Ngày hội lớn
Với người Tày ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, ngày Tết Độc lập đã được địa phương duy trì tổ chức thành lễ hội với quy mô toàn xã từ nhiều đời nay. Đây không chỉ đơn thuần là một ngày lễ trong năm, mà còn là dịp để gia đình, ông bà, con cháu quây quần, đoàn tụ. Với những ai đi xa, đây cũng là dịp để hội ngộ, sum vầy. Bởi vậy, vào ngày này, bà con trong vùng thường tổ chức ăn tết không kém gì ngày tết cổ truyền của dân tộc.
Chị Hoàng Thị Giang Nhiên ở thôn Noong Tài, xã Thượng Bằng La cho biết: "Trong mâm cơm cúng tổ tiên của người Tày vào ngày này không thể thiếu bánh uôi. Những chiếc bánh uôi được làm từ gạo nếp với nhân đường và vừng, gói bằng lá chuối, khi ăn có vị mát ngọt thanh của đường và vị thơm béo ngậy của vừng”.
Tạm gác lại những lo toan của cuộc sống, đồng bào Tày ở xã Thượng Bằng La ngồi quây quần bên mâm cơm ấm cúng trong ngày Tết Độc lập để cùng ôn lại những câu chuyện của quá khứ, chia sẻ với nhau những dự định trong tương lai.
Ngoài phần lễ, đồng bào nơi đây còn được tham gia nhiều hoạt động thể thao, văn nghệ, vui chơi giải trí hấp dẫn, sôi nổi. Ở các thôn, công tác tuyển chọn các vận động viên đã diễn ra từ nhiều ngày trước đó, sẵn sàng đội hình để giao lưu thi đấu, tạo không khí tưng bừng, phấn khởi vào dịp 2/9.
Đến với Mù Cang Chải thời điểm này, đâu đâu cũng có thể cảm nhận được không khí háo hức của đồng bào Mông vui đón Tết Độc lập. Tết Độc lập thường được huyện Mù Cang Chải tổ chức từ 29/8 đến ngày 2/9. Trong dịp này, từ các bản làng xa xôi xuôi về trung tâm thị trấn, nhà nhà ai cũng nô nức đi chợ phiên và tham gia các trò chơi, lễ hội dân gian.
Sự no ấm thể hiện ngay trong mỗi gia đình và trên từng gương mặt người dân. Những phụ nữ Mông cả năm dệt vải, nhuộm chàm và thêu áo chỉ để chờ đợi đến Tết Độc lập được xúng xính khoác lên mình bộ váy áo sặc sỡ. Mọi hoạt động lao động đều được chờ qua ngày 2/9 mới tiếp tục tính toán, lo toan cho đến năm mới.
Đặc biệt, những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, ngành, đồng bào Mông ở Mù Cang Chải được tổ chức nhiều hoạt động vui chơi trong dịp Tết Độc lập tại trung tâm thị trấn. Sắc cờ đỏ thắm kỷ niệm ngày Tết Độc lập 2/9 hòa cùng sắc màu rực rỡ từ trang phục của đồng bào Mông đã dệt nên bức tranh vùng cao tươi mới.
Ông Giàng A Hờ ở xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải phấn khởi bày tỏ: "Quốc khánh là ngày hội lớn, nên sau khi tham gia các hoạt động tại trung tâm huyện về, đúng ngày 2/9, người dân trong bản sẽ tiếp tục tổ chức ăn mừng. Ai nấy cũng đều cảm thấy vui mừng và phấn khởi vì cuộc sống ngày một ấm no. Cảm ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm!”.
Trân quý giá trị độc lập
Có lẽ ít ở đâu có được một ngày Tết Độc lập ý nghĩa gắn với niềm vui của cả dân tộc như ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. Theo các cụ cao niên kể lại, sau Cách mạng Tháng Tám, khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, nhân dân ở Thượng Bằng La đã đón thêm một cái tết mới là Tết Độc lập mừng ngày Quốc khánh 2/9. Tết Độc lập cũng là ngày hội mừng cho nhân dân ở vùng đất này đã thoát khỏi cơ cực, lầm than dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.
Ông Hoàng Đình Mưu - Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La cho biết: "Bà con mình thực sự trân trọng giá trị của độc lập tự do mà Đảng, Bác Hồ và cha ông mang lại, nên cứ vào ngày Quốc khánh mùng 2/9 hàng năm lại tưng bừng đón Tết Độc lập. Nhà nào cũng chuẩn bị mâm cơm, gói bánh cổ truyền dâng lên bàn thờ tổ tiên có treo ảnh Bác Hồ - nơi trang trọng nhất để nhớ mãi mùa thu độc lập ấy và cầu mong ấm no hạnh phúc đến với mỗi nhà".
"Để bà con đón tết thêm vui, Đảng ủy, chính quyền xã chỉ đạo các thôn tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao… tại các nhà văn hóa thôn. Hiểu được giá trị của độc lập, tự do, người dân trong xã tập trung phát triển kinh tế nông lâm nghiệp phát huy thế mạnh về đất đai, quyết tâm xây dựng quê hương Thượng Bằng La ngày càng giàu mạnh” - ông Mưu nói.
Các chàng trai, cô gái Mông xúng xính sắc màu váy, áo trong ngày Tết Độc lập.
Cũng như nhiều gia đình người Mông ở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, để chuẩn bị cho ngày Tết Độc lập, anh Sùng A Phung đã cùng với các thành viên trong gia đình dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị gà đồi, lợn bản, rau rừng và cùng giã bánh dày… để đón con cháu ở nơi xa về ăn Tết Độc lập.
Anh Phung chia sẻ: "Vào ngày này hàng năm, các thành viên trong gia đình đều sum vầy tại nhà trưởng họ cùng nhau sửa soạn bàn thờ Bác Hồ, treo cờ Tổ quốc và quây quần bên bữa cơm đoàn viên vui vẻ”. Câu chuyện Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa luôn được gia đình anh Phung truyền đạt lại cho các thành viên vào dịp này để nhắc nhớ và giáo dục con cháu về khí thế hào hùng trong ngày Quốc khánh 2/9 trọng đại của dân tộc.
Sau khi nghe câu chuyện, em Giàng A Châu xúc động nói: "Lịch sử lùi xa, nhưng giá trị của độc lập lại càng được khẳng định. Qua những bài học, qua những câu chuyện kể lại, chúng em đã hiểu hơn được giá trị của tự do, độc lập, hiểu hơn nữa công sức của cha ông ta để từ đó cố gắng học tập thật tốt, trở thành người công dân có ích, góp sức xây dựng quê hương, đất nước”. Ông Sùng Thành Công - Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha cho biết: "Trước đây, khi cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, việc tổ chức ăn Tết Độc lập của người Mông còn đơn giản. Nhưng ngày nay, khi cuộc sống ấm no đang hiện hữu trong từng mái nhà, việc tổ chức ăn tết trong dịp 2/9 ngày càng chu đáo và đầy đủ hơn”.
Năm nay, để chuẩn bị cho ngày Tết Độc lập, huyện Mù Cang Chải đã ban hành kế hoạch từ rất sớm với nhiều hoạt động sổi nổi, hấp dẫn như: văn hóa, văn nghệ, thể thao dân tộc, các trò chơi dân tộc. Cùng đó, người dân, du khách được tham quan, trải nghiệm các gian hàng trưng bày sản phẩm nông - lâm sản của địa phương như: thổ cẩm, trang sức truyền thống, hàng lưu niệm, rượu thóc, táo mèo, các gian hàng ẩm thực của người Mông, người Thái…; tham gia các cuộc thi mang đậm nét văn hóa truyền thống như: vẽ hoa văn bằng sáp ong, thi giã bánh dày, thi giã cốm…
Ông Trịnh Thế Bình - Trưởng phòng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết: Các hoạt động chào mừng Tết Độc lập tạo nên không khí ngày hội lớn vui tươi, phấn khởi, có ý nghĩa đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, góp phần động viên đồng bào thi đua lao động sản xuất, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện và của tỉnh.
"Đây cũng là hoạt động mở màn cho Lễ đón nhận Bằng ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái" là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò; Khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 24/9 tới đây” - ông Bình thông tin.
Niềm vui trong ngày Tết Độc lập, sự ấm no, hạnh phúc hôm nay luôn là động lực để nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đoàn kết, vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Thu Trang