Xác định việc nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở là chìa khóa quan trọng để tạo thuận lợi cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội; hàng năm, huyện chủ động rà soát, tổng hợp nhu cầu ở các địa phương để có kế hoạch phân bổ hợp lý các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, của tỉnh, các chương trình hỗ trợ. Cụ thể, trong năm 2019, huyện đã xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông, thủy lợi, trường học, trạm xá đối với xã ĐBKK với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng.
Các thôn ĐBKK được đầu tư trên 11,2 tỷ đồng, tập trung vào các hạng mục công trình như: đường giao thông liên thôn, cầu, cống, ngầm tràn qua khe suối... và đầu tư hơn 1 tỷ đồng sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng các công trình qua sử dụng, chủ yếu là các công trình đường giao thông đi các thôn, bản vùng sâu, điển hình như: đường đi thôn Khe Lép, xã Xuân Tầm; thôn Làng Mới, xã Đại Sơn; thôn Mộ, xã Châu Quế Hạ...
Ông Lò Văn Mạnh - Bí thư Đảng ủy xã Phong Dụ Thượng cho biết: xã hiện có trên 20 km đường giao thông liên thôn. Những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên nhân dân tích cực tham gia đóng góp tiền của, công sức và tận dụng tốt các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước dành cho vùng ĐBKK nên hiện nay xã chỉ còn khoảng 6 km đường liên thôn là đường đất. Thời gian tới, xã tiếp tục xây dựng kế hoạch, phấn đấu bê tông nốt để đường đi 8/8 thôn đều được cứng hoá, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, giao thương, phát triển kinh tế.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, huyện Văn Yên còn thực hiện nhiều hạng mục hỗ trợ trực tiếp phát triển sản xuất, chăn nuôi, mua máy nông nghiệp...
Từ Chương trình 135, đã tác động hiệu quả đến phát triển kinh tế hộ gia đình. Riêng năm 2019, tổng kinh phí thực hiện đạt gần 5 tỷ đồng gồm: hỗ trợ mua trâu, bò sinh sản và làm chuồng trại với kinh phí trên 0,92 tỷ đồng cho trên 100 hộ ở 7 xã; hỗ trợ chăn nuôi gia cầm với quy mô 50 con trở lên/lứa với tổng kinh phí trên 1,48 tỷ đồng cho trên 1.000 hộ ở 11 xã; hỗ trợ mua máy nông nghiệp, công cụ hỗ trợ sản xuất với kinh phí trên 1,53 tỷ đồng cho 470 hộ ở 11 xã và hỗ trợ mua giống cây trồng, phân bón để sản xuất cho trên 200 ha gieo trồng với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng.
Ông Hảng A Dìn ở thôn Khe Sáng, xã Châu Quế Thượng phấn khởi cho biết: "Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, kinh tế rất khó khăn. Tuy nhiên, vài năm gần đây, được Nhà nước quan tâm hỗ trợ giống gà, vịt, lợn, đặc biệt là giống quế đã giúp tôi có thêm điều kiện để phát triển kinh tế. Hiện nay, tôi đã có hơn 2 ha quế, trị giá trên trăm triệu đồng và trở thành động lực để cả nhà cùng vươn lên trong cuộc sống”.
Việc nâng cao trình độ lao động cũng được huyện chú trọng quan tâm, trong đó, hàng năm đã tổ chức mở nhiều lớp tập huấn về chuyển giao khoa học, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, học nghề ngắn hạn ở các xã cho hàng nghìn lượt người dân học tập.
Cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, huyện còn đẩy mạnh công tác tín dụng với các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mỗi năm đạt từ 5 - 6 tỷ đồng cho từ 150 hộ trở lên vay vốn phát triển kinh tế.
Từ sự nỗ lực chung, mỗi năm huyện đều có thêm nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng quế, cây ăn quả, cây dược liệu, trồng rừng... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn các địa phương trong huyện, nhất là ở 10 xã và trên 40 thôn ĐBKK ngày càng thêm khởi sắc.
Hiện, 100% xã có đường ô tô được cứng hóa và điện lưới quốc gia đến trung tâm xã với trên 90% dân số được sử dụng điện; 88% được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 10,6%. Phát huy hiệu quả các chính sách đặc thù cho vùng đồng bào DTTS, năm 2020, huyện tiếp tục tập trung triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài các dự án xây dựng cơ bản thì đối với các hạng mục hỗ trợ trực tiếp cho nhân dân phát triển sản xuất theo Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững với tổng kinh phí huy động trên 5 tỷ đồng cho gần 2.250 hộ gồm các danh mục như: hỗ trợ một lần cho các hộ mua giống trâu, bò sinh sản với kinh phí 10 triệu đồng/con/hộ ở 4 xã; hỗ trợ một lần hộ nghèo chăn nuôi gia cầm với quy mô 50 con/lứa, kinh phí 1,5 triệu/mô hình/hộ ở 10 xã; hỗ trợ một lần cho hộ nghèo chăn nuôi lợn, hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ...
Đây là điều kiện quan trọng, cần thiết về vật chất, tinh thần để tạo động lực cho đồng bào DTTS, người nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và giúp địa phương hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, đạt huyện nông thôn mới vào năm 2025.
Châu Á