Đón nhận nhãn hiệu tập thể “Cam Văn Chấn”: Cơ hội mới cho vùng quả ngọt
- Cập nhật: Thứ năm, 1/12/2016 | 8:24:10 AM
YBĐT - Cam Văn Chấn được biết đến không chỉ ngon, ngọt mà mẫu mã cũng rất đẹp. Sản phẩm này đang dần có chỗ đứng trên thị trường và được khách hàng ưa chuộng. Hiện toàn huyện Văn Chấn có hơn 1.300 ha cam, quýt.
Đồng chí Hồ Đức Hợp - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn (thứ 2 bên phải) trao đổi với bà con trồng cam.
|
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, nhãn hiệu tập thể “Cam Văn Chấn” sẽ được công nhận và công bố vào đầu tháng 12 tới. Đây là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân Văn Chấn và góp phần nâng tầm giá trị cây ăn quả đặc trưng của vùng đất này.
Gia đình ông Nguyễn Văn Chiến là một trong những hộ tiên phong thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp, chuyển những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cam ở tổ dân phố 8, thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn. Hiện nay, ông đang sở hữu gần 1,7 ha cam các loại, sản lượng bình quân mỗi năm đạt từ 30 đến 40 tấn, thu nhập từ 600 đến 700 triệu đồng mỗi năm.
Để đáp ứng nhu cầu cũng như thị hiếu của người tiêu dùng, gia đình ông Chiến và bà con trong tổ dân phố đã đa dạng hóa các giống cam chín sớm, chín muộn, thời vụ thu hoạch dài để phục vụ nhu cầu thị trường.
Mặt khác, các loại cam ở đây đều có chất lượng quả ngọt nên được nhiều người biết đến, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Đầu tháng 12 này, nhãn hiệu cam Văn Chấn được công nhận sẽ là niềm vui, động lực để gia đình ông cũng như bà con trong tổ dân phố 8, thị trấn Nông trường Trần Phú tiếp tục đầu tư thâm canh, đa dạng các mặt hàng cam phục vụ thị trường.
Ông Chiến cho biết: “Trước đây, gia đình cũng trồng lúa, trồng chè nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi chuyển đổi sang trồng cam, nguồn thu đem lại gấp 10 lần so với trồng chè, trồng lúa. Cam Văn Chấn được công nhận nhãn hiệu sẽ là niềm vui, động lực để chúng tôi tiếp tục đầu tư thâm canh”.
Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo đất vườn tạp, cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có múi, nhân dân tổ dân phố 8, thị trấn Nông trường Trần Phú đã tiên phong đưa cây cam vào sản xuất. Sau hơn 20 năm, cây cam đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường cũng như phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi này. Tổ dân phố 8, thị trấn Nông trường Trần Phú được coi là cái nôi của phong trào trồng cam.
Hiện nay, số hộ khá, giàu của tổ chiếm khoảng 70%, nhiều hộ có thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng từ cây cam. Đặc biệt, những năm gần đây, đã xuất hiện tỷ phú cam, tổ còn duy nhất 2 hộ nghèo trong tổng số 62 hộ. Tổ dân phố 8 nổi lên như một khu dân cư trù phú và đang sở hữu rất nhiều ngôi biệt thự khang trang, bề thế nằm ẩn hiện bên những đồi cam bạt ngàn.
Thị trấn Nông trường Trần Phú được coi là thủ phủ của cam Văn Chấn bởi luôn dẫn đầu về diện tích và sản lượng hàng năm. Theo tính toán, hiện tại thị trấn có khoảng 400 ha cam các loại, năm nay tổng sản lượng ước đạt 4.000 tấn. Cam đã khẳng định là loại cây trồng có giá trị cao và khả năng tiêu thụ tương đối ổn định.
Ông Đỗ Anh Thiện - Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú cho biết: “Cam được coi là cây trồng chủ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, cam cũng là cây trồng có khả năng thích nghi hẹp, lại dễ bị sâu bệnh".
"Do vậy, để phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền thị trấn đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, theo hướng tích cực chuyển đổi giống, mở rộng diện tích, tăng sản lượng và tăng thu nhập cho người dân; đồng thời, phối hợp với các ban, ngành đoàn thể của huyện quảng bá, đăng ký nhãn nhiệu có sản phẩm cam Văn Chấn”, ông Thiện cho biết.
Các nhóm hộ trồng cam cũng đang là nhân tố quan trọng để phát triển vùng cây ăn quả có múi ở vùng ngoài; thực hiện việc liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ. Tổ hợp tác chuyên canh cam thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La đã ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân. Đồng thời, tạo ra sản phẩm nông sản hàng hoá tập trung, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Cùng với đó, các thành viên trong Tổ hợp tác đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vi sinh, hữu cơ để vừa bảo đảm an toàn, vừa tiết kiệm chi phí bảo vệ môi trường, đã có những tác động tích cực đến mục tiêu xây dựng thương hiệu cam sạch Văn Chấn.
Hiện nay, toàn huyện Văn Chấn có hơn 1.300 ha cam, quýt, tập trung chủ yếu ở một số xã, thị trấn vùng ngoài như: Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng Bằng La và thị trấn Nông trường Trần Phú. Với năng suất trung bình 12 -15 tấn/ha, mỗi năm sản lượng cây ăn quả có múi của huyện đạt trên 8.000 tấn. Giá trị cao và thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, cam được coi là một trong những cây trồng chủ lực mang lại thu nhập khá cho nhiều gia đình.
Để nâng tầm giá trị của vùng cam Văn Chấn, nhân dân đang tập trung những tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển thành vùng cam hàng hóa như: cam Đường canh, cam sành, cam chanh và tiến tới xây dựng vùng cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để đưa cam Văn Chấn lên một tầm cao mới về chất lượng.
“Chúng tôi đã phối hợp với các viện khoa học, các đơn vị dịch vụ để giúp nông dân xây dựng các mô hình, các điểm cam VietGAP; hướng dẫn nông dân bảo quản sản phẩm cam được tốt. Nhãn hiệu tập thể "Cam Văn Chấn" được công nhận sẽ giúp cho cam Văn Chấn nâng lên một tầm mới” - ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết.
Niềm vui được mùa cam.
Để nâng cao giá trị của cam Văn Chấn, huyện đã được phê duyệt Đề án “Phát triển vùng cam, quýt các xã, thị trấn vùng ngoài của huyện, giai đoạn 2016 - 2020” với tổng kinh phí thực hiện Đề án trên 335 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước hơn 15,4 tỷ đồng đầu tư hỗ trợ giá cây giống, tư vấn quy hoạch, đầu tư vườn ươm...
Theo đó, huyện Văn Chấn sẽ hỗ trợ các xã, thị trấn vùng ngoài, mở rộng, trồng mới 1.455 ha cam, quýt; hình thành vùng cây ăn quả có múi toàn huyện lên diện tích trên 2.500 ha. Các hộ dân tham gia Đề án phải có diện tích liền khoảnh từ 0,5 ha trở lên và từ 3 ha trở lên đối với nhóm hộ, quan trọng nhất là hướng đến mục tiêu nâng sản lượng quả tươi lên 15.000 - 20.000 tấn mỗi năm, tổng thu nhập đạt 300 tỷ đồng/năm.
Đồng chí Hồ Đức Hợp - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: “Huyện sẽ quy hoạch vùng chuyên canh cam chất lượng khoảng 2.500 ha với đa dạng hóa các giống cam để đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị. Đồng thời, tăng cường quảng bá hình ảnh, chất lượng sản phẩm cam Văn Chấn ra thị trường trong nước và ngoài nước. Song song với đó là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng quả, sản xuất nông nghiệp sạch, sản xuất vùng cam vừa ngon, sạch, an toàn. Như vậy, nhãn hiệu cam Văn Chấn mới được phát triển”.
Từ mảnh đất hoang sơ ngày nào giờ đã thành vùng đất với bao mùa quả ngọt làm say đắm lòng người. Vị ngọt của cam Văn Chấn toát lên từ đất và chính từ những giọt mồ hôi của người nông dân. Rồi đây, cam Văn Chấn sẽ còn vươn xa hơn trong thị trường với nhãn hiệu tập thể được bảo hộ. Cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, đây sẽ là động lực, là cơ hội để nhiều gia đình đầu tư tiềm lực, tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương nhằm hình thành vùng cây ăn quả có múi lớn hơn, mang lại giá trị kinh tế cao.
Nguyễn Nghĩa - Quang Sơn (Đài TT-TH Văn Chấn)
Các tin khác
YBĐT - Xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái nổi tiếng với sản phẩm miến dong. Các cơ sở chế biến miến được công nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đều trải qua việc kiểm tra chặt chẽ tất cả các yếu tố liên quan đến việc chế biến của cơ quan chức năng.
YBĐT - Huyện đã hình thành vùng chuyên canh lúa với 1.000 ha thâm canh; vùng chuyên canh sắn công nghiệp trên 7.000 ha; quế 40.000 ha, trong đó có 15.000 ha quế tập trung.
YBĐT - Tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng đã được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng giải ngân từ năm 2011 - 2015 là trên 132 tỷ đồng.
YBĐT - Với lợi thế có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, món ăn đặc sắc và con người thân thiện, những năm gần đây, ngành du lịch Yên Bái đã có bước phát triển.