua, ILO đã triển khai ba dự án về quan hệ lao động vào các năm 2002, 2006 và 2009. Các giai đoạn trước, dự án quan hệ lao động đã hộ trợ Chính phủ trong quá trình sửa đổi Luật Lao động và Luật Công đoàn. Dự án quan hệ lao động năm 2013 là dự án thứ tư ILO phối hợp với Việt Nam triển khai. Trong dự án mới này, ILO sẽ hỗ trợ các đối tác ba bên gồm Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động trong bối cảnh thực hiện Luật Lao động và Luật Công đoàn sửa đổi. |
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 54 của Bộ luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động. Theo đó, có 17 công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.
Ngày 21.5, Hiệp hội Xuất khẩu lao động (XKLĐ) VN và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) công bố kết quả xếp hạng 20 doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực XKLĐ năm 2012.
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên tới 100 triệu đồng; người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS có thể phải ký quỹ để hạn chế tình trạng bỏ trốn.
Sau 3 năm triển khai (2010-2012), hiệu quả của Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) đã thể hiện rõ nét với hơn 1 triệu người lao động được học nghề và hơn 770.000 người trong số đó có việc làm mới hoặc tiếp tục nghề cũ với thu nhập cao hơn.