Các nghị quyết thông qua tại kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khoá XVII

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/2/2012 | 9:59:34 AM

YBĐT - Tại kỳ họp thứ 3 - HĐND tỉnh Yên Bái khoá XVII đã quyết định nhiều nội dung quan trọng về phát triển KT-XH năm 2012 và những năm tiếp theo của tỉnh Yên Bái. Đây là những nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, làm căn cứ để các cấp, các ngành xây dựng chương trình, kế hoạch, chỉ đạo, điều hành thực hiện. 

Đến năm 2015, Yên Bái phấn đấu kiên cố hóa 400 km và mở mới 500 km đường thôn bản. (Ảnh: Thanh Thủy)
Đến năm 2015, Yên Bái phấn đấu kiên cố hóa 400 km và mở mới 500 km đường thôn bản. (Ảnh: Thanh Thủy)

1. Nghị quyết số 29/2011/NQ-HĐND ngày 21 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về việc giao chỉ tiêu kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách Nhà nước năm 2012 - nguồn vốn ngân sách địa phương.

Theo Nghị quyết này, tổng vốn đầu tư phát triển là 295.284 triệu đồng, trong đó: Vốn đầu tư trong cân đối theo tiêu chí: 201.000 triệu đồng; hỗ trợ doanh nghiệp công ích: 1.000 triệu đồng; từ nguồn thu tiền sử dụng đất: 80.000 triệu đồng; từ nguồn thu xổ số kiến thiết: 13.000 triệu đồng; từ nguồn thu từ hoạt động chống buôn lậu do Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện: 284 triệu đồng.

Phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển là 295.284 triệu đồng, trong đó: Trả nợ vốn vay ưu đãi Ngân hàng Phát triển Việt Nam: 32.000 triệu đồng; trả nợ Kho bạc Nhà nước là: 50.000 triệu đồng; hỗ trợ doanh nghiệp công ích: 1.000 triệu đồng; trích nguồn thu sử dụng đất để thành lập quỹ phát triển đất: 24.000 triệu đồng; trích để lại từ nguồn thu tiền sử dụng đất để thực hiện công tác đo đạc, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: 8.000 triệu đồng (trong đó: tỉnh: 3.800 triệu đồng, thành phố Yên Bái: 2.000 triệu đồng, thị xã Nghĩa Lộ: 300 triệu đồng, huyện Trấn Yên: 205 triệu đồng, huyện Yên Bình: 500 triệu đồng, huyện Văn Yên: 500 triệu đồng, huyện Lục Yên: 500 triệu đồng, huyện Văn Chấn: 150 triệu đồng, huyện Trạm Tấu: 30 triệu đồng, huyện Mù Cang Chải: 15 triệu đồng); chi xây dựng cơ bản: 180.284 triệu đồng (bao gồm: từ nguồn vốn đầu tư trong cân đối theo tiêu chí: 119.000 triệu đồng; từ nguồn thu tiền sử dụng đất: 48.000 triệu đồng; từ nguồn thu xổ số kiến thiết: 13.000 triệu đồng; từ nguồn thu từ hoạt động chống buôn lậu do Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện: 284 triệu đồng), trong đó: nguồn vốn ổn định trong cân đối; nguồn vốn sử dụng đất của các huyện, thị xã, thành phố theo phân cấp: 100.238 triệu đồng. Vốn bố trí cho các dự án của các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và hỗ trợ bổ sung cho các dự án của các huyện, thị xã, thành phố: 80.046 triệu đồng.

2. Nghị quyết số 32/2011/NQ-HĐND ngày 21 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái phê chuẩn tổng quyết toán thu, chi ngân sách địa phương tỉnh Yên Bái năm 2010.

- Tổng thu ngân sách địa phương: 4.143.569.475.907 đồng.

- Tổng chi ngân sách địa phương: 4.041.147.283.468 đồng.

- Chênh lệch thu, chi ngân sách địa phương: 102.422.192.439 đồng, trong đó: ngân sách cấp tỉnh là: 72.501.451.554 đồng; ngân sách cấp huyện: 23.472.523.621 đồng; ngân sách cấp xã: 6.448.217.264 đồng.

- Phần kết dư ngân sách địa phương năm 2010 chuyển sang năm 2011 là: 102.422.192.439 đồng, được sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

- Giao cho ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục tổ chức và có giải pháp tích cực thực hiện việc thu hồi nộp vào ngân sách địa phương tại những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sau: Chi cục Thuế thành phố Yên Bái (tiền sử dụng đất của một số hộ dân phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái) 1.986.228.500 đồng; Trường Trung học Kinh tế 40.086.000 đồng; Công ty Quyết Tiến tỉnh Lào Cai 136.000.000 đồng;  Công ty cổ phần Chè Minh Thịnh 2.500.000.000 đồng; Công ty Yên Thành 745.420.000 đồng; Công ty Chè đặc sản Nghĩa Lộ 550.000.000 đồng; Công ty cổ phần Chè Văn Hưng 1.335.253.000 đồng; Công ty cổ phần Xây lắp và Sản xuất công nghiệp Yên Bái 650.000.000 đồng; Công ty Vật tư Tổng hợp Cửu Long Vinashin (Công ty Vật tư Nông nghiệp) 3.010.533.000 đồng.

3. Nghị quyết số 33/2011/NQ-HĐND ngày 21 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2012; sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND ngày 29 tháng 10 năm 2010 và Nghị quyết số 10/2010/NQ-HĐND ngày 29 tháng 10 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

* Về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2012:

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 1.100.000 triệu đồng.

- Thu ngân sách địa phương: 4.331.028 triệu đồng, bao gồm: thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp:  1.076.905 triệu đồng; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương: 3.233.408 triệu đồng; thu phản ánh qua ngân sách (bao gồm: thu phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông, thu chống lậu, thu phí chợ, phí vệ sinh môi trường):  20.715 triệu đồng.

- Chi ngân sách địa phương: 4.331.028 triệu đồng, trong đó: chi đầu tư phát triển: 918.948 triệu đồng; chi thường xuyên: 3.249.993 triệu đồng; dự phòng ngân sách: 92.470 triệu đồng; chi bổ sung Quỹ Dự trữ tài chính: 1.200 triệu đồng; chi cải cách tiền lương 2012 từ 50% số tăng thu (không kể tăng thu tiền sử dụng đất): 47.703 triệu đồng; chi từ nguồn thu phản ánh qua ngân sách: 20.715 triệu đồng. Riêng dự toán chi Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ được thực hiện phân bổ khi có quyết định giao vốn của Trung ương.

- Phân bổ dự toán chi của ngân sách cấp tỉnh năm 2012 là: 2.171.158 triệu đồng (chưa bao gồm số bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh cho ngân sách cấp huyện), trong đó: chi đầu tư phát triển: 814.148 triệu đồng; chi thường xuyên: 1.244.973 triệu đồng; chi bổ sung Quỹ Dự trữ tài chính: 1.200 triệu đồng; chi dự phòng của ngân sách cấp tỉnh: 58.905 triệu đồng; chi cải cách tiền lương 2012 từ 50% số tăng thu (không kể tăng thu tiền sử dụng đất): 42.933 triệu đồng; chi từ nguồn thu phản ánh qua ngân sách: 9.000 triệu đồng.

- Chi bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh cho ngân sách cấp huyện: 1.667.521 triệu đồng, trong đó: bổ sung cân đối 1.530.171 triệu đồng; bổ sung có mục tiêu 137.350 triệu đồng.

* Bổ sung vào Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND ngày 29 tháng 10 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách địa phương năm 2011 (năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách địa phương, giai đoạn 2011 - 2015), nội dung sau:

- Thí điểm quy định về phân cấp công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp Trung ương, doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn tỉnh, trong đó: cấp tỉnh quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có từ 51% vốn Nhà nước trở lên; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đơn vị sự nghiệp có thu thụ hưởng ngân sách cấp tỉnh và các doanh nghiệp, dự án đầu tư nằm trong Khu công nghiệp phía Nam và Khu công nghiệp Minh Quân. Cấp huyện quản lý thuế đối với các doanh nghiệp Trung ương, doanh nghiệp địa phương còn lại nhưng vẫn giữ nguyên tỷ lệ phần trăm (%) phân chia số thu trong dự toán được tỉnh giao của các doanh nghiệp Trung ương, doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho ngân sách cấp tỉnh hưởng theo đúng quy định tại Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND và thực hiện phân chia số tăng thu so với dự toán được tỉnh giao của các doanh nghiệp này như sau: ngân sách cấp tỉnh được hưởng 60% số tăng thu; ngân sách cấp huyện được hưởng 40% số tăng thu.

- Bổ sung quy định đối với trường hợp các huyện, thị xã, thành phố có biến động lớn đột biến, cục bộ về nguồn thu của ngân sách cấp xã và khi thực hiện tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu theo Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND bị mất cân đối thu, chi ngân sách xã, hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định điều chỉnh, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi đã phân cấp cho cấp xã tại Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND cho phù hợp, trong đó ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo phân cấp. Trường hợp sau khi điều chỉnh, sắp xếp lại nhiệm vụ chi mà vẫn bị mất cân đối ngân sách lớn (thu được hưởng theo phân cấp vượt từ 20% trở lên so với tổng dự toán chi trong cân đối ngân sách xã), các huyện, thị xã, thành phố báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh để thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, cho phép điều chỉnh lại tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách cấp huyện và ngân sách xã cho phù hợp theo nguyên tắc chỉ được điều chỉnh đối với khoản thu có biến động của xã bị mất cân đối ngân sách.

* Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 10/2010/NQ-HĐND ngày 29 tháng 10 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2011 với nội dung như sau:

Sửa đổi định mức phân bổ dự toán chi hoạt động thường xuyên theo tiêu chí biên chế của đài truyền thanh cấp huyện (bao gồm cả chi cho con người và chi hoạt động thường xuyên khác) quy định tại Tiết a, Điểm 2.6, Khoản 2, Điều 1 Nghị quyết số 10/2010/NQ-HĐND bằng định mức phân bổ dự toán chi hoạt động thường xuyên của các lĩnh vực văn hóa, thể thao, xã hội cấp huyện là 46,8 triệu đồng/biên chế/năm (chưa bao gồm tiền lương tăng thêm theo mức lương tối thiểu 830.000 đồng/tháng).

4. Nghị quyết số 35/2011/NQ-HĐND ngày 21 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về sửa đổi, bổ sung một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định tại Nghị quyết số 05/2007/NQ-HĐND ngày 13/7/2007 và Nghị quyết số 41/2008/NQ-HĐND ngày 12/12/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Theo Nghị quyết, sửa đổi, bổ sung nội dung và mức thu đối với 04 loại phí và 02 loại lệ phí, cụ thể như sau:

- Sửa đổi, bổ sung mức thu Phí thăm quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh quy định tại Khoản 7, Khoản 8, Điều 1 Nghị quyết số 05/2007/NQ-HĐND ngày 13/7/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

+ Bổ sung đối tượng nộp: Người cao tuổi, là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.

+ Bổ sung mức thu: Người cao tuổi tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nộp phí bằng 50% mức thu phí hiện hành.

+ Quản lý sử dụng: Giữ nguyên như quy định tại Nghị quyết số 05/2007/NQ-HĐND ngày 13/7/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về việc điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các loại phí và lệ phí.

- Sửa đổi, bổ sung mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản và khai thác khoáng sản tận thu quy định tại Khoản 5, Điều 1 Nghị quyết số 41/2008/NQ-HĐND ngày 12/12/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

+ Đối tượng nộp Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản và khai thác khoáng sản tận thu: Các tổ chức, cá nhân (trong và ngoài nước) khai thác khoáng sản phải nộp phí đã được quy định.

+ Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu được tính bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng nêu trên.

+ Quản lý sử dụng: Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước, số phí thu được nộp 100% vào ngân sách Nhà nước.

- Sửa đổi, bổ sung mức thu phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm quy định tại Khoản 6, Điều 1 Nghị quyết số 41/2008/NQ-HĐND ngày 12/12/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

+ Đối tượng nộp: Các tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, tài sản kê biên; cung cấp bản sao văn bản chứng nhận nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án và các giao dịch, tài sản khác theo quy định của pháp luật.

+ Mức thu: 30.000 đồng/trường hợp (mỗi lần cung cấp thông tin theo tên của bên bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm được tính là một trường hợp).

+ Không áp dụng thu phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm đối với các trường hợp sau đây: Tổ chức, cá nhân tự tra cứu thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, tài sản kê biên trong hệ thống đăng ký trực tuyến của Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp; tổ chức, cá nhân yêu cầu cấp văn bản chứng nhận nội dung đăng ký trong trường hợp đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên; chấp hành viên yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản kê biên; điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ cho hoạt động tố tụng.

+ Quản lý sử dụng: Cơ quan thu phí được trích để lại 85% trên tổng số tiền thu phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm để trang trải chi phí theo chế độ quy định; số còn lại 15% cơ quan thu phí phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

- Bổ sung loại đường phố và đối tượng, mức thu phí vệ sinh quy định tại Khoản 2, Điều 1 Nghị quyết số 05/2007/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

+ Đối tượng nộp: Là cá nhân, hộ gia đình, đơn vị hành chính sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nơi có tổ chức hoạt động thu gom và xử lý rác thải.

+ Bổ sung thêm loại đường phố: Là “đường loại 4” đối với các hộ kinh doanh ở mặt tiền đường phố.

+ Bổ sung thêm đối tượng thu, mức thu.

+ Các đối tượng và mức thu phí vệ sinh khác không được Quy định tại Nghị quyết này được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 1 Nghị quyết số 05/2007/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các loại phí và lệ phí.

+ Quản lý sử dụng: Được giữ nguyên như quy định tại Nghị quyết số 05/2007/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các loại phí và lệ phí.

- Sửa đổi, bổ sung mức thu Lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm quy định tại Khoản 14, Điều 1 Nghị quyết số 41/2008/NQ-HĐND ngày 12/12/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

+ Đối tượng nộp: Các tổ chức, cá nhân yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án và các giao dịch, tài sản khác theo quy định của pháp luật.

+ Mức thu: Đăng ký giao dịch bảo đảm 80.000 đồng/hồ sơ; đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm 70.000 đồng/hồ sơ; đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng ký 60.000 đồng/hồ sơ; xóa đăng ký giao dịch bảo đảm 20.000 đồng/hồ sơ.

+ Đối tượng được miễn thu lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm: Các cá nhân, hộ gia đình khi đăng ký giao dịch bảo đảm để vay vốn tại tổ chức tín dụng để sản xuất nông - lâm nghiệp, trong chăn nuôi, kinh doanh thì không phải nộp lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm; yêu cầu sửa chữa sai sót về nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng cho thuê tài chính do lỗi của đăng ký viên; thông báo việc kê biên tài sản thi hành án, yêu cầu thay đổi nội dung đã thông báo việc kê biên tài sản thi hành án, xóa thông báo việc kê biên.

+ Quản lý sử dụng: Cơ quan thu lệ phí được trích để lại 85% trên tổng số tiền thu lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm để trang trải chi phí theo chế độ quy định; số còn lại 15% cơ quan thu lệ phí nộp vào ngân sách Nhà nước.

- Sửa đổi, bổ sung lệ phí trước bạ quy định tại Khoản 15, Điều 1 Nghị quyết số 41/2008/NQ-HĐND ngày 12/12/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh: Ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe), bao gồm cả trường hợp ô tô bán tải vừa chở người vừa chở hàng, mức thu là 10%.

5. Nghị quyết số 36/2011/NQ-HĐND ngày 21 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của chính sách này là ưu đãi, thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Yên Bái; nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

- Các lĩnh vực khuyến khích đầu tư: Dự án đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, sử dụng nhiều lao động; dự án sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản; những lĩnh vực sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

- Các lĩnh vực không khuyến khích đầu tư: Dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, thủy điện, đá vôi trắng và khoáng chất công nghiệp, dự án đầu tư ngoài các khu công nghiệp (trừ những dự án đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, sử dụng nhiều lao động).

6. Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND ngày 21 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015.

- Mục tiêu của Đề án: Đến năm 2015 kiên cố hóa 400 km và mở mới 500 km đường thôn bản.

- Tổng vốn đầu tư để thực hiện Đề án: 469.800.000.000 đồng, trong đó: kiên cố hóa đường giao thông nông thôn 440 tỷ đồng; mở mới đường thôn bản 29,8 tỷ đồng.

- Về quy mô xây dựng: Đối với các tuyến đường liên xã, đường từ xã xuống thôn, đường liên thôn bản thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp A, B (tiêu chuẩn GTNT 22TCN210-92), bề rộng mặt đường Bm = 3,0m hoặc Bm = 3,5m (bề rộng nền đường 4,0 m - 5,0 m). Đối với các tuyến đường thôn bản, bề rộng nền đường mở mới Bm = 2,5m và Bn = 3,5m.

- Nguồn vốn đầu tư: Đề án này được thực hiện bằng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, vốn ngân sách địa phương, vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho địa phương thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và các nguồn vốn hỗ trợ giao thông nông thôn hợp pháp khác. Các dự án phát triển giao thông nông thôn bằng các chương trình mục tiêu khác không nằm trong nội dung Đề án này. Trong tổng giá trị hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thì ngân sách cấp tỉnh bố trí 70%, ngân sách cấp huyện 30%.

- Cơ chế đầu tư: Đối với kiên cố hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% giá trị của tổng mức đầu tư lập theo quy định hiện hành đối với các phường, thị trấn và ngân sách Nhà nước hỗ trợ 60% giá trị của tổng mức đầu tư lập theo quy định hiện hành đối với các xã còn lại. Phần chi phí còn lại huy động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân và các tổ chức. Riêng chi phí tư vấn khảo sát thiết kế, ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/1km; chi phí quản lý ngân sách Nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng/1km.

Công tác giải phóng mặt bằng do địa phương đảm nhận, nhân dân tự nguyện hiến đất để xây dựng công trình. Đối với các dự án đầu tư bằng vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho địa phương thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP thì thực hiện quản lý, thanh toán vốn theo quy định hiện hành. Đối với các tuyến mở mới bề rộng nền đường Bn = 2,5 m hoặc Bn = 3,5 m: Nhà nước hỗ trợ người dân mở mới đường liên thôn, bản, đường tới các cụm dân cư với bề rộng nền đường Bn = 2,5 m, mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/1km; hỗ trợ 70 triệu đồng/1km mở mới đối với các tuyến đường có bề rộng nền đường Bn = 3,5 m (trong đó đã bao gồm hỗ trợ 1 triệu đồng/1km cho chi phí lập hồ sơ, in ấn tài liệu, quản lý thi công). Các tuyến đường mở mới phải tuân thủ quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 của các xã và quy hoạch giao thông nông thôn giai đoạn 2010 - 2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Đối với địa bàn có các doanh nghiệp, tổ chức (nhất là các doanh nghiệp khai thác, chế biến, tiêu thụ khoáng sản) sử dụng phương tiện vận tải lưu thông trên tuyến đường dân đóng góp đầu tư có trách nhiệm đóng góp để thực hiện dự án, khoản đóng góp này được tính vào phần đóng góp của dân. Các huyện, thị xã, thành phố nếu có điều kiện có thể hỗ trợ thêm kinh phí để giảm phần đóng góp của người dân. Đối với các địa phương đang hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn thì được áp dụng chính sách có mức hỗ trợ cao nhất.

7. Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 21 tháng 12 năm 2011 về việc phê chuẩn bổ sung chỉ tiêu tổng biên chế sự nghiệp và thông qua bổ sung biên chế công chức hành chính tỉnh Yên Bái năm 2012.

- Biên chế công chức hành chính là: 2.650 biên chế, tăng 37 biên chế.

- Biên chế sự nghiệp là: 19.733 biên chế, tăng 376 biên chế, trong đó: sự nghiệp giáo dục và đào tạo là: 14.488 biên chế, tăng 362 biên chế (trong đó: cơ sở dạy nghề tăng 08; biên chế ngành học mầm non: 307; trường PTDT bán trú: 17; dự phòng: 30); sự nghiệp y tế là: 3.220 biên chế, giữ nguyên; sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể dục thể thao & đài là: 707 biên chế, tăng 06 biên chế; sự nghiệp khác là: 943 biên chế, tăng 08 biên chế; sự nghiệp khoa học là: 375 biên chế, giữ nguyên.

- Hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP là: 399 chỉ tiêu, tăng 64 chỉ tiêu.

8. Nghị quyết số 40/2011/NQ-HĐND ngày 21 tháng 12 năm 2011 về bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015.

- Bổ sung chính sách hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn trong Nghị quyết số 24/2010/NQ-HĐND ngày 16/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015.

+ Hỗ trợ chuyển đổi diện tích trồng lúa nương sang trồng ngô. Hỗ trợ 2 triệu đồng/ha mua phân bón vô cơ cho các hộ chuyển đổi diện tích trồng lúa nương sang trồng ngô.

+ Hỗ trợ cho các hộ làm cây rơm dự trữ thức ăn cho gia súc. Hỗ trợ 300.000 đồng/01 cây rơm/hộ/năm dự trữ thức ăn cho gia súc.

+ Hỗ trợ một lần các xã đặc biệt khó khăn mua tủ lạnh để bảo quản vắc xin tiêm phòng gia súc. Mức hỗ trợ 3 triệu đồng/tủ.

- Bổ sung chính sách hỗ trợ vùng sản xuất hàng hóa trong Nghị quyết số 24/2010/NQ-HĐND ngày 16/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015.

+ Hỗ trợ sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao: Hỗ trợ 100% giá giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng cho sản xuất giống nguyên chủng và giống xác nhận. Quy mô hỗ trợ từ 5 ha trở lên.

+ Hỗ trợ sản xuất vụ đông: Hỗ trợ tối đa 50% giá giống ngô lai cho sản xuất ngô vụ đông trên đất 2 vụ lúa.

+ Hỗ trợ phát triển sản xuất chè: Hỗ trợ giống chè cho diện tích trồng cải tạo, thay thế chè tại các huyện. Nguồn vốn hỗ trợ: do Dự án QSEAP đảm nhiệm; hỗ trợ Dự án bảo tồn và phát triển vùng chè Suối Giàng: vốn thực hiện từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học, Dự án QSEAP, doanh nghiệp và các hộ dân trong vùng tham gia đóng góp.

+ Hỗ trợ phát triển tre Bát Độ, tre Điền Trúc để lấy măng: Mức hỗ trợ 3 triệu đồng/ha.

+ Hỗ trợ phát triển chăn nuôi: Hỗ trợ một lần cho hộ chăn nuôi lợn, gia cầm theo phương thức công nghiệp hoặc bán công nghiệp để xây dựng chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn và vệ sinh môi trường, mua con giống, thuốc phòng, chữa bệnh... Mức hỗ trợ như sau: Hỗ trợ cơ sở chăn nuôi lợn thịt có quy mô tối thiểu đạt 50 con lợn thịt/lứa, mức hỗ trợ: 20 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ cơ sở chăn nuôi lợn nái sinh sản có quy mô tối thiểu đạt 10 con lợn nái, mức hỗ trợ: 20 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ cơ sở chăn nuôi lợn nái sinh sản có quy mô đạt 300 con lợn nái trở lên, mức hỗ trợ: 200 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ cơ sở chăn nuôi gia cầm có quy mô 1.000 con/lứa trở lên, mức hỗ trợ: 15 triệu đồng/cơ sở.

+ Hỗ trợ nuôi trồng thủy sản: Hỗ trợ kinh phí mua thuốc phòng chống dịch bệnh thủy sản; hỗ trợ đóng mới lồng bè nuôi cá có thể tích 20m3 trở lên: mức hỗ trợ 3 triệu đồng/lồng; hỗ trợ cơ sở nuôi ba ba có quy mô tối thiểu 200 con đối với nuôi thương phẩm hoặc 10 cặp bố mẹ (3 con, trong đó có 2 con cái, 1 con đực) đối với nuôi ba ba sinh sản: mức hỗ trợ 20 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản vào hồ Thác Bà và các hồ lớn khác. Mức hỗ trợ: 1.500 triệu đồng/năm.

+ Hỗ trợ kinh phí mua vật tư, thiết bị, tập huấn, công phối cho dẫn tinh viên phối giống cải tạo đàn bò bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo: Hỗ trợ kinh phí mua vật tư, trang thiết bị, đào tạo, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ tiền công phối giống cho dẫn tinh viên theo Quyết định số 1525/QĐ-UBND ngày 13/10/2011 của ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Dự án Cải tạo đàn bò bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015.

+ Hỗ trợ giá giống rau sản xuất rau an toàn trồng ở vùng tập trung theo quy hoạch: mức hỗ trợ 3 triệu đồng/ha. Yêu cầu diện tích vùng trồng rau tối thiểu phải đạt 2 ha trở lên.

+ Hỗ trợ giá giống hoa trồng ở vùng tập trung theo quy hoạch: mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ha. Yêu cầu diện tích vùng trồng hoa tối thiểu phải đạt 3 ha trở lên.

+ Hỗ trợ phát triển cơ sở sản xuất nấm: mức hỗ trợ là 5 triệu đồng/cơ sở. Yêu cầu cơ sở có quy mô từ 2.000 bịch trở lên.

+ Hỗ trợ phát triển cây ăn quả đặc sản: Hỗ trợ một lần 50% giá giống cho các hộ có diện tích trồng mới, trồng thay thế cây ăn quả đặc sản có quy mô từ 1.000 m2 trở lên. Mức hỗ trợ tối đa là 5 triệu đồng/ha.

- Chính sách hỗ trợ trong quy định này được cân đối bằng nguồn ngân sách địa phương và lồng ghép các chương trình dự án. Trong quá trình thực hiện, nếu trùng với chính sách của Trung ương thì đối tượng hưởng lợi chỉ được hưởng một nguồn hỗ trợ cao nhất. Các chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm, nghiệp, thủy sản không có trong quy định này được thực hiện theo các chính sách hiện hành của Nhà nước.

9. Nghị quyết số 41/2011/NQ-HĐND ngày 21 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về việc Quy định một số chính sách thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội giai đoạn 2011 - 2015.

* Về chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao của tỉnh Yên Bái như sau:

- Đối tượng và phạm vi áp dụng: Vận động viên, huấn luyện viên thuộc địa phương quản lý đang luyện tập, huấn luyện tại các trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao và vận động viên, huấn luyện viên đang làm nhiệm vụ tại các giải thể thao thành tích cao quy định tại Điều 37 Luật Thể dục, thể thao (giải thi đấu vô địch quốc gia, giải trẻ quốc gia hàng năm từng môn thể thao, giải thi đấu vô địch từng môn thể thao của tỉnh); đội tuyển cấp tỉnh, đội tuyển trẻ cấp tỉnh, đội tuyển năng khiếu cấp tỉnh, đội tuyển cấp huyện, vận động viên đạt đẳng cấp kiện tướng và vận động viên đạt đẳng cấp I, vận động viên khuyết tật.

- Thời gian áp dụng: Thời gian áp dụng là số ngày thực tế tập trung luyện tập và tập trung thi đấu theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

- Chế độ dinh dưỡng: Được tính bằng tiền cho một ngày tập trung luyện tập, thi đấu của một vận động viên, huấn luyện viên. Mức chi bằng 60% mức chi của Thông tư số 149/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL ngày 07 tháng 11 năm 2011 của Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc Hướng dẫn thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao, cụ thể như sau:

+ Chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên, huấn luyện viên trong thời gian tập trung luyện tập: Đội tuyển cấp tỉnh 90.000 đồng/người/ngày; đội tuyển trẻ cấp tỉnh 70.000 đồng/người/ngày; đội tuyển năng khiếu cấp tỉnh, đội tuyển cấp huyện 55.000 đồng/người/ngày; đội tuyển cấp huyện 55.000 đồng/người/ngày.

+ Chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên, huấn luyện viên trong thời gian tập trung thi đấu: Đội tuyển cấp tỉnh 120.000 đồng/người/ngày; đội tuyển trẻ cấp tỉnh 90.000 đồng/người/ngày; đội tuyển năng khiếu cấp tỉnh 90.000 đồng/người/ngày; đội tuyển cấp huyện 90.000đồng/người/ngày.

- Đối với vận động viên đạt cấp kiện tướng và vận động viên đạt đẳng cấp I thuộc địa phương quản lý, trong thời gian tập trung luyện tập và thi đấu theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng chế độ dinh dưỡng theo quy định tại điểm a, điểm b, khoản 3, Điều 1 của Nghị quyết này và còn được hưởng thêm 20.000 đồng/người/ngày đối với vận động viên đạt đẳng cấp kiện tướng và 15.000 đồng/người/ngày đối với vận động viên đạt đẳng cấp I.

- Đối với các vận động viên khuyết tật thuộc địa phương quản lý, khi được cấp có thẩm quyền triệu tập tập huấn và thi đấu được hưởng chế độ dinh dưỡng theo qui định tại điểm a, điểm b, khoản 3, Điều 1 của Nghị quyết này.

- Kinh phí thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao được bố trí trong dự toán ngân sách chi sự nghiệp thể thao hàng năm theo phân cấp ngân sách hiện hành.

* Về chế độ trợ cấp đối với người cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Yên Bái như sau:

- Đối tượng áp dụng: Người nghiện ma túy chữa trị, cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Yên Bái (gọi tắt là Trung tâm); người nghiện ma túy chữa trị, cai nghiện tại cộng đồng.

- Trách nhiệm đóng góp đối với người cai nghiện ma túy chữa trị, cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm:

+ Người nghiện ma túy chữa trị, cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm phải đóng góp các khoản chi phí như sau: Mức đóng góp một lần cho cả đợt chữa trị, cai nghiện là 700.000 đồng (gồm: tiền thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện và thuốc chữa bệnh thông thường khác, tiền xét nghiệm tìm chất ma túy và các xét nghiệm khác: 400.000 đồng/người/đợt; tiền sinh hoạt văn thể: 50.000 đồng/người/đợt; tiền mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân: 100.000 đồng/người/đợt; tiền đóng góp mua sắm công cụ, dụng cụ: 150.000 đồng/người/đợt; tiền học văn hóa, học nghề (nếu bản thân đối tượng có nhu cầu).

Mức nộp tùy thuộc nhóm nghề và chi phí thực tế từng thời điểm, đảm bảo thu đủ bù chi); mức đóng góp hàng tháng 800.000 đồng/người/tháng (gồm: tiền ăn: 450.000 đồng/người/tháng; tiền điện, nước, vệ sinh: 50.000 đồng/người/tháng; chi phí phục vụ, quản lý: 300.000 đồng/người/tháng); mức đóng góp hàng tháng có thể thay đổi theo mức ăn thực tế của Trung tâm tại thời điểm đó.

- Người nghiện ma túy chữa trị, cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm có trách nhiệm đóng góp các khoản chi phí theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 2 của Nghị quyết này. Trường hợp người nghiện ma túy không có đủ điều kiện đóng góp thì vợ hoặc chồng, cha, mẹ hoặc người giám hộ và gia đình người nghiện ma túy có trách nhiệm đóng góp.

 - Chế độ hỗ trợ đối với người nghiện ma túy chữa trị, cai nghiện tại cộng đồng: Người nghiện ma túy chữa trị, cai nghiện tại cộng đồng ở các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải và các xã vùng cao của huyện Văn Chấn được hỗ trợ tiền thuốc điều trị cắt cơn nghiện tối đa là 400.000 đồng/người/đợt cai nghiện; hỗ trợ tiền ăn là 300.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ là 03 tháng/đợt cai nghiện.

10. Nghị quyết số 42/2011/NQ-HĐND ngày 21 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015.

- Mục tiêu: Củng cố, phát triển giáo dục mầm non với quy mô trường, lớp, đội ngũ giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo thu hút tối đa trẻ trong độ tuổi, trẻ 5 tuổi đến lớp; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện; nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; tạo chuyển biến cơ bản và vững chắc về chất lượng giáo dục mầm non. Phấn đấu đến năm 2014, tỉnh Yên Bái hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.

Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ huy động trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt 27%; tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 88%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt 90%; tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi không quá 8%; tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn về trình độ đào tạo 100%, trong đó trên chuẩn là 35%; tỷ lệ huyện, thị, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi 100%; tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia 35%.

- Các giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về chủ trương phát triển giáo dục mầm non, tạo sự quan tâm, phối hợp trong tổ chức triển khai thực hiện Đề án. 

Xây dựng hệ thống trường, lớp mầm non hợp lý, đảm bảo mỗi xã, phường có ít nhất có 01 trường mầm non độc lập. Xây dựng mới 305 phòng học để thay thế số phòng học tạm, phòng học nhờ. Thu hút các nguồn lực xã hội hóa, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, bếp ăn, nước sạch, công trình vệ sinh trong các trường mầm non để từng bước đạt chuẩn, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ.

Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đến năm 2015 đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Đào tạo 520 chỉ tiêu giáo viên mầm non có trình độ trung cấp và cao đẳng; tổ chức đào tạo theo địa chỉ để đáp ứng nhu cầu giáo viên ở vùng khó khăn. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tin học, ngoại ngữ, tiếng địa phương; nâng cao phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên.

Bảo đảm chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên theo quy định hiện hành của Nhà nước. Bổ sung chính sách hỗ trợ đối với nhân viên dinh dưỡng ở trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Triển khai thực hiện đầy đủ nội dung của chương trình giáo dục mầm non mới theo hướng tích hợp các nội dung chăm sóc, giáo dục theo chủ điểm, tổ chức các hoạt động phù hợp với sự phát triển tâm, sinh lý lứa tuổi. Từng bước chỉ đạo, tạo độ đồng đều về tỷ lệ huy động trẻ ra lớp; chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ giữa các vùng miền trong tỉnh.

Tăng cường quản lý Nhà nước đối với giáo dục mầm non, từ khâu xây dựng quy hoạch hệ thống mạng lưới trường lớp, quyết định thành lập trường, chương trình chăm sóc, dạy và học; xây dựng quy chế quản lý giáo viên, quy chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện chế độ tự chủ. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục.

Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục mầm non. Xây dựng mức thu học phí cho giáo dục mầm non trên cơ sở chính sách học phí của Nhà nước đảm bảo sự chia sẻ chi phí hợp lý giữa Nhà nước, người học và cộng đồng trong các trường công lập. Khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

- Kinh phí: Tổng nguồn vốn thực hiện Đề án 79.248 triệu đồng, trong đó: ngân sách Trung ương 79%, ngân sách địa phương 10%, nguồn vốn huy động hợp pháp khác 11%.

11. Nghị quyết số 43/2011/NQ-HĐND ngày 21 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái phê duyệt Đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2011 - 2015.

- Mục tiêu: Xây dựng hệ thống trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, của đất nước.

Xây dựng 96 trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó: 42 trường mầm non và 28 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; 20 trường trung học cơ sở, 6 trường trung học phổ thông; nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 là 201 trường, đạt tỷ lệ 35%.

Phấn đấu đến năm 2015, mỗi huyện, thị xã, thành phố có 01 trường mầm non và 01 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

- Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Có kế hoạch đào tạo, điều chuyển, bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cho các trường trong lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nhằm đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo; hàng năm được bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ.

Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng trường học, thực hiện giảm tải theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tổ chức dạy học 2 buổi trên ngày cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở. Tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém. Thực hiện tốt phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động.

Thực hiện thu hút giáo viên có trình độ, năng lực về công tác tại các trường đạt chuẩn quốc gia.

Thực hiện tốt các giải pháp về công tác quản lý, chỉ đạo, cơ chế phối hợp thực hiện như: tăng cường công tác tham mưu của cơ quan quản lý giáo dục với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; tăng cường kiểm tra, nâng cao chất lượng hiệu quả trong việc đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; đánh giá các trường học theo 5 tiêu chuẩn của trường đạt chuẩn quốc gia.

Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, đầu tư có trọng điểm, đảm bảo đúng nhu cầu hạng mục còn thiếu, tránh lãng phí; tăng cường sự phối hợp giữa ngành giáo dục và đào tạo với các ngành có liên quan trong việc ưu tiên đầu tư cho xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch.

Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ngành và các địa phương tổ chức sơ kết, báo cáo kết quả thực hiện, tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân trong việc triển khai thực hiện Đề án.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp quản lý; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tuyên truyền, vận động toàn xã hội tham gia xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

- Nguồn vốn: Tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 là 209,16 tỷ đồng. Trong đó: vốn lồng ghép các chương trình, dự án của Trung ương: 60%; vốn ngân sách tập trung của tỉnh: 12,8%; nguồn vốn khác (huyện, xã, xã hội hóa): 27,2%.      

Các tin khác

YBĐT - Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với đội ngũ cán bộ chủ chốt của ngành y tế tỉnh/ Ban soạn thảo nghị quyết, đề án tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 – 2015”... và một số thông tin khác.

YBĐT - Sáng ngày 17/2, đồng chí Dương Văn Thống - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.

Đồng chí Phạm Duy Cường – Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị.

YBĐT - Ngày 16/2/2012, các đồng chí Phạm Duy Cường – Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Ngô Thị Chinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch về kết quả công tác văn hóa – thể thao và du lịch năm 2011, mục tiêu chiến lược phát triển các công tác này đến năm 2015, tầm nhìn 2020.

Các đại biểu bỏ phiếu tại Hội nghị.

YBĐT - Ngày 16/2, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt của Đảng bộ Khối để thực hiện bỏ phiếu giới thiệu nguồn quy hoạch Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục