Nâng cao sức mạnh phòng thủ
Thượng tá Nguyễn Văn Bách, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 189 cho biết: Ngày 17-9-2010, Tư lệnh Hải quân ký quyết định thành lập Đoàn 189 Tàu ngầm, tiền thân của Lữ đoàn Tàu ngầm 189 ngày nay. Ngày 20-6-2011, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký ban hành Quyết định số 2180-quyết định thành lập Lữ đoàn Tàu ngầm 189 trực thuộc Quân chủng Hải quân.
Với đội hình 6 tàu ngầm lớp Kilo 636 hiện đại bậc nhất thế giới, sức mạnh phòng thủ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đã được nâng lên gấp bội. Đây cũng là dấu mốc lịch sử của lộ trình xây dựng Hải quân, Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện đại; là một minh chứng cho sự quan tâm sâu sắc, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Thi đấu các môn thể thao quân sự trong ngày Tết.
Trong nhiều năm qua, những thách thức to lớn, tiềm tàng đối với an ninh, chủ quyền, lợi ích của Việt Nam trên biển đã đặt ra yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, nặng nề hơn với Quân chủng Hải quân. Tại lễ thượng cờ 2 tàu ngầm 186 Đà Nẵng và 187 Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam: Chúng ta phải thấm nhuần sâu sắc giá trị thiêng liêng chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, nhận thức đúng đắn chủ trương hiện đại hóa Hải quân. Phát triển lực lượng tàu ngầm hiện đại là hoạt động bình thường của những quốc gia có biển, không phải là chạy đua vũ trang mà là thực thi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong mọi tình huống.
Kỷ luật thép, ý chí thép, tinh thần thép
9 giờ ngày 2-6-2017, lần đầu tiên trong lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam, quả tên lửa được phóng đi từ tàu ngầm bắn trúng mục tiêu, ghi dấu mốc đầy tự hào với cán bộ, thủy thủ Tàu 182 Hà Nội. Ngay sau thành tích xuất sắc này, Tàu 182 được Bộ Quốc phòng và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Theo cán bộ, thủy thủ Tàu 182: Bắn tên lửa đối hải dưới lòng biển là nhiệm vụ khó khăn nhất đối với tàu ngầm. Ở Việt Nam chưa từng có tiền lệ. Trong khi việc chuẩn bị bắn của tàu không có sự giúp đỡ của chuyên gia Nga. Thủy thủ tàu ngầm phải hoạt động trong không gian hẹp, đòi hỏi tính độc lập, tự chủ, quyết đoán của mỗi người rất cao và sự phối hợp ăn ý của toàn tàu. Mỗi thủy thủ tàu ngầm như một mắt xích, chỉ cần một mắt xích rời ra là ảnh hưởng tới sự an nguy của cả con tàu. Do đó, tinh thần kỷ luật của thủy thủ tàu ngầm trong cả quá trình khai thác và sử dụng VKTB là "kỷ luật thép, ý chí thép, tinh thần thép”.
Trong ký ức của những người lính tàu ngầm khi còn học ở nước Nga, ngoài những buổi học căng thẳng về kỹ thuật tàu còn có những buổi học để tôi luyện tinh thần thép: Đấu tranh bảo vệ sức sống tàu. Đó là những buổi học gian khổ và nguy hiểm. Học viên phải tập thoát hiểm qua ống ngư lôi trong tình huống tàu gặp sự cố, tập các phương án chống cháy, chống chìm. Tất cả phải cực kỳ tập trung, phối hợp nhịp nhàng, nắm chắc kiến thức và nỗ lực tập thể cao nhất, bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng không thể thực hành an toàn, chính xác.
Đội quân được tin tưởng đặc biệt
Trong quá trình huấn luyện, các chuyên gia Nga luôn đánh giá cao trách nhiệm, quyết tâm, bản lĩnh, lòng can đảm, sự ham học hỏi và khả năng tiếp thu cũng như sức bền của thủy thủ tàu ngầm Việt Nam. Họ khẳng định những kíp tàu ngầm Việt Nam đủ khả năng giải quyết nhiệm vụ độc lập trên biển. Việc các chuyên gia Nga không có mặt của trong lần phóng tên lửa của Tàu ngầm 182 là một minh chứng cho sự tin tưởng đặc biệt này.
Thủy thủ tàu ngầm rèn luyện sức khỏe ngay cả trong những ngày Tết.
Trong quá trình khai thác, sử dụng tàu hiện tại, yêu cầu huấn luyện, tác nghiệp với thủy thủ tàu ngầm ngày càng cao. Các kíp tàu phải thực sự tinh nhuệ, dũng cảm; huấn luyện chiến đấu, hiệp đồng chiến đấu thực sự an toàn, hiệu quả. 10 năm qua, tàu của Lữ đoàn đã hoàn thành xuất sắc hàng chục chuyến đi biển với hàng trăm ngày hoạt động, hành trình hàng vạn hải lý tại tất cả các vùng biển của Việt Nam với hàng nghìn giờ lặn. Các tàu đã làm chủ các độ sâu khác nhau trong lòng biển. Yêu tàu, yêu biển, gắn bó với đơn vị là động lực để thủy thủ tàu ngầm Việt Nam vượt qua mọi thử thách. Mang trong mình hồn thiêng sông núi, tình yêu Tổ quốc, quê hương, những chàng trai khỏe mạnh, hiền lành từ mọi miền quê đã có mặt ở đội quân đoàn kết đặc biệt, kỷ luật đặc biệt, bí mật đặc biệt, được tin tưởng đặc biệt, sẵn sàng biến những con tàu thành những kình ngư khi giáp trận với quân thù.
Đại tá Nguyễn Văn Quán, Chính ủy Lữ đoàn cho biết: "Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 189 luôn xác định xây dựng yếu tố con người là yếu tố trung tâm, quyết định kết quả, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ. Đến nay, khẩu hiệu hành động: "Vinh dự-trách nhiệm, lịch thiệp-kỷ cương, đoàn kết-khiêm nhường, kiên cường-quyết thắng" đã trở thành nét văn hóa đặc thù của thủy thủ tàu ngầm, được biểu hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống và trở thành niềm tự hào của mọi cán bộ, thủy thủ Lữ đoàn Tàu ngầm 189 Hải quân”.
Hậu phương của những pháo đài
Tại Căn cứ quân sự Cam Ranh có một khu vực đặc biệt-khu chung cư dành cho gia đình cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Hải quân. Ở đây, ngày thường chỉ có các ông, bà từ mọi miền quê vào hỗ trợ con gái, con dâu chăm cháu; còn lại là những người vợ lính.
Thủy thủ tàu ngầm gói bánh chưng.
Làm vợ lính có nghĩa là người vợ phải chủ động mọi việc từ chăm lo cho con cái, gia đình nội ngoại hai bên đến giỗ chạp, cưới xin, tết nhất… Làm vợ lính đảo xa có nghĩa là biền biệt hàng năm trời xa cách, vợ tập làm bố với con thay chồng; vợ trở nên tháo vát hơn với những công việc cần cơ bắp như sửa giường, sửa tủ, sửa đường ống nước.
Làm vợ lính tàu ngầm nghĩa là cả tuần, cả tháng có thể chồng vợ được gặp nhau một vài ngày nhưng cả hai đều phải luôn sẵn sàng tâm thế "báo động, lên đường”. Đã thế, vợ lại còn không thể hỏi chồng đi đâu, làm gì, bao giờ về, chỉ có sự hình dung về một con tàu đang lặn dưới độ sâu hàng trăm mét và nỗi lo đến thắt lòng của người ở lại. Để rồi, vượt qua tất cả, những người phụ nữ ngày càng trở nên kiên cường, tháo vát, dũng cảm để đảm đương vai trò vừa là mẹ, vừa là bố trong nhà.
"Chúng tôi luôn ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”-Trung tá Nguyễn Đức Tường, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 189 chia sẻ-Chúng tôi rất tự hào vì số hiệu mỗi con tàu của Lữ đoàn đều được gắn liền với một địa danh thân thương của đất nước. Chúng tôi càng tự hào hơn khi đằng sau mỗi cán bộ, thủy thủ tàu ngầm ấy là cả một hậu phương vững chắc. Mỗi chuỗi ngày đi biển là một chuỗi ngày thử thách nhưng đó cũng là thời gian mỗi người lính tàu ngầm ngẫm lại những gì đã qua để khi trở về với gia đình có những bù đắp tình cảm thật xứng đáng, nhân văn”.