105 triệu USD đầu tư cho ngành hoá dược

  • Cập nhật: Thứ bảy, 12/4/2008 | 12:00:00 AM

Thị trường dược phẩm Việt Nam được Tổ chức chăm sóc sức khỏe thế giới đánh giá là đầy tiềm năng với tổng giá trị tiền thuốc năm 2005 đạt 772 triệu USD, sẽ đạt ngưỡng 1 tỷ USD vào năm 2008.

Mặc dù có nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng quy hoạch phát triển ngành hóa dược còn chưa tương xứng. Mới đây, Bộ Công thương đã tổ chức cuộc họp “Quy hoạch phát triển ngành hoá dược đến năm 2015, có xét đến năm 2025”. Cơ quan thực hiện là Viện Hoá học công nghiệp Việt Nam. Dự án “Quy hoạch phát triển ngành hoá dược đến năm 2015, có xét đến năm 2025” nhằm góp phần bảo đảm thuốc sản xuất trong nước đáp ứng 70% nhu cầu thị trường trong nước vào năm 2015 và 80% vào năm 2020, bảo đảm đáp ứng được 20% nhu cầu nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp bào chế thuốc vào năm 2015 và 50% vào năm 2020…

Nội địa hoá nguồn nguyên liệu

Đề án cũng nhằm từng bước đáp ứng hầu hết các nhu cầu cơ bản về nguyên liệu hoá dược cho công nghiệp bào chế dược phẩm, đặc biệt là nguyên liệu cho sản xuất một số loại thuốc phục vụ cho nhu cầu thiết yếu tại Việt Nam như nhóm nguyên liệu thuốc kháng sinh, nhóm nguyên liệu thuốc chống ung thư, tim mạch, nhóm nguyên liệu vitamin, nhóm nguyên liệu thuốc giảm đau, hạ sốt, nhóm tá dược và phụ gia… Với chiều dài hơn 3.000km và hơn 1triệu km2 diện tích vùng biển, nước ta có khoảng 500 loại cây tinh dầu cung cấp nguyên liệu cho dược và mỹ phẩm.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý dược - Bộ Y tế thì chúng ta mới sản xuất được những hoá dược thông thường, công nghệ đơn giản, phần lớn là hoá chất vô cơ và hoá dược chiết từ dược liệu. Việc sản xuất cũng mang nặng tính tự phát, phân tán, đầu tư chồng chéo và thiếu quy hoạch. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu dược lại chưa được đầu tư đúng mức. Hiện tại, theo thống kê sơ bộ của Viện Dược liệu - Bộ Y tế, chúng ta mới chỉ đáp ứng được 46% nguồn nguyên liệu cho ngành hoá dược, còn lại vẫn phải nhập khẩu. Theo đề án, việc tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có, tiến tới dần nội địa hoá nguồn nguyên liệu là rất cần thiết. Để làm được việc này, công tác xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu sẽ tập trung vào những loài cây, con mà Việt Nam có thế mạnh như cây thanh hao hoa vàng, hoa hoè, dừa cạn, bạc hà, tỏi, gấc, nghệ, mướp đắng, nhân trần…

Phát huy thế mạnh truyền thống

Để đề án mang tính khả thi, các đại biểu cũng đề xuất những hướng đi cơ bản: phải đầu tư công nghệ hiện đại, đặc biệt đầu tư sản xuất các nguyên liệu làm thuốc có thế mạnh. Đầu tư có trọng điểm các cơ sở sản xuất hoá chất và nguyên liệu làm thuốc, ưu tiên đầu tư sản xuất thuốc thiết yếu, thuốc có thế mạnh xuất khẩu. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào cũng nhấn mạnh, việc quy hoạch ngành hoá dược cần làm bài bản và tránh đầu tư dàn trải, không quá chú trọng nhiều vào nghiên cứu phát tiển các loại hoạt chất mới, bởi muốn nghiên cứu và đưa vào sản xuất được một hoạt chất mới, cần đầu tư rất tốn kém: từ 150-500 triệu USD và cần từ 5-15 năm.

Chính vì thế, định hướng phát triển ngành hoá dược Việt Nam trong thời gian tới là tập trung nghiên cứu, áp dụng một số quy trình công nghệ hiện đại phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của Việt Nam như nhà máy sản xuất kháng sinh, tá dược và tá dược cao cấp, Sorbitol… Dự kiến, từ nay đến 2015, sẽ tiến hành xây dựng một số nhà máy cơ bản như nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh (giai đoạn 1) ở phía Bắc với công suất 200 tấn cefalexin, nhà máy sản xuất sorbitol ở Hà Tây với công suất 10.000 tấn/năm… Dự tính, tổng vốn đầu tư cho giai đoạn từ nay đến 2015 là 105 triệu USD.

(Theo Báo Công Thương)

Các tin khác

Ngày 10/4, vòng đàm phán thứ 7 về EPA giữa Việt Nam và Nhật Bản diễn ra trong 5 ngày đã kết thúc tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

Các HTX tạo nhiều việc làm cho lao động trong thời gian nông nhàn. Ảnh Quang Tuấn

YBĐT - Năm 2007 toàn tỉnh Yên Bái thành lập và phát triển được 241 HTX, doanh thu các HTX đạt 217 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5.563 lao động với mức thu nhập bình quân gần 1 triệu đồng/người/tháng, nộp ngân sách Nhà nước 6,1 tỷ đồng.

Bà con nông dân xã Thịnh Hưng (Yên Bình) thu hái chè.

YBĐT - Đợt rét đậm, rét hại đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng, phát triển của cây chè. Song, với sự chủ động, nỗ lực, đầu tư thâm canh của nông dân, diện tích chè lại xanh tươi, nẩy búp non tơ. Trong những ngày đầu tháng tư này, nhà nông Yên Bái cùng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè lại hối hả bước vào niên vụ sản xuất mới.

Lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng thương mại đã chính thức cắt giảm, tạo những giá trị mới trên thị trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục