Công nghiệp Yên Bái: Cán đích trong gian khó

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/12/2017 | 8:33:40 AM

YBĐT - Năm 2017, dù bối cảnh kinh tế trong nước, thế giới nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng còn nhiều khó khăn, song với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, các địa phương, sự nỗ lực, sáng tạo vượt khó vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp... đã đưa hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh cán đích thành công.

Đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh (thứ hai bên phải) tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm công nghiệp tại Hội nghị Kết nối cung cầu tỉnh Yên Bái 2017.
Đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh (thứ hai bên phải) tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm công nghiệp tại Hội nghị Kết nối cung cầu tỉnh Yên Bái 2017.

Thực hiện kế hoạch năm 2017, ngành công nghiệp của tỉnh gặp không ít khó khăn: thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, mưa nhiều không thuận lợi cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến nông lâm sản, khai thác, chế biến khoáng sản. Đặc biệt, trong tháng 10/2017, mưa lũ bất thường tại các huyện miền Tây đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất công nghiệp, nhất là hoạt động của một số nhà máy Thủy điện. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm của một số doanh nghiệp bị thu hẹp, thị trường xuất khẩu không ổn định đã tác động không nhỏ đến sản xuất và xuất khẩu của một số sản phẩm...
 
Trong năm, một số dự án công nghiệp trọng điểm của tỉnh triển khai chậm tiến độ như: Dự án Nhà máy Chế biến đá  trắng của Công ty TNHH MTV đá trắng Bảo Lai; Dự án chì kẽm Tây Giang; Dự án Sản xuất ván ép MDF, sản xuất khí gas công nghiệp tại Khu Công nghiệp Minh Quân; Dự án Sản xuất gạch nung tuynel Văn Yên...

Tuy vậy, với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, của tỉnh cùng sự cố gắng của các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nên sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2017 tiếp tục giữ vững sự ổn định và đạt mức tăng trưởng khá so với năm trước.
 
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 9.000 tỷ đồng, tăng gần 12% so với năm 2016; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 6.890 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải đạt 47 tỷ đồng, tăng 4,85% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm chủ lực tăng khá so với năm 2016 như: điện sản xuất, giấy đế, vàng mã; vật liệu xây dựng; sản phẩm gỗ các loại...
 
Cơ cấu ngành công nghiệp có sự chuyển biến theo hướng tích cực, nâng cao tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu ngành công nghiệp. Hầu hết các địa phương đều hoàn thành kế hoạch được giao và một số huyện có mức tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp khá như: huyện Yên Bình tăng 14,15%; Lục Yên tăng 18,23%; Văn Chấn tăng 10,35% so với cùng kỳ…
 
Sản xuất công nghiệp cũng đóng góp tỷ trọng lớn trong hoạt động xuất khẩu, đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2017 đạt 100 triệu USD, tăng gần 32% so với năm 2016. Các mặt hàng xuất khẩu khá đa dạng; thị trường xuất khẩu từng bước được mở rộng. Đến nay, sản phẩm của tỉnh đã được xuất khẩu sang hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sở dĩ, sản xuất công nghiệp duy trì ổn định mức tăng trưởng là nhờ các cấp, ngành đã tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời, thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Các chính sách khuyến khích đầu tư, khuyến công, xúc tiến thương mại, cải tiến, đổi mới công nghệ được ban hành đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
 
Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp trong thời gian qua đã được tỉnh quan tâm đúng mức. Do đó, đã tạo điều kiện thu hút nhiều dự án đầu tư, từng bước hình thành các khu vực sản xuất tập trung, gắn mục tiêu đẩy mạnh phát triển công nghiệp với xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường và phát triển công nghiệp theo hướng bền vững; phương thức xúc tiến đầu tư có nhiều đổi mới.
 
Từ chỗ chờ nhà đầu tư, thì đến nay các cấp, ngành đã tích cực chủ động tiếp xúc, mời gọi đầu tư; vận động thu hút đầu tư bằng chính uy tín, trách nhiệm, tinh thần phục vụ, hỗ trợ đối với nhà đầu tư hiện có và các nhà đầu tư mới; tạo mọi điều kiện thuận lợi tốt nhất cho nhà đầu tư; tăng cường quảng bá lợi thế các khu, cụm công nghiệp, phổ biến các quy định, chính sách pháp luật...

Ông Trương Ngọc Biên - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: cùng với các chủ trương, cơ chế của tỉnh tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngành công thương đã tích cực triển khai thực hiện nhiều nhóm giải pháp đồng bộ. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực công nghiệp đã được phê duyệt; tăng cường sâu sát cơ sở, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, kịp thời hỗ trợ, động viên doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời, rà soát thống kê đầy đủ sản lượng sản phẩm sản xuất, tiêu thụ, đánh giá đúng tình hình phát triển ngành.
 
Thực hiện tổ chức các hội nghị chuyên ngành theo từng khối: khai thác chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng; thủy điện; chế biến nông lâm sản... nắm chắc tình hình, tham mưu kịp thời với tỉnh các cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khắc phục khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh; tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong các buổi gặp gỡ doanh nghiệp "Chương trình Cà phê doanh nhân” do UBND tỉnh tổ chức.
 
Đẩy mạnh thông tin, dự báo thị trường, định hướng kịp thời để khai thác tối đa năng lực sản xuất của các doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rà soát, loại bỏ những rào cản và hoàn thiện cơ chế chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư. Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ngành đã được triển khai tích cực và đồng bộ, đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp kích cầu, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Năm 2018, dự báo kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Song, với sự cố gắng của các cấp, ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hy vọng sản xuất công nghiệp Yên Bái sẽ có nhiều thành công mới, đạt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp 9.500 tỷ đồng, tăng 5,5% so với năm 2017. 

Hồng Duyên

Các tin khác
Đại Minh mùa bưởi chín.

YBĐT - Diện tích và sản lượng cây ăn quả có múi của tỉnh Yên Bái liên tục tăng trong 5 năm gần đây với con số cụ thể: 1.131 ha, hơn 4.202 tấn của năm 2013 thì đến năm 2017 là 2.846 ha, gần 7.000 tấn. 

Nhà khang trang dưới chân đồi quế. Ảnh Quang Tuấn

YBĐT - Văn Yên được biết đến là "thủ phủ” của cây quế, nơi có diện tích quế lớn nhất cả nước với trên 23.000 ha. Ở đây, cây quế đã gắn bó nhiều đời như người "bạn tri kỷ”, là "lộc” của rừng góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Nhiều gia đình đã coi quế là thứ "vàng xanh” quý giá, là "của để dành” cho con cháu muôn đời sau.

Doanh nghiệp của Ấn Độ hợp tác sản xuất đá Cẩm Thạch tại huyện Lục Yên.

YBĐT - Nếu như năm 2016 Yên Bái đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 38 dự án mới với tổng vốn đăng ký trên 13.181 tỷ đồng thì trong năm 2017 Yên Bái đã có 44 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 16.000 tỷ đồng. Một số dự án có quy mô, vốn đầu tư lớn của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tiềm năng như Tập đoàn Hoa Sen, Công ty cổ phần Tập đoàn kinh tế  Chân - Thiện - Mỹ, các nhà đầu tư Hàn Quốc....

Cán bộ Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên hướng dẫn các hộ dân thôn 12, xã Báo Đáp cách đốn tỉa, chăm sóc cây dâu.

YBĐT - Chương trình trồng dâu, nuôi tằm của huyện Trấn Yên đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho 872 hộ thuộc 9 xã trong huyện; mỗi năm giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục