Lục Yên phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/8/2024 | 2:00:54 PM

YênBái - Phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân huyện Lục yên chủ động lựa chọn những tổ hội nghề nghiệp, mô hình, dự án có tính khả thi để triển khai, thực hiện. Đặc biệt, ưu tiên các tổ hội nghề nghiệp trồng những cây, con mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Phùng Kim Tiến (thứ 2, bên trái) chia sẻ với lãnh đạo Hội Nông dân huyện Lục Yên quá trình trồng thử nghiệm cây giang lấy lá của gia đình.
Ông Phùng Kim Tiến (thứ 2, bên trái) chia sẻ với lãnh đạo Hội Nông dân huyện Lục Yên quá trình trồng thử nghiệm cây giang lấy lá của gia đình.

Đến thăm mô hình trồng cây giang lấy lá của gia đình ông Phùng Kim Tiến ở thôn Hàm Rồng xã An Lạc được biết, sau khi tìm hiểu về loài cây này ở xã Xuân Giang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cho hiệu quả kinh tế khá, từ đầu năm 2023 ông Tiến mạnh dạn vay vốn trồng thử nghiệm hơn 1.500 gốc trên diện tích gần 5 ha. Đến nay, sau 1 năm diện tích cây giang phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch. 

Ông Tiến chia sẻ: "Cây giang rất dễ trồng, mất ít công chăm sóc, đầu tư không nhiều mà lợi nhuận lại cao. Chỉ sau 1 năm trồng, chăm sóc cây giang phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu đã cho thu hoạch lá, hiện tại giá bán trung bình là 12.000 - 15.000 đồng/kg lá. Mức thu nhập này khá cao so với các cây trồng nông nghiệp khác…”. 

Được biết, là loại cây thuộc họ nhà tre, lá giang sau khi sấy khô được xuất khẩu làm nguyên liệu chế tác hàng thủ công mỹ nghệ như túi, hộp đựng đồ. Sau 1 năm cây giang cho thu hoạch lá từ 3- 4 lần/năm, năng suất tăng dần sau mỗi lần hái lá từ 2 đến 5 kg/gốc và từ năm thứ 2 trở đi mỗi gốc giang sẽ cho thu hái khoảng 9-10 kg trở lên. Không chỉ có thu nhập từ việc thu hái lá giang, gia đình ông Tiến còn được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, khi cây giang đủ tiêu chí khép tán thành rừng theo quy định. 

Ông Triệu Ngọc Hướng - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã An Lạc cho biết: "Qua thực tế, nhu cầu và nguyện vọng của hội viên nông dân, năm 2024 Hội đã đề xuất với HND huyện cho cho 5 hộ hội viên triển khai mô hình trồng cây giang lấy lá được vay vốn từ Quỹ HTND với số tiền 100 triệu đồng, trong thời gian 36 tháng. Từ đó các hộ có thêm nguồn vốn đầu tư mua phân bón, cây giống, mở rộng diện tích trồng, hướng tới thành lập Tổ hội trồng giang để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch…”. 

Nguồn vốn vay tuy không nhiều, nhưng thực tế đã giúp hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động. Qua đó, thu hút nông dân tham gia vào tổ chức Hội, làm nòng cốt cho phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, HND huyện phối hợp với Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh tổ chức giải ngân Dự án "Chế tác đá mỹ nghệ” tại xã An Phú cho 10 hội viên vay vốn với tổng số vốn vay 500 triệu đồng. Tổ chức giải ngân 360 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND cấp huyện cho 12 hộ vay thực hiện 4 dự án trồng trọt và chăn nuôi. 

Tổng nguồn vốn quỹ HTND các cấp của huyện Lục Yên là trên 5,8 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ nguồn vốn từ quỹ Trung ương là 1 tỷ đồng cho 20 hộ vay thực hiện 2 dự án; từ quỹ tỉnh là gần 3 tỷ đồng cho 59 hộ vay thực hiện 7 dự án và từ quỹ HTND huyện là gần 2 tỷ đồng cho 73 hộ vay thực hiện 22 dự án.

Bà Lương Vân Hường - Chủ tịch HND huyện Lục Yên cho biết: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, Hội chủ động lựa chọn những tổ hội nghề nghiệp, mô hình, dự án có tính khả thi để triển khai, thực hiện. Đặc biệt, ưu tiên các tổ hội nghề nghiệp trồng những cây, con mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, hỗ trợ vốn vay cho những hộ có tinh thần trách nhiệm, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn vay. Hội cũng thường xuyên phối hợp các ban, ngành liên quan mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên nông dân. 

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn của hội viên để bảo đảm nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Thời gian tới, HND huyện tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình, dự án vay vốn; tập trung vốn cho các tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, các mô hình vừa sản xuất, kinh doanh kết hợp với du lịch, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và tiêu thụ nông sản...

Vũ Đồng

Tags Lục Yên Quỹ Hỗ trợ nông dân sản xuất kinh doanh

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị thẩm định các xã thuộc huyện Văn Yên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.

Vừa qua, Hội đồng thẩm định xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị thẩm định, xét công nhận các xã: Mỏ Vàng, Châu Quế Hạ, Nà Hẩu, Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.

Đồng bào người Dao xã Phúc An, huyện Yên Bình duy trì và phát triển làng nghề đan rọ tôm.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển du lịch, việc bảo tồn và phát huy giá trị của các nghề, làng nghề truyền thống vùng hồ Thác Bà (Yên Bái) không chỉ là việc làm cần thiết để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.

Mỗi ngày chị Phạm Anh Tươi, thôn Bản Vần, xã Việt Hồng thu hái trên 200 bông sen Quan âm giao cho khách.

Chuyển đổi từ diện tích ruộng kém hiệu quả sang trồng sen, kết hợp phát triển du lịch là một hướng đi mang lại nhiều lợi ích cho nông dân huyện Trấn Yên. Không chỉ mang đến nét đẹp cho vùng quê, cây sen đã mang lại nguồn thu nhập tốt cho nông dân .

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục